Bóng đá 2012-02-15 04:21:16

Bóng đá Việt Nam: Bát nháo và bét nhè


[size=1]Bóng đá Việt Nam: Bát nháo và bét nhè[/size] [size=2](Vietpress.vn)- Cầu thủ thi triển võ thuật, triệt hạ nhau trên sân rồi quay sang chửi cha mắng mẹ nhau. Trọng tài thì bị cầu thủ, khán giả bao vây dọa giết… đó là những gì “nổi bật” của sân cỏ Việt Nam từ đầu mùa giải đến nay.[/size] Bóng đá bây giờ như cái chợ

Thật không ngoa khi nói về bóng đá Việt Nam như vậy. Chỉ qua mấy vòng đấu, nhưng những gì tích cực, đẹp mắt chưa thấy đâu, còn những mặt trái đã được phơi bày đến ngán ngẩm.

Trước hết bạo lực trên sân cỏ thật kinh hoàng. Thống kê cho thấy kể từ đầu mùa giải 2012 đến nay, tính ở cả 3 đấu trường: Hạng Nhất, Cúp Quốc gia và Super League, các trọng tài đã phải rút ra tổng cộng 18 chiếc thẻ đỏ (Hạng Nhất: 7, Cúp Quốc gia: 8, Super League: 3). Chỉ riêng ở vòng 3 Super League 2012 đã có 3 cầu thủ bị truất quyền thi đấu, còn ở vòng tứ kết Cúp Quốc gia vừa qua cũng có tới 5 cầu thủ phải nhận thẻ đỏ trực tiếp của các trọng tài.

Nếu như ở 2 vòng đấu đầu tiên bạo lực sân cỏ chỉ mới manh nha thì qua vòng 3 Super League tất cả được “trình diễn” chẳng khác gì một đấu trường. Ở trận đấu giữa SLNA và HN T&T cầu thủ hai bên đã “cống hiến” cho khán giả những pha bóng không khác gì trên võ đài mà cuối cùng “võ sĩ” Huy Hoàng đã bị hạ knock out; may mắn lắm là không bị chấn thương sọ não. Nên nhớ là trong màn song đấu này, Huy Hoàng là người chủ động song phi cả hai chân vào Samson (HN T&T). Nếu Samson không tinh quái nhảy lên tránh đòn và trả đòn thì “cặp càng” của anh đã “rụng” ngay trên sân Vinh.

Không chỉ có những cái đầu nóng ở Super League mà sân chơi Cúp Quốc gia cầu thủ cùng phát rồ. Ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia, trận đấu giữa Hà Nội FC và V. Ninh Bình đã có nhiều thời điểm phải gián đoạn bởi những pha va chạm dẫn đến xô xát giữa cầu thủ của 2 đội. Đỉnh điểm là những hành động phi thể thao sau khi kết thúc trận đấu của Timothy (Hà Nội FC) và Hoàng Vissai (V. Ninh Bình) dẫn tới việc 2 cầu thủ này sau đó bị phạt 10 triệu đồng và treo giò 2 trận đấu kế tiếp ở Cúp.

Nhưng kinh hoàng hơn cả là trận SLNA gặp V. Ninh Bình trên sân Vinh ở tứ kết với 3 chiếc thẻ đỏ được rút ra. Quay chậm lại các pha Hoàng Thịnh (SLNA) chơi nguyên mũi giày vào giữa mặt Mạnh Dũng; tiền đạo Moussa (V. Ninh Bình) đạp vào đầu trung vệ Ngọc Luận; Đức Huy (V. Ninh Bình) đạp thẳng vào giữa mặt Trọng Hoàng… khán giả không khỏi tiếc nuối khi những cầu thủ này không chuyển sang nghiệp võ thuật.

Ở trận đấu giữa Sài Gòn FC và Thanh Hóa, những pha bóng bạo lực còn nóng bỏng hơn. Cầu thủ 2 bên chỉ chực xông vào nhau để thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Đỉnh điểm là Anh Tuấn (Thanh Hóa) giật cùi chỏ vào mặt Nsi (Sài Gòn FC) khiến cầu thủ 2 đội xông vào cự cãi, xô xát. Cầu thủ Sunday (Thanh Hóa) lao vào tấn công Kesley, đánh cầu thủ này chạy lòng vòng trên sân.

Đó chỉ là một trong số ít các pha bóng thô bạo diễn ra trên khắp sân cỏ VN mà những con số thẻ vàng, thẻ đỏ chưa đủ nói lên tất cả.

Không chỉ sử dụng nắm đấm mà cầu thủ và trọng tài còn xài võ mồm, chửi cha mắng mẹ nhau thậm tệ. Trong trận K. Khánh Hòa gặp CLB BĐ Hà Nội, trọng tài Bùi Quang Thông còn đôi co, chửi mày tao với cầu thủ Tấn Tài. Ngược lại cầu thủ cũng đâu chịu thua. Trọng tài Vũ Hữu Thư thì tố Chí Công (B. Bình Dương) chửi mình thậm tệ. Rồi Da Silva (Thanh Hóa) bị trọng tài Đức Vũ truất quyền thi đấu vì chửi mình với lời lẽ tục tĩu.

