Chuyện shock 2010-05-10 01:53:42

Những hủ tục rùng rợn của chốn thâm u


Những câu chuyện luôn gây giật mình bởi nó không chỉ diễn ra ở những chốn thâm u cùng tận.

[justify]Những câu chuyện luôn gây giật mình bởi nó không chỉ diễn ra ở những chốn thâm u cùng tận, mà đôi khi người trong cuộc là những người có trình độ nhất định, thậm chí là thầy giáo ở buôn làng. Ranh giới giữa sự trong sáng tích cực của luật tục và những hà khắc rùng rợn của hủ tục… vẫn còn là khoảng cách mong manh giữa chốn đại ngàn…


Con 'quái vật' hủ tục đã đốt cháy biết bao cuộc đời của đại ngàn. (Ảnh minh hoạ)

11 lần sinh con thì có bốn lần người cha khốn khổ ấy nuốt nước mắt nhìn người làng chôn những khúc ruột của mình. Bao nhiêu năm đi bộ đội, ngày trở về ông mang trong mình chất độc da cam để rồi sinh ra những đứa con què quặt. Trước kia, mỗi lần vợ Kbôr Yoang sinh con yếu là người dân buôn Ji A (xã Krông Năng, Krông Pa, Gia Lai) lại kéo đến nhà để đem những đứa trẻ vô tội chôn sống theo luật tục “năn tu mí” của người Ja Rai.

“Hãy để nó về với atâu!”

Chiều xuống, Kbôr Yoang lại một mình lẳng lặng ra một mô đất sát con suối Ea Krông, nơi những đứa con đầu tiên của ông đã bị người làng chôn theo tục năn tu mí: “Mình cũng không biết nó là con trai hay con gái!”. Ngày H’Che sinh đứa con đầu tiên, nó không phải là đứa trẻ bình thường: đầu to, đôi mắt lớn và cái miệng méo xệch. Cả làng hốt hoảng cho rằng đó là điềm chẳng lành nên tìm mọi cách bắt gia đình Kbôr đem đi chôn.

Mùa rẫy năm sau, H’Che lại tiếp tục trở dạ trong sự lo lắng đến tột cùng của Kbôr Yoang. Linh tính không sai, đứa con thứ hai cũng mang thân hình dị dạng: đỏ hỏn như một miếng thịt bò, cái đầu thì lớn và đôi mắt thì lồi ra như mắt con hoẵng trên rừng, hai bàn chân và hai bàn tay cụt như chân con ngựa, rồi đây lớn lên nó cũng sẽ không tự đi được.


Cựu chiến binh Kbôr Yoang chăm sóc H’Đốt, đứa con gái khốn khổ
ông đã moi lên từ lòng đất - Ảnh: T.B.D.


Nghe tin dữ, lũ làng lại kéo đến bủa vây đôi vợ chồng khốn khổ. Kbôr ôm khúc thịt còn đỏ hỏn trên tay mình trước sự hung hãn của lũ làng. Bà Ne H’Lui, mẹ của H’Che, giật đứa trẻ và hét lớn: “Mày không đem nó đi chôn thì làng sẽ gặp nạn mà chết hết cả, nó yếu thì theo lệ của người Ja Rai cứ để tao chôn nó về với atâu (ông bà, tổ tiên)”.

Lũ làng nghe vậy cũng ùa theo. Thế nhưng, già làng Nay Chinh cất giọng: “Thằng Kbôr Yoang mày sinh con thì hãy giữ lấy mà nuôi chứ sao lại chôn đi”. Bất thần, Kbôr giật đứa con từ tay bà Ne H’Lui và quả quyết: “Tao sẽ nuôi nó sống cho lũ làng coi”. Sau khi quyết tâm giữ lại đứa trẻ tật nguyền, vợ chồng Kbôr Yoang đã phải chấp nhận chịu phạt bò và rượu để dân làng làm lễ tạ tội với yàng.

Những mùa rẫy kế tiếp, đứa con gái mà Kbôr giành lại từ tay người làng được đặt tên là H’Đốt. Trái ngược với lời nguyền “rồi nó cũng bị yàng phạt mà chết yểu”, H’Đốt vẫn lăn lóc lớn lên giữa những nghiệt ngã của buôn làng như câu chuyện cổ tích Sọ Dừa xa xưa.

