Chuyện lạ 2011-05-15 04:59:21

chuyện về cọp 3 móng ( thật 100% )


LUNG CẤM Nơi xuất phát một truyền thuyết

Lung Cấm, một con kinh ngoằn ngoèo nối từ vàm Đất Sét qua kinh xáng Thọ Mai với chiều dài chưa được mười cây số nhưng có nhiều huyền thoại được nhà thơ Nguyễn Trọng Tín - cháu gọi ông Ba Thắng bằng cậu ruột - ghi lại như sau: Ngày xưa, kinh Trâm Bầu chỉ là con lung trời sanh có tên là Lung Cấm. Thuở nhỏ, tôi có nghe những người già kể rằng, con lung này thật ra không phải tự nhiên mà có. Nó là lối của đàn voi đi ăn, mùa mưa nước theo dấu voi đi, chảy ra sông, lâu ngày thành lung. Lại có câu chuyện khác cũng của những người già, rằng nó do những cư dân đầu tiên đến đây làm nghề bắt cá sấu khai thông mà thành. Ngày đó, phía đầu trong Lung Cấm có một đầm lầy rộng lớn, là nơi sinh sống của vô vàn cá sấu. Ngày đó, đất còn chưa trồng được cây lúa. Những di dân khẩn hoang đầu tiên ấy sống bằng nghề bắt sấu đổi gạo. Họ dừng chân ở bờ sông Giáp Nước nhưng phải vào bắt sấu tận trong đầm lầy. Để đem được sấu ra bờ sông bán cho ghe thương hồ của các thương nhân Hoa kiều, dân săn sấu phải khơi thông từ đầm lầy ra một đường nước để dẫn sấu. Cách dẫn sấu người già mô tả nghe đã ngoạn mục: Sau khi bắt sống được cá sấu, người ta trói quặt hai chân sau của nó qua lưng bằng cách cắt đầu móng chân nó rồi rút gân, cột lại. Sau đó dùng mây rừng xỏ ngang mũi sấu, dắt chúng lội bè theo đường nước. Sấu chỉ còn biết ngoan ngoãn bơi lũm bũm bằng hai chân trước mà theo người dắt. Cái đường nước dẫn sấu ấy cứ thế mà rộng dần thành con Lung Cấm. Vẫn còn lưu truyền trong dân gian câu chuyện về nguồn gốc của cái tên Lung Cấm. Câu chuyện lại không dính dáng gì tới voi và cá sấu vừa kể, nhưng lại có liên quan đến một loài mãnh thú khác, đó là cọp. Một con cọp cái ba chân hung ác và tinh khôn, dân trong vùng vẫn kiêng dè gọi là ông ba móng. Con cọp này một lần bị mắc bẫy, để giải thoát, nó đã tự cắn đứt một chân để lại trong thòng lọng bẫy. Từ đó, nó căm thù và trở nên hung ác với con người. Cọp ba móng hùng cứ trên một gò đất cao nằm bên con lung, có tên là gò Chà Là. Một ngày kia, có chiếc ghe thương hồ của đôi vợ chồng trẻ dừng lại nghỉ qua đêm nơi đầu lung. Trời chiều chập choạng, người vợ ra lái ghe vo gạo nấu cơm, bất ngờ bị cọp ba móng tấn công rồi cắp xác mang đi. Anh chồng lần theo dấu máu mong giành lại xác vợ. Nghe nói cọp là loài thú rất sợ lửa, anh chồng với cây đuốc lớn trên tay, vững tin là sẽ được an tòan. Nhưng khi vừa tới bên gò Chà Là, chưa kịp nhìn thấy xác vợ, liền bị cọp ba móng vồ lấy. Không có ai dám tìm kiếm thi thể của đôi vợ chồng kia, vì cuộc tìm kiếm chẳng khác nào đi vào bụng cọp. Những người khẩn hoang treo lên chiếc ghe vô chủ một lá cờ đen, như một lời cảnh báo, một cái bảng cấm để những ghe thương hồ đến sau đừng đậu lại. Từ đó, địa danh Lung Cấm ra đời.
Theo vannghesongcuulong.org/Võ Đắc Danh


Lai lịch Cọp Ba Móng
Trích hồi ký của VĂN LƯƠNG
…Thực phẩm của loại hổ, cọp trong rừng lâu nay thường là các con thú như nai, mễn, những con thú hiền lành trong rừng mà chúng dễ rình bắt được mỗi khi những con vật đó xuống suối để uống nước. Cọp ta ngồi trong bụi rậm gần đó, chờ con mồi cắm đầu xuống suối để uống nước, cọp lẹ làng phóng ra, nhào tới vồ lấy cổ, giết chết liền khi đó để ăn qua bữa lúc đói. Chẳng mấy khi có cọp bắt người để ăn thịt!

