Tâm sự - chia sẻ 2011-05-14 04:12:35

Chuyện tình Bạch công tử - cô Bảy Phùng Há


Bạch công tử Lê Công Phước được xem là 1 trong 2 người đàn ông ăn chơi nổi tiếng nhất đất Nam kỳ trong thế kỷ 20 (người còn lại là Hắc công tử Trần Trinh Huy), ông cũng là người rất yêu thích và có những cống hiến nhất định cho sân khấu cải lương. Cô Bảy – Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phùng Há là nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất Việt Nam trong thế kỷ 20.





Giữa 2 người có một mối tình kéo dài suốt 7 năm, họ có với nhau 2 đứa con. Họ đã có những năm tháng đạt đến tột cùng của vinh hoa, để rồi lại rơi xuống tận cùng của đau khổ.

Giai đoạn vinh hoa của họ cũng là lúc sân khấu cải lương hưng thịnh, khi chuyện tình của họ đổ vỡ, cả 2 cùng đau khổ cùng cực, cũng là lúc sân khấu cải lương lao đao. Kết cục câu chuyện tình của họ là những giọt nước mắt của bà lão gần 90 tuổi rớt trên ngôi mộ đất của 1 người từng khét tiếng ăn chơi…

NSND Phùng Há đứng trước mộ…

Một ngày cuối năm năm 1999, NSND Phùng Há, khi ấy đã gần 90 tuổi, đã có chuyến đi về huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Các nhân viên Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Chợ Gạo đã đưa bà đi theo quốc lộ 50 về hướng Gò Công khoảng 2 cây số đến xã An Thạnh Thuỷ.

Đến một con đường làng có hàng me cổ thụ được đặt tên Hoàng Phi, họ rẽ phải đi thêm vài cây số vào ấp Thạnh Kiết. Đến 1 ngôi nhà lá được cất sơ sài, trên cửa ghi “137 – tổ 3 - ấp Thạnh Kiết”, họ dừng lại. Xung quanh ngôi nhà là khu vườn rộng, nhưng ít được chăm sóc, nên cảnh vườn hoang tàn, cỏ dại mọc trên cả lối đi.

Ông Nguyễn Hoàng Luỹ, lúc ấy 73 tuổi (nay đã chết), người chủ khu vườn, đã ân cần đón tiếp bà Phùng Há. Qua câu chuyện giữa họ, những người đi cùng biết được rằng, ông Luỹ là con của ông Nguyễn Hoàng Phi, người được đặt tên con đường dẫn vào ấp Thạnh Kiết, vốn là người giàu có bậc nhất vùng đất Chợ Gạo vào giữa thế kỷ trước.

Ông Nguyễn Hoàng Phi từng là bạn thân của Bạch công tử Lê Công Phước, trong khi cha của ông Phi là Huyện Chung cũng là bạn thân của Đốc phủ Sủng – cha của Bạch công tử.

Ông Lũy là người gìn giữ ngôi mộ của Bạch Công tử 50 năm qua, sau khi ông chết vì nghèo khó không có đất để chôn, chính ông Phi đã đưa thi thể Bạch công tử về chôn trên đất nhà mình và giao đứa con Nguyễn Hoàng Luỹ giữ đất và trông coi ngôi mộ.

Sau cuộc trò chuyện ngắn, ông Lũy đã đưa bà Phùng Há và những người khách ra phía sau vườn, nơi có một nghĩa địa nhỏ gồm hơn 10 ngôi mộ, xây xi măng có, làm bằng đá ong xưa cũng có, có mấy ngôi là mộ đất. Mộ Bạch công tử bằng đất, chỉ một nấm đất nhỏ, không mộ bia.


Đám tang NSND Phùng Há.

Ông Lũy bùi ngùi kể: “Lúc Bạch công tử chết trong nghèo khó không có đất chôn, cha tôi còn khá giả, ông đem Bạch công tử về chôn chết đất nhà và dự định sẽ xây mộ đàng hoàng cho bạn. Nhưng lúc đó vận chuyển xi măng, cát đá về quê rất khó khăn, mà chiến tranh kéo dài triền miên, đây lại là vùng đánh nhau rất dữ. Rồi cha tôi cũng qua đời mà không kịp làm mộ đàng hoàng cho bạn”.