Sau H’Đốt, chị H’Che tiếp tục sinh những đứa con. Thế nhưng, Kbôr Yoang lại phải thêm hai lần ôm con đi chôn khi lần lượt các đứa thứ bảy, thứ tám chết ngay trong bụng mẹ. Nỗi đau như trăm ngàn vết cứa, nhưng đau đớn nhất vẫn là lũ làng luôn đổ dồn mọi ánh mắt về những đứa con mà H’Che sinh ra để chôn sống nếu thấy chúng yếu.

Đi qua lời nguyền

Một đêm vào năm 1994, H’Che lại ôm bụng trở dạ trong cơn đau đớn. Sau những đứa con lành lặn, cả hai vợ chồng vẫn không hết lo sợ những đứa con mới lại không thành hình người như ba đứa trước.Thế nhưng, lần này trước mặt Kbôr Yoang lại thêm một thằng bé dị dạng với cái đầu phình lớn, đôi mắt tròn vo và xếch ngược như mắt con hoẵng. Nó không có chân cũng chẳng có tay.


Đêm ấy lũ làng lại kéo đến đông lắm, họ đòi chôn sống thằng bé này
để đưa về với atâu. (Ảnh minh hoạ)


Lòng đau như xé, nghĩ nó sống cũng sẽ khổ nên Kbôr Yoang nhắm mắt để người làng ôm khúc ruột của mình đi chôn. Thế nhưng, lúc người làng buôn Ji A bắt đầu đặt thằng bé xuống cái hố đất còn tươi thì bỗng nó gào khóc dữ dội. Bản năng làm cha trỗi dậy, Kbôr Yoang lao tới giật thằng bé rồi phóng chạy trong đêm tối.

Sau khi cứu được con, Kbôr Yoang chạy về cầm thanh nứa cắt rốn thằng bé lúc ấy đang gào khóc rồi lấy nước tắm rửa, đặt nó nằm bên cạnh người vợ đang cạn khô nước mắt vì thương con. Bắt được hơi ấm từ bầu vú mẹ, thằng bé vừa được lôi lên từ lòng đất nằm im thin thít như đứa trẻ sợ bị người lớn đánh, nó nằm ngủ ngon lành.

Sau khi được cứu, điều kỳ lạ là Nay Đ’Reng gần như lớn nhanh hơn người bình thường, thách thức mọi huyễn hoặc của lũ làng. Nhiều năm trôi qua dân làng vẫn bình yên, thằng bé mặc dù không có tay, không có chân nhưng vẫn cười nói và quấn lấy vợ chồng Kbôr Yoang như những đứa trẻ bình thường. Lúc này, nhiều người làng mới tin Kbôr Yoang đã đúng.

Suốt câu chuyện, Kbôr Yoang luôn cúi mặt xuống vì đau đớn. Ông kể từ ngày để người làng chôn những đứa con của mình đến nay đêm nào ông cũng ngủ không yên, cứ nhắm mắt lại là thấy khuôn mặt dị dạng của những đứa trẻ nhìn ông hết cười rồi lại khóc. Vừa trách làng lại vừa trách mình, dẫu sao cũng vào sinh ra tử trên chiến trường bom đạn nhưng cuối cùng lại không vượt qua được tục lệ của làng. “Tao nghĩ nó phải đẹp trai lắm, nếu cứu được nó thì giờ tao đã có thêm những đứa con rồi. Mỗi lần đi uống rượu thấy đồng đội, người làng nhà nào cũng con cái nguyên vẹn mà không hiểu sao tao lại khổ đến vậy”- Kbôr Yoang nghẹn ngào.

Giờ đây, bảy đứa con còn sống của Kbôr Yoang và H’Che đứa lành lặn đến tuổi thì đã đi lấy chồng, riêng cậu bé tật nguyền sống lại từ cõi chết Nay Đ’Reng giờ đã là học sinh giỏi tại Trường trung học Dân tộc nội trú Krông Pa.

Năn tu mí

Những già làng lớn tuổi người Ja Rai cho biết người Ja Rai bao đời nay quan niệm “con chim con sống phải có chim mẹ, con chim non yếu thì về với atâu (tổ tiên, ông bà)”. Nếu trái luật thì yàng giận mà nổi dông bão, mặt trời sẽ thiêu cháy buôn làng! Bởi vậy, nếu một đứa trẻ sinh ra mà không có cha, bị què quặt, sức khỏe quá yếu hoặc người mẹ chết vì lý do nào đó thì đứa trẻ đó cũng phải bị chôn sống theo luật năn tu mí (tiếng Ja Rai là nar tui mih).[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)