Tâm sự - chia sẻ 2014-07-29 07:53:45

Những người lính vẫn chiến đấu 40 năm sau chiến tranh


Ám ảnh về chiến tranh, cơn đau giằng xé cơ thể khiến nhiều thương binh nặng phải sống trong vô thức, chốc chốc lại hô vang: "Xung phong" rồi đứng nghiêm chào cờ, hát Quốc ca…

Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) hiện là nơi ở và điều trị của 110 thương binh bị chấn thương sọ não gây tâm thần sau chiến tranh. Kể từ ngày thành lập nơi đây đã đón hơn 500 lượt thương bệnh binh nặng vào điều trị (từ năm 1976 cho tới ngày nay).
Tại đây có 3 khoa điều trị bao gồm: Khoa 3 là các bệnh binh tạm ổn đinh, đi lại sinh hoạt được, thường xuyên về với gia đình. Khoa 2 chăm sóc thân nhân người có công. Sâu trong cùng phía sau nhiều cánh cửa sắt là khoa 1 (khoa kích động) điều trị hơn 40 thương binh nặng, tổn thương sọ não, mất trí nhớ, sa sút trí tuệ nặng, không tự điều khiển được hành vi của bản thân, có khả năng bỏ trốn bất cứ lúc nào.
60 cán bộ trong đó có tới 11 y bác sĩ, 21 y tá… thay nhau điều trị chăm sóc hơn 100 thương bệnh binh. Đặc thù bệnh tật của các bệnh binh là tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ dẫn đến việc theo dõi, khám xét, điều trị, chăm sóc của y bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn.
Họ phải uống thuốc đều đặn 2 lần trước bữa cơm trưa và vào 16h hàng ngày. Mỗi người một đơn thuốc đặc biệt khác nhau tuỳ bệnh lý, tuy nhiên cũng chỉ làm dịu cơn bệnh chứ không ai khỏi hoàn toàn.
Trong 40 người ở khoa kích động, thuốc gần như chỉ có tác dụng giảm đau cho một số bệnh binh cực nặng. Cơn đau giằng xé trong đầu họ với những ký ức chiến tranh về súng đạn và chết chóc. Có người nằm kêu la không ăn suốt nhiều ngày, có người không mặc quần áo ngồi thiền trên giường, người thì đột ngột chào cờ và hát quốc ca… Những người này sống vô thức và mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn, ở ngủ nghỉ đều do y tá, hộ lý phục vụ.
Các cựu binh ở trung tâm cũng được chăm sóc khá kỹ càng về khẩu vị ăn uống.
Ngoài việc đảm bảo ăn đủ no và đủ chất thì sở thích ăn uống hay kiêng món này món khác của từng người cũng được các điều dưỡng viên ghi nhớ khá đầy đủ. Có người ăn nhạt, ăn mặn, có người lại thích ăn thịt gà, không ăn được đồ tanh…
Ông Quan Văn Minh (60 tuổi, quê ở Thanh Liêm, Hà Nam) vào điều trị tại trung tâm đã được 36 năm. Ông bị liệt hai chân phải đi lại bằng xe lăn, hai tay giờ cũng suy yếu và không sử dụng được. Bà Đinh Thị Thuỷ hàng ngày tự tay nấu cơm, tắm giặt chăm sóc chồng tại phòng ở riêng tại khu gia đình gồm 12 người của trung tâm được hơn 3 năm nay. Ông Minh được hưởng chế độ hơn 4 triệu đồng/tháng, hàng tuần được cấp phát thuốc và khám định kỳ.
Có những trường hợp đặc biệt như ông Nguyễn Xuân Tái (64 tuổi, quê ở Đồng Hoá, Hà Nam) bị tổn thương sọ não dẫn tới mất hoàn toàn trí nhớ, không biết mình là ai, tên gì , không có người thân. Chỉ có duy nhất ông Vũ Đức Luyện cùng phòng bầu bạn tâm sự và chăm sóc suốt thời gian điều trị tại đây.
Ông Trương Công Thành (62 tuổi, quê ở Cửa Việt, Hải Phòng) vẫn còn nhớ mình bị mảnh đạn M79 găm vào thái dương ở mặt trận Buôn Mê Thuột. Nhớ quê quán và đồng đội, tinh thần ông ngày càng suy kiệt và bất ổn, thỉnh thoảng bộc phát hành động nguy hại đến bản thân. Ông từng nhiều lần lấy vật sắc cạnh cắt vào chỗ yếu của cơ thể gây tổn thương sức khoẻ.
Hàng ngày các thương bệnh binh của cả 3 khoa điều trị đều được tham gia các hoạt động về đời sống tinh thần như xem ti vi, nghe đài, đọc báo dưới sự hướng dẫn của y tá, hộ lý.
Phòng sinh hoạt cũng là phòng vật lý trị liệu, nơi các cựu binh được các y bác sĩ hướng dẫn sử dụng máy tập để giãn gân cốt, rèn luyện giúp cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sảng khoái.
Hầu hết các thương binh khi mới vào điều trị tại đây đều có trí nhớ sa sút, tư duy nghèo nàn không phân biệt đúng sai, dễ bị kích động, sống cách ly, có khi bỏ trốn khỏi trung tâm đi lang thang. Sau nhiều năm điều trị họ đã trở nên tĩnh tâm hơn, dần quen với nếp sống tập thể tại ngôi nhà thứ hai của mình.
Nhiều thương binh đã phục hồi được phần nào trí nhớ và nhận thức, có người còn tự đọc được sách báo, hướng dẫn bạn cùng phòng trong sinh hoạt như vệ sinh cá nhân, tắm giặt, ăn uống.
Trong tổng số 110 người tại đây thì có tới hơn 35% thương bệnh binh không có con hoặc vợ bỏ vì bệnh quá nặng. Số còn lại có gia đình tuy nhiên chỉ có dịp lễ tết cả năm mới lên thăm nom được một hai lần. 
Phóng to
Nhiều cựu binh có nguyện vọng sống nốt quãng đời còn lại bên cạnh những đồng đội đang điều trị tại nơi đây bởi họ đã không thể trở lại với cuộc sống thường nhật bên gia đình vợ con và cộng đồng.

Anh Tuấn

 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)