Ông Luỹ cho biết tiếp, sau đó kinh tế gia đình ông không còn khá giá như trước, nên chưa có điều kiện xây mộ đá cho ông Tư Phước. Lúc chiến tranh, ông Lũy chạy đi chạy về để thăm mộ và tảo mộ, từ năm 1975 ông mới về sinh sống hẳn nơi đây và hương khói cho mộ phần của Bạch công tử.

Ông Luỹ cũng cho biết, ngày trước cha ông có lập bàn thờ riêng để thờ Bạch công tử, khi ông Hoàng Phi qua đời, ông Lũy thờ chung Bạch công tử và và cha mình như lúc sinh thời hai ông là bạn bè tri kỷ… Bà Phùng Há đã đứng bất động thật lâu, nước mắt chảy dài, trước ngôi mộ của người chồng cũ mà bà từng có 7 năm chung sống hạnh phúc và khổ đau.

Ngày ấy bà rất oán hận ông, chính ông vì ham mê ăn chơi, cờ bạc, gái tơ, đã đẩy gia đình đến cảnh khốn cùng, đẩy bà và 2 con nhỏ đến tận cùng nghèo khổ, hai đứa con nhỏ đã chết trong sự bế tắc ấy. Ngày ông theo một cô gái trẻ, bỏ mặc 2 đứa con chết vì bệnh không tiền chữa trị, bà đã tự nhủ cho đến chết sẽ không bao giờ nhìn mặt ông.

Chẳng bao lâu sau, ông đã chết vì nghiện ngập, bệnh tật vào năm 1950, bà đã giữ đúng lời hứa, không về đám tang ông, dù trong lúc ông khốn cùng, vì nhớ một chút nghĩa vợ tình chồng xưa, bà đã ngấm ngầm giúp ông chữa trị và khi ông chết không có đất chôn, chính bà đã bàn với ông Nguyễn Hoàng Phi đưa Bạch công tử về chôn ở ấp Thạnh Kiết.

Sau 50 năm, bà Phùng Há đã gần với ngày về cõi Phật, bà cũng đã thấm nhuần giáo lý nhà Phật khuyên con người từ bi hỉ xã…Vậy là bà quyết định đi tìm mộ Bạch công tử để xin hoả táng ông, đưa tro cốt của ông về chùa Nhựt Quang ở Gò Vấp – TP.HCM, ngôi chùa nghệ sĩ do chính bà sáng lập và đang làm chủ tịch Hội đồng Quản trị. Trước đó bà Phùng Há cũng đã bốc hài cốt của 2 đứa con chung giữa bà và Bạch công tử đã chết trẻ vì nghèo khổ, về gửi trong chùa Huỳnh Kim cũng ở Gò Vấp.

Ông Nguyễn Hoàng Luỹ rất trân trọng tình cảm của bà Phùng Há, nhưng khi nghe bà có ý định bốc cốt Bạch công tử để hoả táng và gửi vào chùa Nghệ Sĩ, ông đã suy nghĩ rất lâu và khuyên bà Phùng Há cân nhắc lại, đại ý: Thay vì bốc cốt, hoả táng gửi vào chùa, bà nên đầu tư làm mộ cho khang trang, vì 2 mục đích.

Thứ nhất, Bạch công tử là nhân vật của lịch sử, chắc chắn sau sau các di tích về ông, trong đó có khu mộ này, sẽ trở thành gía trị văn hoá – lịch sử cho người đời. Thứ hai, Bạch công tử còn có 1 người con (cô Lili, con của bạch công tử và 1 đào cải lương khác) đang định cư ở Pháp, không sớm thì muộn cô Lili và con cháu cũng sẽ tìm về thăm mộ cha ông. Nếu bốc mộ, đốt cốt, sẽ không còn lưu giữ đựoc gì cho con cháu bạch công tử và cho đời sau. Sau khi ông Luỹ qua đời, lời nhận định của ông đang biến thành hiện thực.



NSND Phùng Há (thứ 2 từ trái qua) trên sân khấu Huỳnh Kỳ.

