Tin tức - pháp luật 2008-12-22 15:28:53

3 triệu người có thể thất nghiệp, giảm việc trong năm 2009


Sáng nay, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Việc làm, Bộ Lao động cho biết, với việc sụt giảm GDP trong năm 2009, khoảng 0,65% lao động (3 triệu người) có thể thất nghiệp, giảm việc. Trong khi đó, đầu năm 2010 lao động mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.


Ông Nguyễn Đại Đồng: "Năm 2009 lao động chưa được hưởng bảo hiểm thất nghiệp". Ảnh: Hồng Khánh.





- Ông đánh giá thế nào về tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu tới tình hình thất nghiệp tại Việt Nam?
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, báo cáo về tình hình thất nghiệp do suy thoái kinh tế toàn cầu. Phải đến quý I/2009 chúng tôi mới có con số xác thực về số lao động thất nghiệp.
Nhưng chắc chắn kinh tế suy thoái sẽ tác động đến tình hình thất nghiệp. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), nếu GDP tăng 1% thì sẽ có 0,33-0,34% lao động có việc làm. GDP của Việt Nam giảm từ 8,5% năm 2007 xuống còn khoảng 6,5% của năm 2009 thì sẽ có khoảng 0,65% lao động bị mất việc làm (cả nước có khoảng 45 triệu lao động).
Tuy nhiên, thất nghiệp chủ yếu tác động đến khu vực chính thức, tức là khoảng 9 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Còn trên 35 triệu lao động làm việc ở khu vực nông thôn chỉ bị giảm bớt thời gian làm việc, chứ không dẫn đến mất việc làm hoàn toàn.
- Thưa ông, tại sao phải đến năm 2010, lao động mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
- Để hưởng chính sách này, phải hội đủ 3 điều kiện. Thứ nhất, lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Thứ hai, lao động đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Thứ ba là lao động chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ khi đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.
Như vậy, năm 2009 chủ yếu là tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp, chứ chưa có người nào được hưởng chính sách này. Sớm nhất phải đầu năm 2010, tức là đủ 12 tháng đóng, lao động thất nghiệp mới được hưởng.
- Vậy lao động thất nghiệp trong cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009 sẽ được hỗ trợ thế nào?
- Nghị định 127 nêu rõ thời gian lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp thì không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc, hoặc trợ cấp mất việc làm. Trường hợp bị mất việc làm trong năm 2009 khi chưa được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì vẫn thực hiện theo điều 42 của Bộ Luật lao động, tức là mỗi năm làm việc thực tế (trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp), lao động được trợ cấp nửa tháng tiền công, tiền lương. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ tính chế độ trợ cấp này bình quân tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động.





Nhiều lao động đối mặt với nguy cơ mất việc trong năm 2009. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

- Có bao nhiêu lao động nằm trong diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu chẳng may thất nghiệp?
- Hiện chưa thể thống kê. Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ít hơn so với số đóng bảo hiểm xã hội. Theo nghị định 127, lao động phải làm việc theo hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng và chủ sử dụng phải từ 10 lao động trở lên.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng việc áp dụng bảo hiểm thất nghiệp trong thời điểm 1/2009 là không hợp lý bởi năm 2009, doanh nghiệp phải tăng nhiều chi phí cho lao động (tăng lương tối thiểu vùng) trong khi đang gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu?
- Tôi khẳng định nghị định 127 ban hành không vội vàng. Các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã được thể hiện rõ trong Luật bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2007. Nghị định này không mở thêm vấn đề gì, chỉ quy định chi tiết những chính sách đã có trong luật. Mặt khác, dự thảo nghị định về bảo hiểm thất nghiệp đã được lấy ý kiến của doanh nghiệp và lao động. Doanh nghiệp đã có hơn một năm để chuẩn bị.
Một số doanh nghiệp đề nghị hoãn nâng lương tối thiểu vùng
Ông Phùng Quang Huy, Trưởng phòng giới chủ, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp cùng thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2009 gây tâm lý không phấn khởi cho doanh nghiệp. Đã có một số doanh nghiệp đề nghị hoãn áp dụng lương tối thiểu vùng khoảng 6 tháng".
Tuy nhiên, theo ông Huy, xét về lâu dài thì việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp sẽ đảm bảo quan hệ hài hòa giữa lao động và chủ sử dụng. Mặt khác, so với chế độ trợ cấp mất việc hiện nay thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn có lợi cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ trợ cấp mất việc. Còn theo nghị định 127, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ, lao động phải đóng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1%.
Riêng về việc có hay không lùi thời gian thực hiện lương tối thiểu vùng, ông Huy nói: "Vài ngày tới, Chủ tịch Ủy ban quan hệ lao động, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thông báo về vấn đề này".
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)