Sao Việt 2009-01-14 07:00:00

Tăng Thanh Hà 'chê' thẩm mỹ viện


Cụm từ "thẩm mỹ viện" là quá xa vời đối với Hà. Bởi đã bảy năm nay, khán giả đã chào đón mình với một gương mặt này, dáng vóc này. Họ rất thương yêu mình nên Hà chưa bao giờ nghĩ tới điều đó… " - Tăng Thanh Hà bộc bạch.
Theo bạn, những nhân vật nữ trên phim Việt Nam thường được nhấn mạnh vào điểm gì?

Hà thấy không chỉ có nhân vật nữ mà đối với tất cả các nhân vật trong phim, dù chính hoặc phụ thì yếu tố cơ bản để tạo nên sự thành công cho một bộ phim cũng như thu hút được sự quan tâm của khán giả đó là sự chân thực. Tức là nhân vật phải khắc họa chân thực cuộc sống ngoài đời thường thì mới có thể tạo được điểm gần cho khán giả.

Tuy nhiên cần phải tùy vào từng kịch bản phim và từng nhân vật để tạo nên cái thật cho vai diễn. Khi xem Bỗng dưng muốn khóc có những bài báo nói rằng Tăng Thanh Hà trang điểm quá nhiều và mặc những bộ đồ quá đẹp, không hợp với nhân vật Trúc. Nhưng thực tế, Hà không make-up nhiều như mọi người nghĩ mà chỉ trang điểm rất nhẹ cho đỡ bị bóng khi quay. Còn những bộ đồ của Trúc mặc là do Hà mua ở chợ quần áo cũ Bà Triệu. Cái nào đắt nhất cũng chỉ có giá 15 ngàn đồng. Vậy nếu nói rằng những bộ đồ đó nhìn rất mới thì quả thật hàng thùng bây giờ rất đẹp (Cười!).

Hoặc khi phải thể hiện những vai tiểu thư con nhà giàu, ăn chơi thì nhân vật đâu nhất thiết cứ phải xài tiền đô, đi xe đẹp, mặc áo dây, váy ngắn và mang boot da. Bởi những thứ xa xỉ đó chỉ chiếm 50% nhu cầu của nhân vật, phần còn lại phụ thuộc vào cái hồn, cái thần mà người diễn viên phải thể hiện như thế nào. Muốn vậy, người diễn viên phải luôn có sự quan sát, tìm hiểu và ghi nhận những cách đối nhân xử thế của mọi người trong xã hội.





Hà có góp ý gì về cách xây dựng hình tượng nhân vật nữ, có số phận, có tính cách trong phim Việt Nam?

Hà để ý thấy phim Hàn Quốc thường xây dựng hình tượng nhân vật nữ dựa trên những thực tế trong cuộc sống hoặc trên một nền tảng cơ bản nào đó. Còn với phim Việt Nam, phần lớn việc xây dựng hình tượng của nhân vật tùy thuộc vào người viết kịch bản và người thực hiện, sau đó cùng đưa ra hướng đi hợp lý nhất cho nhân vật. Hà nghĩ rằng phim Việt Nam cũng đã làm được điều này nhưng vẫn còn mờ nhạt và thiếu điểm nhấn vì cách thực hiện của chúng ta chưa đến nơi đến chốn. Phần diễn xuất của người diễn viên cũng rất quan trọng.

Có thể nói, ngay từ đầu người viết kịch bản và đạo diễn đã định hình sẵn về tính cách cho nhân vật nhưng khi ra hiện trường phần còn lại là do diễn viên thể hiện như thế nào. Thực tế, nhiều trường hợp không như mong muốn đã xảy ra, chẳng hạn diễn viên hiểu được vấn đề và ý đồ của đạo diễn nhưng lại chưa biết cách thể hiện. Hà chỉ đơn cử như diễn cảnh một cô gái ngồi buồn và khóc. Trên lý thuyết, nếu diễn cảnh này thì phim nào cũng như phim nào, diễn viên đều có những cách thể hiện nhất định. Tuy nhiên ở đây nếu cô gái này là một nhân vật có tính cách mạnh mẽ thì khi gặp chuyện buồn, cô ấy sẽ phải khóc như thế nào. Khi ấy, có thể nước mắt không rơi hoặc nếu nước mắt phải rơi thì sẽ rơi thế nào, để khán giả nhìn vào vẫn phải thấy được sự mạnh mẽ đằng sau cái vẻ yếu đuối nhất thời đó. Và điều này, theo Hà phụ thuộc rất nhiều vào diễn xuất tinh tế của người diễn viên.