Ngành Văn hoá – Thể thao và Du lịch Tiền Giang đang đệ trình kế hoạch đầu tư, khai thác những di tích về Bạch công tử thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn ở Tiền Giang, trong đó có ngôi mộ của Bạch công tử (cùng với ngôi nhà và rạp hát Huỳnh Kỳ ở thành phố Mỹ Tho). Duy chỉ có cô Lili và con cháu của cô vẫn chưa thấy về thăm mộ cha ông.

Lần ấy, sau khi nghe ông Luỹ phân tích thiệt hơn, bà Phùng Há đã không bốc cốt hoả táng người chồng cũ, mà dành một số tiền để mướn người xây cho Bạch công tử ngôi mộ đá như ta thấy hiện nay. Năm 2009 bà Phùng Há qua đời, mộ của bà được đặt trong chùa Nghệ Sĩ, không gần mộ 2 con, cách rất xa mộ chồng là Bạch công tử. Câu chuyện về tình yêu, vợ chồng của bà và Bạch công tử 80 năm trước từng rất nổi tiếng, nhưng cũng đầy bi kịch, nhiều nước mắt!

Chuyện tình 80 năm trước

Cô Bảy Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30 tháng 4 năm 1911, tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thân phụ của bà là ông Trương Nhân Trưởng, người gốc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, còn thân mẫu bà là Lê Thị Mai, người tỉnh Mỹ Tho. Bà là người con thứ bảy trong gia đình, tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy mà từ nhỏ bà đã được gọi là Bảy Phùng Há, sau này trở thành nghệ danh theo suốt cuộc đời nghệ sĩ của bà. Năm bà Phùng Há lên 9 tuổi, cha bà qua đời, gia đình đưa ông về Quảng Đông chôn cất.

Trở lại Việt Nam, gia đình bà không còn trụ cột chính, nên rơi vào nghèo khó, cô Bảy Phùng Há phải sớm nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ gia đình, năm 13 tuổi bà đã phải đi làm công trong một lò gạch. Vừa đi làm, bà vừa tập tành ca hát với mấy chú công nhân trong lò gạch, để rồi giọng ca trời cho của bà đã tình cờ lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban.

Sau một thời gian hát thử, năm 1924, khi ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát Tái Đồng Ban, cô Bảy Phùng Há được mời tham gia làm đào chính để đóng cặp với kép chính đã nổi tiếng Năm Châu, năm đó bà mới 13 tuổi. Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời ca hát của bà là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh.

Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề Quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượng, Tội của ai của soạn giả Tư Chơi.

Đôi bạn diễn Phùng Há - Năm Châu đã nhanh chóng được công chúng yêu thích. Năm 1926, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu, Tư Chơi và Ba Du gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cùng năm này, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi, người “thầy tuồng” của bà. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà kéo dài chưa tới 3 năm, họ cũng chưa có con với nhau.

Năm 1929, lúc gánh hát Trần Ðắc về trình diễn ở thành phố Mỹ Tho, Bạch Công Tử được bạn bè mời đi coi hát. Ðêm đó cô Bảy Phùng Há đóng vai Mạnh Lệ Quân trong vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài. Khi vãn hát, bà Phùng Há đi ra cửa sau thì thấy Bạch công tử đứng đợi từ bao giờ và bắt tay làm quen với bà. Kể từ đó, đêm nào Bạch công tử cũng ngồi ở hàng ghế khán giả để thưởng thức tài ca diễn của cô Bảy Phùng Há. Có khi ông bất chấp qui định, vào hẳn hậu đài ngồi bên cánh gà coi bà hát, người của gánh hát không dám ngăn lại, vì ai cũng biết Bạch công tử là con trai của Ðốc phủ sứ Mỹ Tho, tức tỉnh trưởng đương quyền. Vốn là người rất mê cải lương, trong thời gian du học ở Pháp George Phước từng theo học về sân khấu, nay lại bị “tiếng sét ái tình” của cô Bảy phùng Há, Bạch công tử quyết chí đầu tư vào sân khấu cải luơng.

