Tin tức - pháp luật 2009-01-10 03:55:05

9X Hà Nội chơi bóng chày


Dù còn xa lạ, nhưng bóng chày đã thu hút nhiều bạn trẻ VN… Ảnh: Trần Mừng

Chơi bóng chày kiểu… Việt Nam

Sân tập của Câu lạc bộ Thể Công – Viettel giờ đã là địa chỉ quen thuộc của những bạn trẻ có niềm đam mê với môn bóng chày những ngày cuối tuần. Thành viên hầu hết là các bạn trẻ thế hệ 9X, già nhất là sinh năm 83.

Khác với ở Mỹ và Nhật Bản (những quốc gia có lượng “fan” lớn hâm mộ môn thể thao này), môn bóng chày ở Việt Nam còn rất “thô sơ”. Một bộ đồ nghề chuẩn cho mỗi tín đồ của bóng chày bao gồm mũ, quần áo bảo hộ, găng da, bóng và chày đánh, giá từ 5-10 triệu đồng. Đồ nghề chơi môn này đắt phần nhiều vì lí do tài chính, do những dụng cụ cho môn bóng chày rất khó mua ở Việt Nam, mà đặt mua ở nước ngoài thì cước vô cùng đắt và phức tạp.

Suốt hơn nửa năm thành lập, câu lạc bộ bóng chày của các bạn trẻ ở đây chỉ có duy nhất một… cái chày, vài quả bóng và vài cái găng tay da. Những đồ bảo hộ cho đầu và cơ thể gần như không có.

Bùi Hải (sinh năm 1983 - trưởng nhóm và cũng là thành viên lớn tuổi nhất) hào hứng nói: “Bọn mình chơi bóng trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ, từ tiền để mua sắm dụng cụ đến những hiểu biết về luật chơi. Nhưng tinh thần cả đội vẫn rất phấn chấn và ngày càng say mê. Trong nhóm không phải ai cũng có điều kiện mua một bộ dụng cụ chơi bóng nên bọn mình chủ trương cố gắng khắc phục đến tối đa, để môn bóng chày phổ biến hơn chứ không phải là môn thể thao của con nhà giàu”.

Trong trận đấu, việc bị bóng đập vào người xảy ra vô cùng thường xuyên. Xây xát và bầm tím là điều khó tránh khỏi. Nhưng tất cả những thành viên trong câu lạc bộ bóng chày non trẻ của Hà Nội đều khẳng định “thương tích chỉ là chuyện nhỏ, đam mê mới là chuyện lớn”.



Một cuộc "so găng" giao hữu. Ảnh: Trần Mừng

Là một môn thể thao có luật chơi phức tạp, trong khi tài liệu hướng dẫn chính thống lại không có, cho nên những thành viên trong câu lạc bộ phải thực hiện theo cách “tất cả cùng chơi, tất cả cùng làm trọng tài”.

Hải kể: “Những này đầu mới chơi, bọn mình cãi nhau inh ỏi, vì thật ra không ai trong câu lạc bộ biết chắc về luật chơi. Những kiến thức có được về bóng chày đều là do các thành viên tìm hiểu qua truyện tranh và qua internet rồi chia sẻ cho nhau. Nên có những cái phải chơi một thời gian rồi mới phát hiện ra mình… chơi không đúng luật. Việc tranh cãi đến tận bây giờ thỉnh thoảng vẫn xảy ra”.

Thomas J. Treutler (một luật sư kiêm huấn luyện viên bóng chày thiếu nhi của Mỹ đang làm việc tại Việt Nam) - người đầu tiên mở một lớp dạy bóng chày miễn phí cho thiếu nhi Hà Nội, khi tình cờ được xem một buổi tập bóng chày của những bạn trẻ trong nhóm của Hải đã vô cùng sửng sốt.

Ông này đã thốt lên: “Không ở đâu chơi bóng chày thiếu thốn đủ thứ như ở đây. Nhưng thật kì lạ là các bạn trẻ vẫn rất hăng say và có tiềm năng. Nếu một ngày nào đó bóng chày phát triển mạnh ở Việt Nam, đây có thể là lớp huấn luyện viên bóng chày đầu tiên của đất nước các bạn”.

Chơi để hoà nhập

Không chỉ rèn luyện về sức khoẻ, về khả năng phán đoán, bóng chày còn tạo ra được tinh thần đoàn kết tập thể rất tốt. Ngoài câu lạc bộ bóng chày Hà Nội do những thành viên trong nhóm của Hải lập ra, ở Hà Nội còn có nhiều nhóm chơi bóng chày mới hình thành của sinh viên Bách khoa, Xây dựng.

Hàng tuần, những nhóm này đều tổ chức những trận giao hữu với nhau để nâng cao trình độ và mở rộng thành viên.

Được biết, một nhóm học sinh tiểu học của Hà Nội độ tuổi từ 8-12 cũng đang hào hứng tập chơi bóng chày đều đặn mỗi tuần ở sân Xuân Đỉnh. Bóng chày đang thực sự có nhiều nhiều triển vọng trở thành một xu hướng mới.

Khác với nhiều môn thể thao khác, môn bóng chày không yêu cầu quá nhiều về thể lực mà chỉ cần khả năng phán đoán tốt và phản ứng nhanh. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ dù không có thuận lợi về sức khoẻ hay chiều cao, vẫn có cơ hội trở thành những người chơi xuất sắc trong đội. Và với bóng chày, nữ giới không hề thua kém, thậm chí còn có cơ hội dành được những vị trí trọng yếu khi thi đấu.



Một cú ném bóng đang được thực hiện, dù dụng cụ vẫn chưa đủ… Ảnh: Trần Mừng

Thực tế đã chứng mình, một trong những khó khăn của sinh viên Việt Nam khi du học nước ngoài là rất yếu về thể thao, dẫn đến việc hoà nhập vào môi trường mới và làm quen với bạn bè mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Minh Vũ (một sinh viên chuẩn bị đi du học) nói: “Anh tớ đang du học ở Mỹ khích lệ tớ nên học chơi bóng chày. Trong các trường đại học của Mỹ, phong trào thể thao, đặc biệt là bóng chày phát triển rất mạnh. Chơi thể thao giỏi, có nghĩa là bạn đã tìm được chìa khoá để mở cánh cửa hoà nhập”.

Đó cũng là lí do khiến nhiều bạn trẻ ở Hà Nội đang tích cực học chơi bóng chày và ngày càng yêu thích nó hơn.

Theo VietnamNet
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)