Ở đây, Hà chỉ có thể chia sẻ dựa trên kinh nghiệm của mình qua hai bộ phim (Bỗng dưng muốn khócĐẹp từng centimet) vừa tham gia. Vì hai bộ phim đó đều có cảnh các nhân vật ngồi tâm sự với nhau nên dễ dẫn tới sự trùng lặp nếu như diễn viên không tìm cách làm mới trong diễn xuất của mình. Lúc đó, bác Đãng (tên thân mật Hà gọi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) đã bàn bạc cùng Hà để thống nhất cách xử lý nhân vật như thế nào cho hợp lý nhất. Cuối cùng, khán giả cũng thấy cảnh Trúc (trong Bỗng dưng muốn khóc) đã khóc khi tâm sự cùng Bảo Nam hoặc anh Hiều về chuyện bị lạc mất cha mẹ và đó là phút yếu lòng nhất của cô ấy.

Nhưng đối với Ngô Đồng (trong Đẹp từng centimet) cũng là cảnh tâm sự chuyện cha mẹ đã mất nhưng cô ấy đã không khóc, thậm chí trong lúc nói chuyện còn cười. Hành động này khiến những ai chưa biết chuyện của Ngô Đồng sẽ thấy cảm thương. Ở đây thực chất, nỗi đau của Ngô Đồng trôi qua đã lâu và cô ấy đã đi đến tận cùng của nó. Hơn nữa, Ngô Đồng đã kể lại câu chuyện này khá nhiều lần nhưng với Trúc thì nỗi đau vẫn còn đó. Trúc vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể gặp lại cha mẹ của mình. Đó là hai tính cách rất khác biệt mà Hà đã phải tìm những nét diễn xuất mới.



Theo Hà, cách thị phạm của đạo diễn trên trường quay có tác dụng như thế nào đối với người diễn viên?

Mỗi đạo diễn có một phong cách làm việc khác nhau nhưng đối với bác Đãng, trước khi phim bấm máy, chúng tôi thường có những buổi nói chuyện riêng với nhau. Lúc đó, chúng tôi sẽ bàn cách để nhân vật này, nhân vật kia thể hiện như thế nào. Nhưng khi ra hiện trường thì đạo diễn trao hết nhân vật đó cho người diễn viên và để họ thoải mái thể hiện. Đạo diễn không bao giờ gò bó diễn viên theo cách diễn của mình vì trước đó đã có sự bàn bạc rất kỹ lưỡng. Có những cảnh tôi biết phải diễn như thế này nhưng khi ra tới hiện trường diễn bị lệch sang hướng khác thì đạo diễn chỉ góp ý rất nhẹ nhàng, chân thành kiểu “Bác nghĩ nếu con diễn như thế này thì sẽ hay hơn”…

Cũng có những trường hợp Hà diễn theo cách của mình và đạo diễn cũng không hiểu tại sao Hà lại diễn như vậy vì trước đó đạo diễn thị phạm cho mình một cách diễn khác. Nhưng khi Hà giải thích và nếu lý do hợp với phân đoạn đó thì đạo diễn sẽ quyết định chấp nhận cách diễn của tôi. Nói chung, bác Đãng luôn tôn trọng và tạo cho diễn viên quyền độc lập trong lúc diễn. Tuy nhiên, suy cho cùng, ở Việt Nam phần lớn nếu một diễn viên nào đó muốn diễn theo cách của họ nhưng đạo diễn không đồng ý thì họ cũng phải chấp nhận. Vì đạo diễn vẫn là người quyết định chính.





Nữ giới làm diễn viên sẽ rất cực, phải hy sinh nhiều thứ từ nhan sắc đến cuộc sống riêng, thậm chí là những ngày tâm trạng không tốt cũng phải ra phim trường, phải đi nhiều, không thích hợp lắm với hình ảnh người phụ nữ Á Đông gắn mình với gia đình và con cái. Hà có suy nghĩ gì về điều này?

