TS Quách Tuấn Ngọc cho biết sẽ đề xuất thêm các chữ F, J, W, Z vào tiếng Việt và quy định “cứng” những trường hợp nào dùng “i” hay “y” nhưng không thay đổi chương trình học.
Bảng chữ cái tiếng Việt hiện nay
Chiều 9/8, TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết, Cục này đang soạn dự thảo Thông tư quy định hướng sử dụng tiếng Việt trong máy tính và hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong dự thảo, dự kiến sẽ thêm 4 chữ cái là F, J, W, Z vào tiếng Việt và quy định “cứng” những trường hợp nào dùng “i” hay “y”.
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, việc thêm các chữ trên để thuận lợi về mặt kỹ thuật trong sắp xếp trật tự, chuẩn hóa tiếng Việt trên máy tính, đánh dấu tiếng Việt (ví dụ dấu “huyền” đặt ở đâu trong chữ “hòa”), thống nhất dùng “i” hay “y”… Mặt khác, những chữ cái đề xuất ở trên, tuy đã được dùng trong văn bản và máy tính, nhưng chưa được chính thức thừa nhận.
Những chữ cái được đề xuất thêm vào tiếng Việt.
Hiện nay, chưa có quy định về vấn đề này nên TS Ngọc cho biết, chúng ta vẫn đang “loạn” cách dùng, ví dụ như tên “Quý” hay “Quí” đã khiến nhiều người bị giữ lại ở sân bay vì nhầm lẫn.
Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 chữ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra lấy ý kiến của công chúng, sau đó trình Bộ Tư pháp kiểm tra…mới chính thức ban hành.
“Nhưng Thông tư này không làm thay đổi cách dạy, cách học tiếng Việt” – TS Ngọc khẳng định. Vì những cái đề xuất thêm vào không ảnh hưởng đến việc phát âm tiếng Việt.
“Nếu Thông tư này ra đời thì phầm mềm Vietkey gõ tiếng Việt sẽ có chế độ mặc định chứ không phải hỏi người dùng lựa chọn “òa” hay “oà” nữa” – TS Ngọc phân tích thêm.
Trong khi đó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tô Văn Động cho biết, chúng ta mới có quy định về Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy, chứ chưa có quy định chi tiết về Quốc ngữ.