Mãi cho đến lúc Cọp Ba Móng có thói quen bắt người để ăn thịt sống, gây kinh hoàng cho cả vùng Chiến khu Đ, thì những giai thoại về con cọp thành tinh này mới được truyền khẩu hàng ngày ở khắp mọi nơi kể cả các cơ quan, đơn vị bộ đội thường đóng ở trong rừng.

Nguyên nhân về thói quen ăn thịt người của Cọp Ba Móng được nói đến nhiều nhất và có lý nhất là từ sau khi xảy ra trận giao thông chiến, quân dân khu 7, đánh tan đoàn xe “công-voa” của địch tại La Ngà (La Nha). Khi được tin quân ta tấn công đoàn xe có đơn vị hộ tống với những xe bọc thép, xe thiết giáp dẫn đầu và cản hậu, cùng với nhiều quân xa chở lính trang bị được vũ khí mạnh mẽ… nhưng đã lọt vào ổ phục kích dài cả ba mặt trận, thì các máy bay “săn giặc” của Pháp từ phi trường Biên Hòa, phi trường Tân Sơn Nhất bay lên quần đảo để tiếp cứu, chúng không thể phân biệt được bởi các xe bị đốt cháy, khói bốc mù mịt… không thể nhận biết đâu là đối phương!

Do đó, các máy bay của Pháp chỉ còn có cách là chúi xuống, xả súng “ca nông” 20 ly bắn như rải trấu dọc theo hai bên đường, do đó có số người của đoàn xe quá sợ chạy lẫn vào hai bên bìa rừng bị trúng đạn từ máy bay bắn xuống… chết không ai biết con số nạn nhân đó là bao nhiêu!

Khi chiến trận dứt tiếng súng, đoàn quân dân chiến thắng lũ lượt kéo nhau về căn cứ địa ở Chiến khu Đ, thì nơi chiến trường chỉ còn lại những chiếc xe như những nấm mồ bằng sắt thép bốc khói dọc theo một quãng đường quốc lộ dài hàng mấy cây số.

Trong khi đó, hai bên bìa rừng dọc theo quốc lộ cũng có vô số người chết và bị thương nặng không được cấp cứu cũng chết dần sau đó trở thành thức ăn của cọp.

Tất cả những xác chết của chiến trường trận giao thông chiến La Ngà đã trở thành “mồi ngon” của con Cọp Ba Móng! Nó khỏi phải vất vả đi kiếm mồi, mà vẫn có thịt người còn tươi rói đầy máu me để cho nó tới ăn một cách tự do thoải mái!

GIAI THOẠI VỀ “LAI LỊCH” CỦA CỌP BA MÓNG!

Chuyện về con Cọp Ba Móng, mới nghe qua như là chuyện hoang đường, chuyện giả tưởng, nhưng nó lại là chuyện có thật trong thời kỳ kháng chiến đánh Tây ở Chiến khu Đ. Hiện tượng về những vụ nó bắt người để ăn thịt, bắt rất nhiều người là chuyện có thật. Cho nên Hoàng Sơn (Sơn Linh) có hư cấu thêm nhiều vụ Cọp Ba Móng bắt người ly kỳ, thì vẫn có thể tin được. Nhưng, nó là Cọp Ba Móng mà biến nó thành Cọp Ba Chân, thì quá sai với sự thật! Về lai lịch nó, thì mình nên thuật lại những gì nghe dân chúng kể, chứ đừng khẳng định, vì chuyện nghe kể lại, mình chớ nên bắt độc giả phải tin 100%!…

