Chuyện lạ 2012-05-30 14:07:37

Trường bắn Long Bình sau ngày khai tử


Trường bắn Long Bình sau ngày khai tử

Suốt 35 năm qua, kể từ năm 1976, Trường bắn Long Bình (Q.9, TP.HCM) là nơi cái ác bị trừng phạt, với số tử tù bị hành quyết đông nhất cả nước với hơn 500 nấm mồ hoang lạnh nằm rải rác trong khu đất trống rộng 7 ha. Những ông trùm khét tiếng như Phước “Tám ngón”, Năm Cam và các đại gia nổi tiếng một thời như Phạm Huy Phước (Tamexco), Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng (Epco)…, đã phải trả giá tại khu đất này.

[justify]Kỳ 1: Sự thật và những nỗi ám ảnh

Ngày 1.11.2011, việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc được áp dụng, trường bắn này chính thức “khai tử”. Trong tương lai không xa, khu đất “dữ” này sẽ được thay thế bằng một khu dân cư khang trang.

Nằm cạnh con đường lớn nhưng trường bắn bị chia cắt bởi một bờ dốc cao. Vì thế, dù cách trung tâm TP.HCM chỉ 20km, nhưng khu đất này vẫn là một thế giới riêng, tách biệt hẳn với sự sôi động ngoài bên ngoài. Men theo con đường đất đỏ gồ ghề rồi lội giữa ruộng cỏ hoang cao quá ngang thân người, chúng tôi đến được một khu gò san sát mộ.

Luật nhân quả

Vào đến trung tâm của trường bắn vào buổi sáng sớm, không khí đặc quánh, một cảm giác rờn rợn xâm chiếm tâm trí. Mộ tử tù tại đây rất ít ngôi “ngoi” lên được hết mặt cỏ um tùm. Thỉnh thoảng, lại kinh hãi vì vấp phải những ngôi mộ chỉ còn lại một gò đất hoặc một khối bê tông đen nhẻm. Thậm chí có những ngôi mộ bị sụp xuống thành những cái lỗ sâu hoắm.

Những ngôi mộ tử tù âm u, hoang lạnh. Ảnh: K.Giang.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một cửu vạn cạnh trường bắn đồng ý làm “hướng dẫn viên”, giải thích: “Hầu hết các ngôi mộ đều không có người thăm nom nên hoang hoang lạnh từ lâu”. Đa phần tử tù tại đây đều có gốc gác nơi khác, nên người thân thích ít có điều kiện thăm viếng. Cũng có người ở gần nhưng họa hoằn lắm mới đến.

Hồi trước ở đây còn hoang vu nên vào ra ít ai để ý nhưng bây giờ cũng đã đông đúc, thân nhân tử tội vào đây luôn phải đối mặt với cái nhìn ghẻ lạnh, có khi khinh miệt của những người xung quanh. Nhiều người phải bịt khẩu trang che mặt kín mít kể cả khi khấn nguyện.

Để chứng minh “kinh nghiệm” nhận biết những ngôi mộ không được thăm nom, anh dẫn chúng tôi đến những ngôi mộ bia đá nham nhở còn vết sơn đỏ mờ bên trên ghi đầy đủ thông tin về tử tù từ tên tuổi, quê quán, tội ác và ngày thi hành án.

Anh giải thích, bất kỳ tử tội nào cũng được lập những tấm bia như thế sau khi xử tử. Sau đó, thân nhân sẽ mang một tấm bia khác đến chỉ ghi tên tuổi, quê quán và ngày mất như những người chết bình thường đến thay thế. Những người còn nguyên bia cũ tức là không được thăm nom, nhang khói gì.

“Còn sống thì dọc ngang tội ác, chết rồi thì cô quạnh vất vưởng, âu cũng là cái nhân quả ở đời”, anh Hùng triết lý.

