Khoa học - Lịch sử 2015-11-12 04:14:48

5 khoảnh khắc "kinh hoàng" nhất lịch sử ngành hàng không vũ trụ !


Những tai nạn hàng không vũ trụ đáng sợ nhất lịch sử

Đó là những vụ tai nạn hú vía, được những các nhà du hành vũ trụ đánh giá là "kinh hoàng" nhất trong sự nghiệp của họ.

1. Mất kiểm soát ngoài không gian

Vào ngày 16/03/1966, Neil Armstrong thực hiện chuyến đi đầu tiên vào vũ trụ bằng tàu Gemini 8 – tàu có người lái thứ 6 trong Nhiệm vụ Gemini. Nhiệm vụ lần đó là kết nối tàu Gemni 8 với Agena – thiết bị không người lái trong vũ trụ.


Neil Armstrong và cộng sự, David Scott.

Vài tiếng sau khi rời khỏi bệ phóng, quá trình kết nối của tàu đã thành công. Tuy vậy, nửa tiếng sau đó, cả hai phương tiện đều bắt đầu quay vòng một cách bất thường và không thể kiểm soát.

Armstrong buộc lòng ngắt kết nối giữa Gemini 8 với Agena, nhưng tàu quay càng ngày càng nhanh hơn.


Hạ cánh an toàn trên biển Thái Bình Dương.

Cuối cùng ông đã phải ổn định lại Gemini 8 bằng cách sử dụng động cơ phản lực ion – động cơ duy nhất được dùng để quay trở về Trái đất. Sau khi sử dụng động cơ này, nhiệm vụ Gemini 8 buộc phải hủy bỏ sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch.

Chưa đầy 11 tiếng sau khi bắt đầu nhiệm vụ, Armstrong và cộng sự đã đáp xuống biển Thái Bình Dương an toàn. Lịch sử ngành khoa học không gian đã ghi nhận đây là một tình huống "hú vía", vì nếu thảm họa xảy ra, chúng ta đã mất đi Neil Armstrong - người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng 2 năm sau đó.

2. 7 phút nín thở của robot tự hành Curiosity

Trước Curiosity, những robot tự hành thường hạ cánh xuống bằng cách cho rơi cùng những túi khí phồng cho tới khi ổn định trên bề mặt sao Hỏa.

Tuy nhiên, Curiosity quá to và nặng để sử dụng cách này nên NASA đã thiết kế riêng một thiết bị dành cho robot tự hành này - một thiết bị gồm 4 động cơ phản lực sẽ từ từ hạ Curiosity xuống từ độ cao 20m.


Hình ảnh mô phỏng quá trình hạ cánh của Curiosity.

Ngày 05 tháng 8 năm 2012, Curiosity thâm nhập vào khí quyển sao Hỏa. Thời gian dự kiến kể từ lúc Curiosity tiếp cận bầu khí quyển sao Hỏa cho tới lúc hạ cánh là 7 phút.

Tuy nhiên phải mất tổng cộng là 14 phút để tàu vũ trụ truyền tin từ sao Hỏa tới Trái đất, nên các khoa học gia buộc phải để hệ thống tự hoạt động trong khoảng thời gian này. Khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng "dài tựa thiên thu"này đã được NASA mệnh danh là “7 phút hoảng loạn của Curiosity”.


May mắn thay, hệ thống đã vận hành ổn định và Curiosity đã an toàn. Và cũng nhờ vậy mà hiện nay chúng ta có thể biết được Hỏa tinh đã từng có nhiều hồ nước và có thể đã từng tồn tại sự sống.

3. Nhiệm vụ Apollo 13

Apollo 13 lẽ ra đã là cuộc hạ cánh thứ 3 của loài người trên Mặt trăng. Tàu được phóng vào ngày 11/4/1970 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Mỹ).

Nhưng sau hơn 2 ngày từ khi rời bệ phóng và ở cách Trái đất 320.000km, một bình oxy phát nổ đã làm tê liệt trầm trọng Apollo 13. Đây là một tình huống vô cùng bất ngờ, khiến phi hành đoàn gồm 3 người có nguy cơ bỏ mạng ngoài vũ trụ.


Phi hành đoàn Apollo 13. James A. Lowell, John L. Swigert và Fred W. Haise (từ trái sang phải).

Mất một lượng lớn oxy, nguồn năng lượng cạn kiệt, nhóm phi hành gia phải trú trong module Trăng - bộ phận được sử dụng để hạ cánh (mỗi tàu vũ trụ được cấu tạo bởi nhiều module khác nhau). Họ phân phối nước uống và thực phẩm một cách tiết kiệm, đợi chờ cơ hội quay về Trái đất trong tuyệt vọng.

Sau cùng, nhờ sự nỗ lực giải cứu của NASA, phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn trên Thái Bình Dương vào ngày 17/4.

4. Suýt chết đuối ngoài vũ trụ

Vào ngày 16 tháng 7 năm 2013, phi hành gia người Ý, Luca Parmitano đã thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian tại Trạm không gian quốc tế (ISS). Đó chỉ là một cuộc đi bộ ngoài không gian bình thường nếu như sự cố bất ngờ không xảy đến.

Sau hơn một giờ đồng hồ, Parmitano phát hiện nước đang dâng lên trong mũ bảo hiểm của mình. Parmitano kể lại: “Khi di chuyển, tôi càng lúc càng biết nhận ra nước đang dâng lên. Tôi cảm thấy nước thấm vào miếng xốp trong tai nghe và tôi tự hỏi lúc nào thì mình sẽ mất liên lạc”.


Phi hành gia người Ý - Luca Parmitano ngoài không gian.

Gần như không nhìn thấy gì vì nước, phi hành gia chỉ còn biết lần theo sợi dây cáp an toàn để quay trở về khoang. May mắn thay, anh đã "về đích kịp thời" trước khi… chết đuối trong chính bộ quần áo phi hành của mình.


Hãy thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu bạn bị kẹt trong chiếc mũ đầy nước này…

Các chuyên gia NASA cho rằng có khả năng nước từ hệ thống làm lạnh đã chảy vào mũ của Parmitano, thông qua một đường rãnh thông hơi ở cổ.

5. Trạm vũ trụ Mir suýt bị bỏ hoang

Trạm vũ trụ Mir hay còn có tên khác là trạm vũ trụ Hòa Bình do Nga chế tạo. Đây là một trong những trạm không gian gặp nhiều tai nạn nhất trong lịch sử hàng không vũ trụ, trong đó vụ tai nạn xảy ra vào năm 1997 thực sự là cơn ác mộng.


Trạm vũ trụ Mir với những tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 1997, trong quá trình ngắt và tái kết nối, một tàu vũ trụ đã đâm vào tấm pin năng lượng Mặt trời của trạm.

Vụ tai nạn đã làm cho Mir mất cân bằng, quay một cách mất kiểm soát và không thể lưu trữ được năng lượng. Điều này có nghĩa rằng khi pin dự trữ cạn kiệt năng lượng, toàn bộ phi hành đoàn phải sống không có năng lượng mỗi khi trạm ở trong vùng tối của Trái đất - một khoảng tối hoàn toàn.

Sau nhiều nỗ lực, các chuyên gia đã khắc phục và đưa Mir lại quỹ đạo và hoạt động bình thường. Tuy nhiên, Mir cũng chỉ "sống sót" thêm 4 năm nữa trước khi được đưa về Trái đất. Trạm bị phá hủy khi va chạm với bầu khí quyển vào năm 2001, còn các mảnh vụn rơi xuống Thái Bình Dương.

Theo Trí Thức Trẻ.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)