Hà luôn quan niệm khi đã ra trường quay là phải trút bỏ hết những lo lắng, ưu phiền và những gánh nặng trong cuộc sống của mình để toàn tâm toàn ý, tập trung cho vai diễn. Bởi vì, đây không phải là trách nhiệm của riêng mình. Nếu để những điều khác chi phối thì mình sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của cả một tập thể. Hà nghĩ rằng khi mình đã khoác trên người một bộ đồ của nhân vật thì đó không còn là chính mình nữa.

Hà có tự coi mình mà một cô gái đẹp không? Nhiều người thích cái đẹp bên ngoài những vẫn ra sức nói rằng “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Liệu một cô gái đẹp có luôn phải chịu áp lực cố gắng củng cố cái nết không? Bạn làm thế nào để dung hòa hai điều đó: vẫn là chính mình nhưng vẫn nỗ lực để đẹp hơn trong mắt mọi người?

Trước hết, bất cứ một người phụ nữ nào cũng phải tự tin vào điều đó, rằng mình đẹp. Hà cũng không ngoại lệ, bởi nếu nói không thì có nghĩa là mình đang nói dối. Còn theo Hà nghĩ, cái nết ở đây bắt nguồn từ nền tảng và sự giáo dục của gia đình. Đối với Hà, cái nết xuất phát từ bản thân của mình nên không thể nói là mình phải trau dồi nó như thế nào. Hà thích được là một người phụ nữ năng động và hiện đại. Nhưng vì Hà cũng là người hướng nội nên người phụ nữ hiện đại, năng động đối với Hà thì cần thiết phải có trách nhiệm với gia đình nữa.

Bận rộn với việc đóng phim, chụp hình và cả việc học nữa, bạn dành thời gian cho những thú vui riêng ngoài những công việc trên vào lúc nào?

Rất nhiều, chẳng hạn đi đóng phim tuy có mệt và vất vả nhưng Hà cũng tranh thủ những thời gian rảnh rỗi để thư giãn. Hiện tại, Hà có hai công việc chính là đi học và đóng phim. Vì vậy, việc học nhiều lúc gặp áp lực thì Hà rất thích không khí ở đoàn làm phim, bởi khi đó mình được tiếp xúc với môi trường mới, được nói chuyện, cười đùa vui vẻ. Hà nghĩ rằng, dù cho công việc có quá nhiều nhưng mình biết tìm niềm vui trong đó thì lúc nào cũng cảm thấy thoải mái và dễ chịu.

Làm phim ngày nay đang bắt nhịp với công nghệ thu tiếng trực tiếp, là một nữ diễn viên thì giữ gìn thanh sắc là một việc tối cần thiết. Hà có dành thời gian tới các mỹ viện không?

Cụm từ "thẩm mỹ viện" là quá xa vời đối với Hà. Bởi đã bảy năm nay, khán giả đã chào đón mình với một gương mặt này, dáng vóc này. Họ rất thương yêu mình nên Hà chưa bao giờ nghĩ tới điều đó.

Ngoài lề một chút, Hà thích một mẫu hình về người đàn ông sau này của mình như thế nào? Đức tính gì ở họ khiến bạn ghét nhất?

Đây có lẽ là câu mà Hà được hỏi nhiều nhất. Chưa bao giờ Hà định hình về mẫu người đàn ông cho mình như thế nào. Hà cảm thấy rất mệt mỏi khi phải đi tìm một người theo ý mình. Với Hà, chỉ cần người đàn ông nào có thể làm mình yên tâm đi kế bên cạnh và hãnh diện thì điều đó là quá đủ. Hà ghét nhất là sự dối trá.

Những thành công mà Hà có được như ngày hôm nay có bao nhiêu phần trăm trời cho và bao nhiêu phần trăm nhờ lao động nghệ thuật?

Trời cho là sự may mắn nên Hà nghĩ mình có 20% (có thể ban đầu may mắn sẽ là 50% nên Hà mới có cơ hội tiếp cận công việc nghệ thuật này), còn tất cả phải do sự lao động của bản thân.

Thành công và thất bại nào khiến bạn nhớ mãi?

Đến ngày hôm nay, có thể nói là Hà rất may mắn vì chưa gặp phải thất bại nào trong công việc được xem là “để đời”. Với Hà, mỗi sự thành công mà mình có được đều khiến Hà nhớ mãi để mình không bị ngủ quên mà phải tiếp tục bước đi với những hành trình mới.

Theo Thế Giới Điện Ảnh
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)