“Với thời gian xảy ra nhật thực toàn phần cực đại là 6 phút 39 giây vào lúc 02:35:21 giờ UT (9:35:21 giờ Hà Nội) ngày 22/7 tới, đây được coi là nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21…” - ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn của PVDân trí.
124 năm nữa mới có hiện tượng kỳ thú này
Xin ông cho biết, những nơi nào quan sát được nhật thực toàn phần?
Nhật thực toàn phần xảy ra vào ngày 22/7 sẽ được quan sát trong một dải hẹp rộng 258 km và kéo dài gần nửa vòng trái đất. Nhật thực toàn phần bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó đến các nước Nepal, Bhutan, Myanmar và Trung Quốc, rồi tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương.
Địa điểm quan sát được nhật thực toàn phần cực đại nằm ở trên Thái Bình Dương với thời gian xảy ra nhật thực toàn phần cực đại là 6 phút 39 giây vào lúc 02:35:21 giời UT (9:35:21 giờ Hà Nội). Để có dịp chiêm ngưỡng được kỳ nhật thực toàn phần dài như thế này tiếp theo, chúng ta phải đợi đến năm 2132.
Địa điểm đầu tiên trên thế giới quan sát được nhật thực toàn phần lúc 00:51:17 UT (7:51:17 giờ Hà Nội) là bờ biển phía tây Ấn Độ, và địa điểm cuối cùng được chiêm ngưỡng hiện tượng này là quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương, lúc 04:19:26 UT (11:19:26 giờ Hà Nội).
Nhật thực toàn phần xảy ra hồi 1/8/2008 (Ảnh do Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam cung cấp)
Vậy người dân Việt Nam có được chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này không?
Hầu hết lãnh thổ Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần. Địa điểm quan sát được tỷ lệ Mặt trăng lớn nhất ở nước ta là Hà Giang với tỷ lệ che khuất cực đại là 75,8% vào lúc 8 giờ 11 phút ngày 22/7. Càng về phía Nam, tỷ lệ che khuất càng nhỏ. Đà Nẵng là 46% lúc 8 giờ 15 phút 10 giây, Nha Trang là 31,4% lúc 8 giờ 17 phút 17 giây, Cần Thơ là 25,5% lúc 8 giờ 11 phút 40 giây, TPHCM là 27,4% vào lúc 8 giờ 13 phút 4 giây…
Còn ở Hà Nội, chúng ta quan sát được tỷ lệ che khuất cực đại là 67,5% lúc 8 giờ 11 phút 50 giây. Thời điểm xảy ra nhật thực một phần ở Hà Nội lúc 7 giờ 6 phút 34 giây và kết thúc lúc 9 giờ 26 phút 10 giây.
Tuyệt đối không quan sát nhật thực bằng mắt thường
Ông Nguyễn Đức Phường (Ảnh: SGTT) |
Khi quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, người dân cần phải làm gì để bảo vệ đôi mắt?
Tuyệt đối không được quan sát trực tiếp nhật thực bằng mắt thường. Và càng không được quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn khi chưa lắp bộ kính lọc chuyên dụng.
Cường độ ánh sáng mặt trời khá lớn với nhiều bức xạ tử ngoại có hại, nên chỉ cần nhìn thẳng vào Mặt trời bằng mắt thường trong giây lát cũng có thể làm tổn thương đến võng mạc, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn.
Vì vậy, muốn quan sát, cách tốt nhất là mua kính quan sát nhật thực chuyên dụng. Còn không, chúng ta có thể tận dụng kính thợ hàn để quan sát. Nếu không có kính thợ hàn, các bạn quan sát gián tiếp.
Một là dùng một tấm bìa, khoét một lỗ tròn nhỏ. Hướng tấm bía về phía Mặt trời sao cho ánh sáng mặt trời đi xuyên qua lỗ. Đặt một tờ giấy trắng phía dưới sao cho hình ảnh mặt trời hiện thành một khoanh tròn trên tờ giấy. Khi hiện tượng nhật thực diễn ra chúng ta sẽ thấy đĩa mặt trời bị che khuất dần trên tấm giấy trắng. Hai là đặt một chiếc gương dưới chậu nước pha mực. Sao cho hình ảnh Mặt trời nhìn qua gương dịu mà không chói.
Nhật thực toàn phần có nhiều ý nghĩa khoa học hơn nguyệt thực toàn phần
Có một số tin đồn cho rằng nhật thực toàn phần lần này sẽ gây nên sóng thần, động đất…?
Xin khẳng định, đây là những tin đồn không có cơ sở khoa học. Bởi vì, lực triều của Mặt trăng và Mặt trời, cho dù được cộng hưởng trong những kỳ nhật thực, cũng không đủ mạnh để gây ra sóng thần, lại càng không thể tác động đến cấu trúc địa tầng của Trái đất gây ra động đất.
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp Mặt trăng ở vị trí khá gần Trái đất (cận điểm) như kỳ nhật thực lần này, thì lực triều tổng cộng cũng chỉ tạo nên những đợt triều cường lớn hơn bình thường không đáng kể. Trong lịch sử, chưa ghi nhận được bất cứ một trận sóng thần hay động đất nào do tác động của nhật thực gây nên.
Nhật thực toàn phần có nhiều ý nghĩa khoa học hơn nguyệt thực toàn phần
Dưới góc độ khoa học, ông đánh giá thế nào về hiện tượng nhật thực toàn phần?
Nhật thực toàn phần có nhiều ý nghĩa khoa học hơn nguyệt thực toàn phần. Qua hiện tượng nhật thực toàn phần, các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu lớp khí quyển (sắc cầu) của Mặt trời mà bình thường rất khó quan sát và nghiên cứu.
Ngoài ra, đối với các nhà vật lý lý thuyết, nhật thực toàn phần, nhất là nhật thực toàn phần kéo dài hiếm có như lần này, đây là cơ hội để kiểm tra những tính chất của lý thuyết tương đối rộng của A.Einstein.
Mặt khác, một số nhà thiên văn nảy ra ý tưởng tìm kiếm những thiên thể nhỏ gần Mặt trời, bên trong quỹ đạo của sao Thủy. Đài quan sát không gian SOHO đã phát hiện ra một số sao chổi trong quá trình tiến sát Mặt trời.
Đối với hiện tượng nguyệt thực, ý nghĩa khoa học nhất là nó mang lại là nghiên cứu bầu khí quyển của Trái đất thông qua hiện tượng khúc xạ ánh sáng Mặt trời. Nhờ hiện tượng này mà mỗi lần xảy ra nguyệt thực toàn phần chúng ta nhìn thấy mặt trăng có màu nâu đỏ chứ không phải là tối hoàn toàn.