Ban đầu, Bạch công tử George Phước cùng người bạn tên Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương (tên ghép của hai người). Gánh gát quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ đã nhanh chóng nổi tiếng, được mời đi diễn ở Pháp, ra diễn ở Hà Nội và Hải Phòng. Sau đó, khi đã kết hôn cùng cô Bảy Phùng Há, Bạch công tử tách ra thành lập riêng gánh hát Huỳnh Kỳ để cho bà Phùng Há làm “bầu”.

Gánh hát Huỳnh Kỳ quy tụ nhiều tài danh thời đó như Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé…và trở thành gánh cải lương có quy mô lớn nhất ở vùng lục tỉnh Nam kỳ. Không chỉ là gánh hát lớn, dưới sự điều hành của cô Bảy Phùng Há, với tiền bạc và kiến thức sân khấu Tây học của Bạch công tử, gánh Huỳnh Kỳ được trang bị hiện đại, cách tân mạnh mẽ, trở thành hiện tượng của cải lương thời bấy giờ.

Bạch công tử còn cho xây dựng rạp hát hiện đại cùng tên Huỳnh Kỳ bên cạnh ngôi nhà đồ sộ của ông tại thành phố Mỹ Tho, trở thành “thánh đường” của sân khấu cải lương, nó góp phần làm cho cải lương nói chung, gánh hát Huỳnh Kỳ nói riêng, đạt đến “thời hoàng kim” trong thập niên 1930.

Kể về chuyện tình giữa mình và Bạch công tử, cô Bảy Phùng Há thừa nhận, ngay từ khi mới biết nhau, Bạch công tử đã đeo đuổi bà như hình với bóng, đêm nào ông cũng đến rạp hát. Là người đã từng có 1 đời chồng, cô Bảy Phùng Há không phải dễ xiêu lòng trước sự giàu sang phú quý, địa vị của gia đình Bạch công tử, nhưng chính sự quý trọng bà với tư cách 1 “đào hát”, quý trọng cái nghề ca hát, nhất là những hiểu biết, ý tưởng mới lạ về nghệ thuật sân khấu của Bạch công tử, đã làm cho bà Phúng Há xiêu lòng. Bà cho biết, dù là một công tử hào hoa, con nhà quyền quý, lại du học bên Tây về, nhưng Bạch công tử không có tính kiêu căng, mà luôn đối xử tốt với mọi người chung quanh. Thời gian 7 năm chung sống với Bạch công tử, cô Bảy hạ sinh 2 người con, con trai đầu đặt tên Paul Lộc, con gái kế tên Suzane.

Từ tột cùng vinh hoa xuống tận cùng đau khổ

Gánh hát Huỳnh Kỳ với thực lực hùng hậu, lưu diễn miền Tây đi đến tỉnh nào cũng đông đảo khán giả, thiên hạ quanh vùng bơi xuồng coi hát đậu chật bến. Nhìn vô ai cũng nghĩ rằng gánh hát làm ăn phát đạt, vợ chồng cô Bảy hạnh phúc tràn trề.

Thế nhưng, cùng với thành công trong sân khấu cải lương, thói ăn chơi hoang phí vốn có của Bạch công tử càng có điều kiện bộc phát dữ dội hơn, ông dồ hết thời gian, tiền của vào rượu chè, bài bạc, gái tơ, chẳng thèm ngó ngàng gì đến vấn gánh hát. Trong khi cô Bảy vừa lo con nhỏ vừa lo về nghệ thuật, không có thời gian cho việc điều hành gánh hát. Gánh hát bắt đầu bị lỗ, đào kép dần bỏ đi, thời vàng son của gánh Huỳnh Kỳ kéo dài chưa tới 7 năm, bằng với thời gian cuộc tình Bạch công tử - cô bảy Phùng Há.

Gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, cô Bảy Phùng Há đau khổ ôm 2 đứa con bị bệnh cùng với 4 chiếc ghe chài hư hỏng nằm chơi vơi cạnh chợ cầu Ông Lãnh – Sài Gòn. Trong cảnh khốn cùng, cô đánh liều ẵm con đi tìm chồng ở khắp các chốn ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn. Cuối cùng, cô bắt gặp Bạch công tử đang vui sống với một cô gái trẻ đẹp tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân.

