Chuyện shock 2009-01-14 15:04:36

Những bệnh nhân sợ ...Tết


Những bệnh nhân Hemoliphia (bệnh máu khó đông) không hề mong đợi Tết vì dịp này, máu dự trữ ở các bệnh viện luôn thiếu.

Bị sưng cơ do thiếu máu, bé Quân khó có thể chạy nhảy trong Tết này.


Th.s Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lo ngại: “Lúc nào họ cũng có khả năng bị chảy máu, mà nếu không đủ máu, có thể dẫn tới những biến chứng suốt đời”.

Tiếng khóc của trẻ cần máu

Khoa điều trị Hemophilia (bệnh máu khó đông) của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vang lên tiếng khóc của một bé 4 tuổi. Bệnh nhi Hoàng Đức Đàm Quân (quận Long Biên, Hà Nội) đã phải truyền chế phẩm giúp đông máu các khớp (được điều chế từ máu) ngay từ khi 7 tháng tuổi. Lần truyền máu nào, bé Quân cũng kêu khóc: "Con không muốn tiêm".

Chị Dương Thị Hà, mẹ cháu Quân kể, mấy hôm nay, cháu đến Viện Nhi để truyền nhưng không có máu. Dịp trước và sau Tết Nguyên đán, máu tại Viện thiếu trầm trọng. Đến khi vào Viện Huyết học thì chân Quân đã bị sưng tấy lên do không được chữa trị kịp thời.

“Tại Viện Nhi, việc phải chờ đợi 3-5 ngày mới được truyền là rất bình thường. Gia đình chờ đợi rất sốt ruột nhưng cũng không còn cách nào khác. Mua chế phẩm từ Viện Huyết học cũng là một cách, nhưng ở Viện cũng không sẵn. Hơn nữa, mua tại Viện Huyết học không được dùng chế độ bảo hiểm nên càng khó khăn hơn”.

Mỗi lần bị xây xước, chảy máu, cháu Quân cần bổ sung gấp từ 5-6 bịch chế phẩm như vậy. "Tôi thật sự ám ảnh với nỗi lo thiếu máu, cháu mới 4 tuổi, tránh thế nào được đùa nghịch bị thương. Lúc đó mà không có máu, gia đình tôi phải biết làm sao" - mẹ Quân bộc bạch nỗi sợ hãi.

Bệnh nhân Cao Bá Tính (14 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) kể lại những lần đau nhức cơ, đau đến mức vật vã không ăn không ngủ được. “Em phải đi truyền từ hồi 8 tháng tuổi nên cũng quen với tình trạng phải chờ để có dịch truyền rồi, đau nhưng cũng phải cố chịu thôi”.

Tính đã thôi học từ năm lớp 8, phần vì sức khỏe yếu, phần khác vì tháng nào cũng phải vào viện 2-3 lần để chờ truyền dịch. “Tháng nào cũng bỏ học, em không theo kịp bạn bè. Giờ em chỉ ở nhà, thỉnh thoảng đọc vài quyển sách thôi”, Tính nói.

Đợt này, mẹ đã đưa em qua Viện Nhi 3 ngày liền nhưng không truyền được vì thiếu máu. May hôm nay qua Viện Huyết học có đủ máu để được các bác sĩ truyền.

Cầm cố cả sổ đỏ, vay lãi vì thiếu máu

Đôi chân của anh Lê Công Hiền (quê Phú Thọ) hiện đã bị teo cơ. Anh thậm chí không thể gập đầu gối được. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa điều trị Hemophilia tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, trường hợp của anh Hiền là biến chứng do điều trị muộn. Khi có biểu hiện bị chảy máu khớp mà không được truyền chế phẩm giúp đông máu kịp thời, cơ sẽ bị cứng rồi xơ, không thể phục hồi được.

Anh Hiền cho biết, anh đã điều trị Hemophilia được 16-17 năm. Nhiều lần phải cầm cả sổ đỏ hay vay lãi để lấy tiền điều trị, nhưng có tiền không phải đã là xong, vì nếu các bệnh viện thiếu máu thì có “chạy đằng trời”.

“Mấy năm nay, tôi thường lên điều trị trước Tết để có thể được về nhà, yên tâm ăn Tết, cũng là để tránh giai đoạn “khát máu” sau những ngày Tết” - Anh Hiền chia sẻ “kinh nghiệm” của mình.

Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh cho biết: “Dịp sau Tết, Viện Huyết học đặc biệt thiếu máu, có thể thiếu tới 50% nhu cầu”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa điều trị Hemophilia tại Viện còn cho biết thêm: “Một số chế phẩm điều trị bệnh Hemoliphia phải nhập từ nước ngoài, đặc biệt là những chế phẩm dùng cho trẻ em nhưng số lượng nhập về cũng rất hạn chế. Muốn tự điều chế những loại chế phẩm này, ngoài việc phải có một công nghệ phù hợp thì phải đảm bảo luôn một lượng lớn máu sạch. Thông thường, 8 đơn vị máu (250 ml/đơn vị) mới có thể điều chế một bịch chế phẩm loại này”.

Trong khi đó, Th.S Phạm Tuấn Dương, Viện phó Viện Huyết học – Truyền máu tỏ ra hết sức lo lắng vì tình trạng thiếu máu sẽ còn kéo dài: “Theo tính toán, năm 2008, cả nước cần 1,6-1,7 triệu đơn vị máu/năm trong khi hiện giờ chúng ta mới có thu được trên khoảng 500.000 đơn vị máu/năm. “Chạy” hết tốc lực, đến năm 2020, dự tính chúng tôi sẽ thu gom 1,7-1,8 triệu đơn vị máu/năm, tạm đủ cho nhu cầu hiện tại. Nhưng tới lúc đó, không biết nhu cầu máu đã tăng lên tới mức nào bởi vì dân số đâu có đứng im”.

Theo VTCNews
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)