Không mấy ai có thể xua đi cảm giác bất an, thậm chí bủn rủn khi đi ngang những tấm bia xám ngoét rêu mốc loang lổ chữ viết: "Đỗ Phi Cường. 1979. Trú quán Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh. Tội giết cướp. Bắt ngày 21.3.2003. Thi hành án ngày 17.5.2006” hay “Nguyễn Văn Quang. 1962, trú quán Tam An, Long Thành, Đồng Nai. Tội: cướp - hiếp - giết. Tử hình ngày 28.7.2007”…

Những nỗi ám ảnh

Tư Bé, nhà gần trường bắn, cười chua chát khi chúng tôi nói về cảm giác của mình. Ông nói: “Cái trường bắn này từ lâu là đất dữ, đầy ám khí, mấy ai dám đến”.

Năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên gần trường bắn nên mọi điều về nó ông đều biết. Ông khẳng định tử tù đầu tiên là một ông già ăn trộm vịt, bị hai cha con gia chủ phát hiện nên dùng búa tạ đập đầu giết chết cả hai người.

Ông nhớ nhất vụ tử hình Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai sau ngày giải phóng có lượng “khán giả” đông nhất, vòng trong vòng ngoài có đến vài ngàn người. Người đến xem tử hình hầu hết vì tò mò, nhưng ai cũng giật bắn mình, không dám mở mắt khi nghe loạt súng chát chúa găm đạn vào người tử tội.

Việc hành hình sau này trở thành chuyện thường, ngày càng thưa người đến “dự khán”. “Đã ra đến pháp trường thì coi như đã chết trong lòng rồi, hồn vía phiêu bạt chỉ còn cái xác rỗng mà thôi”, ông Tư nói.

Những kẻ giết người không ghê tay nhưng ra đến nơi mềm như cọng bún hoặc cứng đờ như khúc gỗ, đội thi hành án phải kéo lê lên dựa cột. Nhiều kẻ còn vãi ra ướt sũng quần. Sau khi tổ năm người dùng súng AK bắn ở cự ly gần, đội trưởng thi hành án gí súng lục vào đầu tử tù bắn một phát ân huệ trước khi đội mai táng tẩm liệm đem đi chôn.

Những người hiếu kỳ xem xử bắn thường chú ý nghe tiếng còi hụ của xe bít bùng chở phạm nhân. Riêng ông Tư thì quen với đội mai táng nên biết trước lịch xử. Đội này đào sẵn huyệt vào chiều hôm trước rồi ở lại bảo vệ hiện trường.

“Làm cái nghề đó thì toàn nghiện rượu, phải uống rượu cho bớt sợ”, ông Tư tâm sự. Người thường nhìn những thi thể thủng lỗ chỗ vì đạn, máu me bê bết đã lạnh lưng sởn ốc, đằng này phải tẩm liệm, chôn cất thì hãi hùng chừng nào.

“Thằng cháu họ tôi trước làm nghề này, bây giờ bị tâm thần rồi, phần do rượu, phần do ám ảnh”, ông gằn giọng. Ông còn kể về một ông già gần trường bắn lấy cái cột trói tử tội về làm giàn bầu. Vụ đầu cây ra trái sum suê nhưng được ít lâu ông treo cổ chết luôn trên cái giàn bầu chẳng biết vì lý do gì.

Tư Bé lặp lại cái điệu cười hiu hắt như chừng đưa khách ra khỏi cái cảm giác rùng rợn sau những câu chuyện ly kỳ của mình. Đoạn ông rít một khói thuốc dài, kết luận: “Từ nay tử hình bằng thuốc độc rồi, dân tình chung quanh xem như là được giải thoát”.

Ông lý giải, nhờ vậy mà người chết được nguyên xác, không cần đến người tẩm liệm chôn cất. Cũng không còn những tiếng còi hụ từ phía xa lộ Hà Nội vọng lại xé toạc các buổi sớm mai yên tĩnh hay những tiếng súng khô khốc ám ảnh.
[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)