Pirlo đang có một kì EURO thăng hoa
1. Quá khứ gọi tên
Vòng bảng World Cup 1962: Đức hòa Italia 0-0. Bán kết World Cup 1970: Mannschaft thua 3-4 sau 120 phút. Vòng bảng thứ 2 của World Cup 1978: thêm một trận hòa 0-0. Chung kết World Cup 1982: Azzurri thắng 3-1. Vòng bảng EURO 1988: Đức vẫn bị Italia cầm chân 1-1. Vòng bảng EURO 1996: lại một trận hòa 0-0. Bán kết World Cup 2006: Mannschaft thua 0-2 vì 2 bàn thắng trong hiệp phụ. Tổng cộng: Italia đã 7 lần chạm trán Đức ở các giải lớn và không thua (thắng 3, hòa 4).
2. Pirlo là sự khác biệt
Trong cả kỳ EURO này, Andrea Pirlo chính là sự khác biệt giữa ĐT Italia và phần còn lại. Tiền vệ của Juventus thuộc mẫu “số 10” cổ điển, tưởng như đã tuyệt chủng trong bóng đá hiện đại. Đó không chỉ là cú sút luân lưu tạo ra bước ngoặt ở trận tứ kết với Anh, mà đẳng cấp của Pirlo đã thực sự vượt lên trên phần còn lại, kể cả so với Oezil. Đó là chưa kể, Pirlo còn ăn đứt tất cả về mặt kinh nghiệm.
3. Sự linh hoạt về chiến thuật
Xét về độ linh hoạt, không ai bằng Italia. Trước nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha, họ áp dụng sơ đồ 3-5-2 và thành công khi phong tỏa được hầu hết các mũi tấn công của La Roja. Gặp Anh ở tứ kết, Azzurri trở lại với sơ đồ 4-4-2 truyền thống và kết quả thu được cũng đầy mỹ mãn, khi các học trò của Prandelli tạo ra hàng loạt cơ hội mà nếu Balotelli không bỏ lỡ, họ đã không phải bước vào loạt luân lưu xanh chín.
4. Đặc sản phòng ngự
Barzagli, Chiellini lần lượt dính chấn thương và ở hai cánh, HLV Prandelli cũng đã dùng hết các lựa chọn là Maggio, Abate (phải) cùng Giacherini, Balzaretti (trái). Thế nhưng hàng thủ Italia vẫn ít nhiều duy trì được sự vững chắc. Trong khi đó, người Đức chỉ dám điều chỉnh ở tuyến đầu, trong khi vẫn giữ nguyên bộ tứ vệ trước khung thành Neuer.