Tin tức - pháp luật 2008-07-04 02:09:54

Chiến dịch giải cứu con tin ngoạn mục


hứ Sáu, 04/07/2008, 08:02 (GMT+7)
Chiến dịch giải cứu con tin ngoạn mục
Bà Ingrid Betancourt (phải) xúc động khi được gặp lại mẹ mình hôm 2-7 tại phi trường quân sự Catam - Ảnh: ReutersTT - Ngày 2-7, 15 con tin bị quân du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (Farc) bắt giữ đã được lực lượng quân đội Colombia giải cứu trong một chiến dịch ngoạn mục với những tình tiết ly kỳ như trong phim Hollywood.
Theo báo Telegraph, chiến dịch không tốn một viên đạn này đã giải thoát cựu ứng viên tổng thống Colombia Ingrid Betancourt, ba nhà thầu người Mỹ và 11 cảnh sát Colombia.
Táo bạo
Ngày 2-7, như thường lệ, bà Ingrid Betancourt thức dậy lúc bốn giờ sáng, chuẩn bị đối mặt với một ngày tồi tệ nữa trong chuỗi ngày ngục tù kéo dài sáu năm qua ở vùng rừng núi Colombia. Bà nghe tin tức về mẹ và con gái của mình trên radio. Sau đó, bà được lệnh chuẩn bị đồ đạc vì trực thăng của những kẻ bắt giữ bà sắp đến.
Tiếng động cơ trực thăng luôn khiến người phụ nữ 46 tuổi mang hai quốc tịch Pháp và Colombia này thắc thỏm lo âu. Cùng 14 con tin khác, Ingrid Betancourt bị cùm tay đưa lên trực thăng. "Không biết lần này sẽ là gì nữa đây?", bà tự nhủ. Bỗng lúc ấy, bà trông thấy một cảnh tượng kỳ dị. Cesar, chỉ huy FARC, từng bốn năm trời canh giữ và đôi khi đối xử khắc nghiệt với bà, đang nằm trên sàn trực thăng, mắt bị bịt kín. Ngay sau đó, bà không tin vào tai mình khi nghe câu nói phát ra từ người của tổ lái: "Chúng tôi là quân đội quốc gia. Các bạn đã được tự do!".
"Chiếc trực thăng suýt rơi xuống đất vì chúng tôi nhảy cẫng lên, la hét, kêu gào và ôm chầm lấy nhau. Không thể tin được! - bà Betancourt kể lại - Chiến dịch thật hoàn hảo. Họ nói chuyện và ăn mặc hệt như quân du kích".
Yếu tố bất ngờ chính là điều được định sẵn trong kế hoạch của chiến dịch giải cứu này. "Chúng tôi muốn mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch. Không một phát súng, không một ai bị thương, tuyệt đối an toàn, không một vết trầy sước" - tướng Freddy Padilla, tư lệnh lực lượng vũ trang Colombia, tuyên bố.
Nhưng cẩn trọng
Kế hoạch giải cứu đã được triển khai từ năm ngoái và tiến triển từ từ với sự cẩn trọng tuyệt đối. Các điệp viên tình báo quân đội đã trà trộn vào hàng ngũ của Farc trong nhiều tháng trời. Thông qua mệnh lệnh mà những kẻ giam giữ con tin cho rằng được đưa xuống từ chỉ huy, chúng đã đưa ba nhóm con tin đến điểm tập kết ở vùng rừng núi phía đông Colombia trước ngày 2-7.
Đúng vào buổi sáng định mệnh, chiếc trực thăng của quân đội Colombia cải trang thành trực thăng dân dụng đáp xuống vùng rừng núi Guaviare. Tướng Mario Montoya, người lái trực thăng, kể lại: "Chiếc trực thăng đậu trên mặt đất trong 22 phút. Đó là 22 phút dài nhất trong cuộc đời tôi". Những người trên trực thăng xưng là người của một tổ chức phi chính phủ, làm nhiệm vụ chuyển con tin đến một doanh trại khác để gặp thủ lĩnh Alfonso Cano bàn kế hoạch trao đổi con tin.
Mấy ngày trước đó, Colombia đã tung tin phái đoàn Pháp và Thụy Sĩ đang đến Colombia để tìm cách gặp gỡ Cano, vì vậy tên chỉ huy Cesar chẳng mảy may nghi ngờ. Cesar cùng một du kích quân Farc bị tóm gọn. Theo AP, có 39 trực thăng khác đã nhận lệnh sẵn sàng xuất kích để khoanh vùng phiến quân và con tin nếu chiến dịch thất bại.
"Những chiếc trực thăng của quân đội đã chở các con tin từ Guaviare thẳng đến tự do - Bộ trưởng quốc phòng Juan Manuel Santos phấn khởi tuyên bố - Đây là một chiến dịch chưa có tiền lệ. Nó sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử bởi tính táo bạo và hiệu quả của nó”.
Bộ trưởng Santos cho biết Cesar và quân du kích bị bắt giữ trong chiến dịch này sẽ bị đưa ra xét xử. 85 phiến quân khác đã được tạo điều kiện trốn thoát vào rừng "với hi vọng chúng sẽ thả tự do cho các con tin còn lại". Hiện nay còn khoảng 700 con tin bị giam cầm trong các lán trại rừng núi của Farc. "Nếu tôi ra lệnh bắn vào các phiến quân thì họ (con tin) có thể sẽ bị giết hết", tướng Padilla nói.