Giữa cầu thủ với nhau thì thậm tệ hơn. Trên sân thì gầm ghè, chửi tục, chơi tiểu xảo để gây ức chế nhau. Ngay như cầu thủ ngoại Kesley đã chửi rất thô tục mẹ của Sunday khiến cầu thủ này nổi điên rượt đánh đối phương lòng vòng trên sân.

Còn đối với khán giả thì cầu thủ cũng bất cần. Bật Hiếu (Thanh Hóa) hiên ngang đứng giữa sân Thống Nhất khiêu khích, chửi cổ động viên đối phương. Tệ hơn cả là Hồng Tiến (HN T&T) khi bị các fan SLNA gây áp lực đã quay mặt lại tỏ rõ thái độ thách thức rồi lấy tay chỉ vào “của quý” và hất về phía khán giả!

Tất nhiên khán giả VN cũng không phải tay vừa. Việc cầu thủ đến sân bằng xe đội bóng ra về bằng xe hộ tống của công an là chuyện bình thường. Trên sân Vinh, sân Kiên Giang, Thống Nhất… khán giả vây trọng tài đòi giết, đập phá xe đội khách diễn ra như cơm bữa.

VPF bất lực

Những lời hứa hẹn mà bầu Kiên và bộ sậu trong VPF về một giải đấu đẹp mắt và trong sạch dường như đang trở thành chuyện đàm tiếu của mọi người.

Từ việc trọng tài kêu ca bị chậm thanh toán tiền làm nhiệm vụ cho đến việc xử lý kỷ luật cầu thủ, trọng tài, BTC sân địa phương… đang đặt ra nhiều hoài nghi về năng lực điều hành của VPF. Trong lúc bầu Kiên mãi mê lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình và cũng làm chiếc bánh béo bở thì những người cộng sự của ông, những nhân vật được kỳ vọng nhất vẫn chưa thể hiện được gì nhiều.

Người ta đặt hy vọng VPF sẽ mạnh tay để ngăn chặn sự bùng nổ của bóng đá bạo lực, thế nhưng những quyết định xử phạt cầu thủ, trọng tài, ban tổ chức sân địa phương… được hội đồng kỷ luật của VPF đưa ra khiến mọi người phải ngã ngữa. Đó là những bản án quá bất cập, xử mà như không xử, theo kiểu giơ cao đánh khẽ.

Để rồi mọi người càng thất vọng hơn khi nghe ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc Công ty VPF, Trưởng ban tổ chức Cúp Quốc gia 2012 phủ nhận ý kiến cho rằng, trận đấu giữa Sài Gòn FC và Thanh Hóa là trận đấu bạo lực mà chỉ “va chạm thông thường giữa các cầu thủ".

Ông Viễn phát biểu một cách tỉnh bơ: "Trong bóng đá, sự va chạm cũng là chuyện bình thường. Nếu các cầu thủ không thi đấu tích cực, thậm chí không có một chiếc thẻ phạt nào được rút ra thì thật nhàm chán, tẻ nhạt”.

Thì ra là vậy. Có lẻ những gì mà VPF hứa hẹn đầu mùa giải sẽ có một giải đấu hấp dẫn, sôi động là đây. Vậy để không mang tiếng là nhàm chán, tẻ nhạt thì cầu thủ cứ việc phang nhau, cấu xé nhau trên sân. Và trận đấu có hay, có hấp dẫn hay không phải được tính có bao nhiêu thẻ vàng, thẻ đỏ được rút ra?!

Nghe câu phát biểu của ông Trưởng Ban tổ chức giải thì các cầu thủ sẽ yên tâm thi đấu “tích cực”. Thế nhưng đối với người hâm mộ thì xin chào thua! Không ai đến sân bóng đá để xem kungfu, karate, judo cả. Còn muốn lấn sân sang lĩnh vực võ thuật thì VPF nên tổ chức một giải đấu khác. Một đại hội võ lâm chẳng hạn!

Trong khi trên khắp sân cỏ thế giới đang tuyên chuyến với vấn nạn bạo lực, kêu gọi cầu thủ Fair play thì bóng đá VN đang dung dưỡng lối chơi thiếu cống hiến nhưng thừa bạo lực, thiếu văn hóa, xem thường trình độ thưởng lãm của khán giả. Hậu quả đã rõ nhãn tiền khi mà các khán đài ngày càng thưa vắng, những phản ứng giận dữ của người hâm mộ đã trở thành nỗi bất bình chung của xã hội.

Đến đây không thể không trích dẫn câu phát biểu của HLV Vương Tiến Dũng: “Nếu VPF không chặt chẽ ngay từ đầu, rất có thể sự ra đời của VPF sẽ khiến các giải đấu chuyên nghiệp VN bị tụt lùi”.

Chỉ mong rằng VPF hãy thực tâm với bóng đá nước nhà, tập trung vào những vấn đề cốt lõi để vực dậy một nền bóng đá đã có quá nhiều thất vọng. Đừng nên đánh đu, chém gió với người hâm mộ. Đừng để sân cỏ bát nháo như cái chợ và rồi sẽ có lúc bét nhè.

Đến lúc đấy thì chẳng mong gì lấy lại được niềm tin ở mọi người.

Quốc Khánh
(Theo Vietpress.vn)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)