Tôi với Hoàng Sơn là anh em biết nhau từ hồi còn ở chiến khu, ở Xuyên Mộc, Bà Rịa, cho nên tôi với anh ấy trao đổi với nhau thẳng thắn, chẳng sợ mếch lòng.
Giai thoại thứ nhất, tôi nghe một người cao niên ở làng Mỹ Lộc nói rằng:

Hồi trước khi còn chiến tranh, tại một đồn điền cao su ở cùng Bù Đốp, chủ đồn điền là một người Pháp có nuôi một con cọp con, mua của thợ săn đem tới bán. Con cọp trông nó như một con mèo nuôi trong nhà rất dễ thương. Khẩu phần nó được cho ăn mỗi ngày vài gram thịt bò sống. Nó được nuôi mấy năm to lớn dần cỡ bằng như chó bẹc giê, rồi mỗi ngày nó ăn tợn hơn, mặc dầu vậy nó vẫn được chủ cũng cưng như đối với mấy con bẹc giê.

Tuy nhiên, khi lớn lên, nó háu ăn và trở nên xấu nết. Chị ở đi chợ mua thịt bò về cho nó, khẩu phần ăn xong rồi, nó còn tới ngồi kế bên chị, lúc chị chặt thịt để nấu súp, ngó lơ qua chút xíu, ngó trực lại thì đã thấy mất miếng thịt ngon. Nhiều lần như vậy, một hôm tức quá, sẵn cầm con dao yếm trong tay, khi thấy cọp ta lại dở trò nhanh tay ăn cắp thịt, chị mới quơ dao yếm lên chém xuống là để dọa nó. Nhưng phản ứng tự nhiên, nó giơ chân lên đỡ, bất ngờ nhát dao chém xuống khiến cho nó đứt mất một móng chân, máu chảy ra đau, nó hoảng hốt phóng chạy ra ngoài rừng cao su… rồi từ hôm đó nó không trở lại nữa, mà trở về rừng làm thú hoang dã từ đó. Cho tới khi có trận chiến La Nha, nhiều tử thi bị máy bay bắn xối xả dọc hai bên bìa rừng, cọp ta ăn tươi, nuốt sống nhiều bộ phận thân thể con người quá ngon miệng, cho nên thành thói quen! Tới lúc không còn tử thi để mà ăn nữa, nó mới đi rình bắt sống con người để mà có thức ăn… Đó là một giai thoại!

Còn giai thoại thứ hai: Ở miệt Hàn Dài, có ông nọ bắt được một cọp con, đem về nuôi như nuôi mèo trong nhà. Đi đâu ông cũng dẫn nó theo, đến khi nó to lớn như con gấu, nó cũng khắng khít theo ông.

Một hôm, trời mưa dầm, ông đi kéo vó ngoài sông, cọp ngồi kế bên; ông đội nón lá, mặc áo tơi ngồi co ro, trong gió lạnh, để mỗi khi giở vó lên, lấy gàu xúc cá bỏ vô đục để đem đi bán, đổi gạo. Ông xúc cá chưa kịp đổ vô đục thì bị con cọp quá đói chộp lấy mấy con cá bự đút vô miệng xực một cách ngon lành. Mấy lần như vậy, ông có la quát cách giận dữ, cọp ta cũng tỉnh bơ, ngồi chờ khi thấy ông xúc cá lên, nó lại lanh tay vồ lấy… ăn hỗn!

Giận quá, hôm nọ sẵn cái mác vót trong tay, ông phang cho nó một nhát, nó đưa chân lên đỡ bị rụng hết một móng đau quá, bỏ chạy vô rừng mất tích luôn từ đó…

Nghe dân chúng kể vậy thì hay vậy chớ làm sao biết được chính xác “lý lịch” của ông ba mươi quá ghê gớm này! Có điều dễ nhận định được thời điểm xuất hiện và lộng hành của Cọp Ba Móng là sau trận chiến thắng La Ngà xác người bị máy bay địch bắn chết trong hai bìa rừng dọc theo quốc lộ của cả đoàn “Con Voa” do quân, dân ta lúc đó đánh tan tác… sau đó trở thành mồi ngon cho Cọp Ba Móng, thì điều này nhiều người có thể nhất trí trong suy luận.