Phép mầu
Viên cảnh sát Armando Castellanos, người vừa được giải thoát cùng bà Betancourt, với con gái tại Bogota ngày 3-7 - Ảnh: Reuters"Đây là một phép mầu!". Đó là câu nói đầu tiên của bà Betancourt khi đặt chân trở lại thủ đô Bogota. Trông Betancourt có vẻ gầy nhưng lại rất khỏe khoắn khi sải những bước chân tự do đầu tiên của mình sau sáu năm bị giam cầm. Bà xúc động ôm lấy mẹ và chồng của mình đứng đón ở sân bay. Những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng tuôn trên gương mặt hốc hác của Betancourt.
Tại buổi lễ chào đón trở về ở Bogota, 11 cảnh sát Colombia vừa được giải cứu lần lượt bước lên bục, đọc tên và cấp bậc của mình, rồi nói lời cảm ơn với những người đã cứu họ. Có người đã bị giam cầm hơn 10 năm. Người cuối cùng lên phát biểu là Betancourt, "con tin nổi tiếng nhất thế giới". Bà bị bắt cóc vào tháng 2-2002 trong lúc đang vận động tranh cử chức tổng thống Colombia. Nỗi xúc động khiến bà bật khóc khi nói lời cảm ơn Tổng thống Colombia Alvaro Uribe, người từng là đối thủ tranh cử của bà sáu năm trước. Bà cũng kêu gọi Farc thả những con tin còn lại, đem lại hòa bình cho Colombia.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Colombia cho biết chiến dịch giải cứu được thực hiện với sự trợ giúp của Washington, với mong muốn ba công dân Mỹ được cứu thoát an toàn. Ba người này gồm Marc Gonsalves, Thomas Howes và Keith Stansell, bị bắt vào tháng 2-2003 khi chiếc máy bay do thám chở họ đi chụp hình các cánh đồng thuốc phiện rơi xuống ngay lãnh địa của phiến quân. Sau khi được giải cứu, họ đã được đưa về nước để đoàn tụ gia đình.
Chiến dịch này đã giáng một đòn thất bại nặng nề đối với Farc, bởi lâu nay bốn con tin nước ngoài là những lá bài quan trọng trong các cuộc thương lượng, trao đổi phiến quân đang bị giam giữ trong nhà tù Colombia. Với thắng lợi này, nhiều người Colombia tin tưởng cuộc chiến với Farc dai dẳng suốt 44 năm qua sắp đi đến hồi kết.
Ingrid Betancourt, 47 tuổi, là con gái của cựu bộ trưởng giáo dục Colombia. Năm 1994 là thời kỳ HIV/AIDS tràn lan, bà ứng cử vào hạ viện với logo là cái… bao cao su, hàm ý bầu cho bà tức là nghĩa nào đó mang một cái bao cao su an toàn về chính trị. Lúc này Ingrid 33 tuổi, trẻ đẹp, trí tuệ, tự tin, can đảm và hết lòng yêu nước, cố đem sức mình vực quê hương khỏi cảnh đen tối.
Năm 1998, bà được bầu vào thượng viện với khẩu hiệu "Ingrid là không khí”. Là không khí cho một Colombia ngột ngạt, không còn hi vọng, không cả ước mơ. Trong mấy năm làm nghị sĩ, cho đến ngày bị bắt cóc, bà luôn can đảm kiên cường tranh đấu cho một Colombia tươi sáng hơn.
Ngày 23-2-2002, Ingrid bị FARC bắt cóc trong lúc đang chuẩn bị cho cuộc ứng cử tổng thống. Hôm đó bà đang di chuyển trên đoạn đường đã được báo trước là có các chiến binh này, nhưng bà bảo tài xế cứ tiếp tục, và đang viết giấy nhận mọi trách nhiệm về quyết định của mình thì bị bắt, sau khi đã tránh qua được nhiều trạm.
Vì Ingrid có quốc tịch Pháp khi kết hôn với Fabrice Delloye nên Chính phủ Pháp đặc biệt quan tâm, đã nhiều lần kêu gọi FARC phóng thích Ingrid.
Tháng 10-2007, truyền hình Pháp chiếu hình Ingrid đầu cúi xuống, lặng lẽ, yếu đuối, bệnh hoạn, đã gây xúc động cho cả nước. Cùng năm, trong đêm 28 và 29-3, điện Élysée đã gửi một chiếc máy bay kín đáo hạ cánh xuống Cayenne ở Guyane thuộc Pháp, chiếc máy bay y tế chờ vụ Ingrid được giải quyết là sẵn sàng cứu nguy sức khỏe bà ngay. Vô vọng.
Ngày 2-4-2008, điện Élysée lại gửi đi một chuyến bay y tế, và tổng thống Pháp kêu gọi FARC làm một cử chỉ nhân đạo. Nhưng FARC đòi điều kiện là một vùng đông nam Colombia phải giải giáp và giải phóng các tù nhân FARC. Điều này tổng thống Colombia hoàn toàn bác bỏ.
Bây giờ Ingrid Betancourt đã được đoàn tụ với gia đình, và theo lời bà thì hiện tại bà "chỉ là một người lính thôi", nhưng vẫn phục vụ quê hương như một tổng thống.
Xuân Sương (Paris)

THANH TRÚC



Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)