Chẳng những không hối lỗi khi thấy vợ con trong hình hài bệnh hoạn, ốm đói, Bạch công tử còn trách mắng vợ thiếu lịch sự, rồi xua đuổi 3 mẹ con cô Bảy. Trở về nằm trên mấy chiếc ghe đã rệu rã, do không tiền chạy chữa, thuốc thang, đứa con trai chết trên tay cô, ngay cả khi ấy Bạch công tử vẫn chưa thoát khỏi cảnh u mê để trở về gia đình.

Chôn cất con xong, cô Bảy kiên quyết làm thủ tục xin ly hôn với người chồng đã mất hết tình cảm gia đình. Một thời gian sau đứa con gái cô Bảy cũng chết vì bệnh. Cô gắng gượng đứng dậy, làm lại từ đầu, và chẳng bao lâu sau tiếng tăm cô đào Phùng Há lại nổi như cồn trong đời sống xã hội miền Nam.

Về phần Bạch công tử, sau khi bán hết 4 chiếc ghe chài, đồ đạc của gánh hát để đổ vào cuộc ăn chơi, đến cả tài sản, vườn ruộng của Đốc phủ Sủng để lại cũng không cánh mà bay, rồi ngôi nhà đồ sộ ở thành phố Mỹ Tho, rạp hát Huỳnh Kỳ lớn nhất miền Tây cũng đổi tên chủ sở hữu. Hết tiền ăn chơi, Bạch công tử rơi vào nghèo khó, lại mang bệnh ghiền, thân tàn ma dại sống cảnh lang thang không nhà cửa ở Sài Gòn.

Người ta thấy ông suốt ngày lang thang như kẻ vô hồn trong vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn), càng ngày càng bệ rạc. Khi còn giàu sang tột đỉnh, Bạch công tử từng tuyên bố nếu lỡ mai sau ông sạt nghiệp, ông sẽ không nhờ cậy ai bất cứ đồng nào, mà chính ông sẽ lái xe đi Vũng Tàu để chạy thẳng xuống biển tự kết liễu đời mình.

Thế nhưng, khi đã rơi vào nghèo khổ, chẳng còn đâu chiếc xe hơi để ông tự lái đi Vũng Tàu tự vẫn như lời nguyền năm nào, thế nhưng cái “sĩ khí” kiên quyết không nhờ vã vào ai thì ông giữ được cho đến chết. Chỉ đến khi chết không có đất chôn, Bạch công tử mới “nhờ” đất của người bạn để làm nơi yên nghỉ nghìn thu.

Cây cao bóng cả

Vào lú 0g30 ngày 5/7/2009, NSND Phùng Há - cây đại thụ của nền sân khấu cải lương Việt Nam - đã qua đời, hưởng thọ 99 tuổi. Sau gần một thế kỷ gắn liền tên tuổi của mình với nghệ thuật cải lương, tham gia rất nhiều gánh hát từ Tái Đồng Ban đến Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú, Việt Kịch Năm Châu…, bà đã thanh thản ra đi sau khi đã làm và đã để lại rất nhiều cho sân khấu cải lương và nghệ sĩ cải lương. Ngày đám tang bà, không có ai thực thụ là người thân, vì 2 đứa con của bà (với Bạch công tử) đều đã mất sớm, thế nhưng lại có nhiều người để tang cho bà và rất nhiều khóc tiếc thương bà.



Mộ Bạch công tử do NSND Phùng Há lập năm 1999.

Sau khi chia tay với Bạch công tử và gánh hát Huỳnh Kỳ tan rã vào cuối thập niên 1930, trong khi Bạch công tử thì tiếp tục u mê trong chốn ăn chơi sa đọa và chết trong tàn tạ sau đó hơn 10 năm, thi cô Bảy Phùng Há đã đứng dậy làm lại từ đầu và bà đã trở thành người đóng góp nhiều nhất cho sân khấu cải lương trong thế kỷ 20.

