Người dân kỳ vọng dịch vụ rút tiền ATM sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới (ảnh: Việt Hưng).
Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), kể từ hôm nay 1/3, ngân hàng này chính thức tiến hành thu phí rút tiền ATM nội mạng 1.100 đồng/lần giao dịch (đã tính 10% thuế VAT). Với dịch vụ vấn tin tài khoản/in sao kê tài khoản/in chứng từ vấn tin tài khoản, ngân hàng này chưa thu phí.
Ngược lại, các loại phí vấn tin tài khoản/in sao kê tài khoản/in chứng từ vấn tin tài khoản được ngân hàng này giảm từ 1.500 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch.
Vietcombank hiện là ngân hàng có thị phần thẻ lớn nhất cả nước, với hơn 1.600 máy ATM trên toàn quốc. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên thông báo sẽ thu phí giao dịch ATM nội mạng kể từ hôm nay. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, dù áp dụng thu phí rút tiền ATM nội mạng 1.000 đồng/giao dịch, ngân hàng vẫn lỗ 6.000 đồng/mỗi lần giao dịch.
Ngân hàng thứ 2 công bố thu phí ATM nội mạng, sau Vietcombank là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Thông tin cập nhật trên trang web của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, cũng kể từ ngày 1/3, tại ATM của chính SeABank, khách hàng rút tiền sẽ bị trừ phí 550 đồng/giao dịch (đã bao gồm thuế VAT 10%), in sao kê bị mất phí 330 đồng/giao dịch và chuyển khoản nội mạng bị tính phí 3.300/giao dịch. Khách hàng truy vấn số dư và đổi mật khẩu không bị tính phí.
Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AgriBank), kể từ ngày 15/3 tới, ngân hàng này dự kiến thu phí rút tiền nội mạng nhưng mức thu thấp hơn quy định tối đa, tức 1.000 đồng cho một giao dịch (đã bao gồm thuế VAT)…
Như vậy, kể từ hôm nay 1/3, Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về chi phí dịch vụ đối với thẻ ghi nợ nội địa và Thông tư 36/2012/TT-NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động sẽ có hiệu lực thi hành.
Đáng chú ý là, Thông tư 35 cho phép các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng (giao dịch trên máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ). Mức phí áp dụng trong năm 2013 là từ 0 - 1.000 đồng/giao dịch, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi. Dựa trên khung phí này, các NHTM sẽ xây dựng mức phí rút tiền mặt nội mạng trên ATM phù hợp với đặc thù của ngân hàng mình nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa.
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 47 ngân hàng xây dựng biểu phí ATM, trong đó có tới 35 ngân hàng tiếp tục miễn phí giao dịch nội mạng cho khách hàng từ 1/3. Trong số ngân hàng đăng ký thu phí có 2 đơn vị quy định mức phí dưới mức cho phép của NHNN là chỉ từ 100 - 200 đồng/giao dịch; có 10 đơn vị quy định mức phí 1.000 đồng/giao dịch.
Một số ngân hàng vừa thông báo sẽ miễn phí giao dịch ATM nội mạng có thể kể đến như: TienphongBank, VIB, ABBank, DongA Bank, BaoVietBank, SCB, SHB…
Đại diện TienphongBank cho hay: “Việc thu phí nội mạng không có bất kỳ khó khăn gì với ngân hàng, nhưng TienPhong Bank vẫn tiếp tục miễn phí giao dịch ATM nội và liên mạng với mục tiêu khuyến khích, mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng thẻ. Từ đó, ngân hàng cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên chính tài khoản của khách hàng như thanh toán hóa đơn, nạp tiền, chuyển khoản, mua hàng trực tuyến, mua vé máy bay…”. Hiện phí phát hành thẻ ATM của TienPhong Bank là 50.000 đồng/thẻ chuẩn, 100.000 đồng/thẻ VIP, phí thường niên được quy định ở mức 50.000 đồng/thẻ.
Thông tin mới nhất của Ngân hàng TMCP Đầu tư Việt Nam (BIDV) vừa cho biết, ngân hàng này miễn phí rút tiền ATM nội mạng cho khách hàng kể từ ngày 1/3 đến 30/4/2013.
Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, ở Trung Quốc mức phí khoảng 0,3 USD/giao dịch, Malaysia khoảng 0,33USD/giao dịch. Vì vậy, mức phí giao dịch ATM nội mạng ở Việt Nam là ở mức trung bình, chủ yếu nhằm mục đích tạo thói quen và bù đắp một phần chi phí.
Nguyễn Hiền - DânTrí