Có người ví von! Con cọp này biết áp dụng chiến thuật du kích chiến, lúc ẩn, lúc hiện bất ngờ khiến cho con người có cảnh giác mấy cũng khó chống trả được! Dân chúng sống trong tâm trạng kinh hoàng, đã có người lớn tiếng tuyên bố:
- Một tiểu đoàn Tây, Ma-rốc tới đây tôi chẳng sợ bằng con Cọp Ba Móng! Thực tế là như vậy. Bởi khi Tây hành quân đi tới đâu, người dân có thể biết trước được để mà di tản, còn Cọp Ba Móng nó chuyên môn áp dụng kiểu “du kích”, ẩn nấp đâu có, chờ đúng lúc thuận tiện nó phóng ra vồ mồi, lôi đi vô rừng… ngồi ăn thong thả.

Anh Phan Đình Công, lúc đầu tiến ra Chiến khu Đ, anh là chính trị viên Chi đội 10 của anh Huỳnh Văn Nghệ là chi đội trưởng. Tới năm 1947, anh về Bà Rịa, làm chính trị viên Chi đội 16, anh Hứa Văn Yến, là Chi đội trưởng, kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Bà Rịa. Anh Công kể:

- Có lần đi về Chiến khu Đ để dự cuộc họp, sau đó cùng đi với một tiểu đội cận vệ trở về Bà Rịa. Sở dĩ anh đi có một tiểu đội vũ trang hộ tống là vì con đường quốc lộ 13 địch thường hay phục kích, bởi chúng biết… Việt minh thường có những toán người đi từ Chiến khu Đ về Bà Rịa áp tải muối đưa về cho dân quân khu 7 tiêu thụ. Do đó, con đường huyết mạch này - đường mòn từ bìa rừng bên này băng ngang qua quốc lộ 13 để sang bìa rừng bên kia từ lâu đã trở thành “con đường máu!”. Muốn đi ngang quốc lộ 13 để sang bìa rừng bên kia, phải đi vào ban đêm. Một vài trinh sát đi ra trước quan sát thật kỹ, nếu nghe mùi thuốc lá thơm “cáp tăng” hay “cô táp” thì biết ngay có địch phục kích nằm đâu đó, phải thối lui, báo cho cả đoàn dừng lại.

Anh Phan Đình Công kể tiếp:

- Đi qua con lộ 13 một cách an toàn, không bị Tây phục kích là thoát chết, may mắn lắm rồi! Nhưng khi về tới địa điểm tạm nghỉ, kiểm điểm lại thì bị mất một mạng. Thì ra con Cọp Ba Móng nó ngồi phục kích bên đường, chờ cho cả tiểu đội đi qua, nó mới nhanh nhẹn phóng ra, vồ người đi sau cùng. Một khi móng vuốt nó vồ ngay cổ họng rồi thì nạn nhân không thể la lên được tiếng nào. Đó là trường hợp lúc đầu, Cọp Ba Móng bắt người để ăn thịt chưa táo bạo lắm! Nhưng về sau thì nó lộng hành hơn.
__________________Hồi kháng chiến 9 năm, ở miêng Đông Nam Bộ, từ "cán bộ cao cấp nhất cho đến phó thường dân" không ai là không biết và lo ngại về con cọp ba móng này!

Nó là con cọp cái ( dữ như cọp cái là phải ) có một chân bị tật, chỉ còn ba móng. Vùng rừng miền Đông Nam Bộ nơi đâu mà chẳng có dấu chân cọp. Nhưng trông thấy dấu ba móng của nó để lại trên cát, đi qua những đâu, là một nỗi kinh hoàng nơm nớp, lo âu thấp thỏm về một tai họa sẽ diễn ra tức khắc mọc lên. Cho tới ngày trừ được nó, cọp ba móng đã giết và ăn thịt một trăm hai mươi tám người ! Con số chính thức được liệt kê thành danh sách, chứ những người bị nó bắt mất tích không ai hay biết, những xác bộ đội ta và lính địch bị nó ăn thịt hay ngựa, trâu, bò, lợn … thì không kể.

Vùng hoạt động của nó là chiến khu Đ, từ Chánh Hưng , Lạc An lên tới Mã Đà, Sông Bé ( Đồng Nai, Thượng) một dãi rừng già liên tục sáu bảy mươi kilomet, bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Thấy dấu chân của nó xuất hiện đi về hướng nào, tức thì điện báo ( đường dây điện thoại quân sự ) cấp tốc loan tin cho bộ đội, cơ quan và dân chúng hướng đó đề phòng, chuẩn bị đối phó khẩn cấp như tin có giặc sắp càn.

Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa treo giải thưởng 500 đồng bạc đỏ ( tiền vùng ta ) và Bộ tư lệnh khu 7 cũng treo giải thưởng 500 đồng bạc xanh ( tiền vùng địch ) cho ai trừ được cọp ba móng! Đủ biết nó nguy hiểm và gây tai họa cho nhân dân trong vùng không kém giặc.

Nó rất tinh khôn, chẳng những không sợ súng mà nghe tiếng súng nơi nào, tức thì mò đến. ( Mít tinh bắn súng chào cờ nó cũng mò tới ). Năm 1947 từ trận đánh giao thông Võ Đắc, trận Bầu Cá, trận Đồng Xoài, trận đánh dốc 47km trên đường Cáp Xanh Giắc- Biên Hòa, nhất là trận Là Ngà tháng 3-1948, giặc lấy xác không kịp, ta cũng không kịp nhặt xác giặc chôn đi, cọp kéo từng bầy đến ăn. Cọp ba móng là Chúa Rừng, coi như đầu đàn, nghe tiếng súng tới ngay. Từ năm 1949, ta chuyển về đánh đồng bằng, trận Định Quán vừa phục kích đánh xe vừa phải lo bố trí chống cọp phía sau lưng!

Người bị cọp ba móng giết cuối cùng là một em bé gái độ mười bốn mười lăm tuổi, con một bà ở Suối Cá xã Mỹ Lộc ( Lạc An). Khoảng 4 giờ sáng nó nhảy qua rào ( nhà nào cũng có rào cao 3-4 thước ) vì nhà sàn cao, cửa đóng then cài không phá được, nó phóng lên nóc nhà trổ mái tranh xuống bắt em bé tha đi. Cả vùng báo động khua thùng đánh mõ ầm ĩ đuổi theo. Trời sắp sáng nó bỏ xác lại bên bìa rừng. Anh em Binh công xưởng Bộ Tư Lệnh KHu 7 đóng quân gần đấy đến gặp gia đình, xin mượn xác em bé để gài bẫy báo thù và trừ hại cho dân. Phải thuyết phục mãi mới được, vì có người mẹ nào lại muốn cho con mình phải chết hai lần.

Bốn quả mìn gài dưới xác, một trung đội súng máy phục kích xung quanh. Ba giờ chiều cọp ba móng mò ra. Nó lượn quanh xa xa ba vòng rồi bỏ đi. Chốc sau lại trở lại tới gần hơn, đi quanh ba vòng nữa, rồi ngồi im nhìn cái xác. Mọi người nén thở chờ xem nó giở trò gì. Đang ngồi im như tượng, bất thình lình nó nhảy vào vồ cái xác. Mìn nổ. Nhưng nó chỉ bị thương, bỏ xác chạy. Trung đội súng máy đuổi theo. Nó lội ngược dòng suối. Mọi khi nó có thói quen lội ngược dòng suối để nước **c chảy xuống, người trên dòng không phát hiện được trước khi nó tới. Lần này chính thói quen đó đã dẫn nó vào chỗ chết. Anh em đuổi theo vết máu một lúc thì mất dấu. Nó trèo lên bờ, núp sau một gò mối. Đại liên, trung liên, các thứ súng đủ cỡ xả vào. Xác nó chồm lên ôm gò mối như còn sống. Lâu sau, biết chắc nó đã chết rồi anh em mới dám tới gần ( vì sợ nó giả chết)

Xác nó để lên xe bò không đủ chỗ — loại xe bò miền Đông rất lớn – một phần đùi sau và cái đuôi thòng ra ngoài. Mổ bụng thấy trong bao tử cọp ba móng còn nguyên một bàn chân người lớn tím ngắt. Người gài mìn giết con cọp khủng khiếp này là đồng chí Nguyệt, một thương binh hỏng một mắt và cụt một tay, công tác tại Binh công xưởng Khu 7.
p/s : bây h mà nó còn sống chắc vui lắm 3crisp3

ngại gì cái tks 3congratz3 3congratz3 3congratz3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)