Ngoài những vở tuồng, vai diễn kinh điển của bà trên sân khấu nhiều đoàn hát, NSND Phùng Há còn là người thầy đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương, hầu hết các tài danh mà thế hệ ngày biết đến đều là học trò của bà. Bà cũng là người chủ xướng và kiên trì thực hiện thành công chùa nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ, nhà dưỡng lão nghệ sĩ, nhà truyền thống sân khấu cải lương cùng rất nhiều các hoạt động từ thiện, chăm sóc những nghệ sĩ già yếu, neo đơn.

Ngày từ năm 1958 bà đã bỏ tiền ra mua đất để thực hiện ý tưởng xây chùa Nghệ Sĩ và nghĩa trang để chôn cất nghệ sĩ. Từ năm 1963 bà tham giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, những học trò lứa đầu đã trở thành trụ cột của sân khấu cải lương sau đó như: cố NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang…

Sau ngày giải phóng, dù tuổi cao sức yếu, nhưng bà cũng làm cố vấn về đào tạo cho Nhà hát Trần Hữu Trang, từ tay bà đã tiếp tục ra đời những tài danh mới như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Hữu Quốc…Ngay cả những nghệ sĩ lớn tuổi không có điều kiện học tập trực tiệp ở bà như Nam Hùng, hoặc nghệ sĩ từ miền Bắc về sau ngày giải phóng như NSND Huỳnh Nga cũng nhận mình là học trò của NSND Phùng Há, thậm chí còn nhận làm con nuôi của bà.

Chính họ đã lấy làm vinh dự được chít chiếc khăn tang trong ngày đưa tiễn bà về cõi vĩnh hằng. Tấtt cả các thế hệ nghệ sĩ cải lương hiện còn đang hoạt động sân khấu lúc nào cũng trân trọng gọi bà là “Má Bảy”!

NSND Phùng Há cũng là người vận động và sáng lập nên Nhà dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP.HCM - nơi nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Hơn ai hết, bà hiểu rằng các nghệ sĩ sau một đời đi hát với nhiều vinh nhục, nhiều người về cuối đời phải sống cảnh cô độc, không nơi nương tựa.

Nhà dưỡng lão được sự đóng góp hàng tháng của tất cả các nghệ sĩ còn đang sống được với nghề, đang giúp cho những nghệ sĩ kém may mắn khi về già không phải bị vứt ra lề xã hội như bà đã từng chứng kiến trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.

Nhà truyền thống ngành sân khấu (ban đầu bà định đặt tên là Nhà thờ tổ) ở đường Cô Bắc - TP.HCM do bà vận động thành lập đã là nơi đi về, gặp gỡ của các thế hệ nghệ sĩ và nhớ về những nghệ sĩ cải lương đã quá cố. Ngay khi đã ở độ tuổi 94 – 95, người ta vẫn thấy NSND Phùng Há xuất hiện ở các chương trình trao quà từ thiện cho trẻ em, người tàn tật ở các tỉnh xa.

Khi viết về chuyện tình Bạch công tử - cô Bảy Phùng Há, tôi cứ tự hỏi tại sao định mệnh lại run rủi cho 2 con người có tính cách khác biệt nhau hoàn toàn lại đến với nhau để rồi tạo ra bi kịch gia đình. Bạch công tử là người vừa phóng túng, vừa ích kỷ, ông xem mình là trên hết, thú vui của mình là trên hết, còn lại đều không có ý nghĩa, kể cả vợ và 2 đứa con nhỏ.

Trong khi bà Phùng Há lại có tấm lòng bao la, cả đời lo toan cho mọi người. Mối tình Bạch công tử - cô Bảy Phùng Há không gây rung cảm nhiều cho thế hệ sau, nhưng tự nó đã cho người đời nhiều bài học, nhiều điều suy ngẫm. Vì vậy mà chuyện tình Bạch công tử - cô Bảy Phùng Há sẽ còn được người đời nhắc đến lâu dài, nhất là mai này khi Bạch công tử trở thành giá trị du lịch – lịch sử ở tỉnh tiền Giang, còn cô Bảy Phùng Há sẽ tiếp tục phủ bóng dài lâu trên nền trời sân khấu cải lương Việt Nam.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)