Theo thuyết tiến hóa con người là động vật tiến hóa cao nhất, nhưng không hẳn cấu tạo đã hoàn hảo đâu nhé. Đôi khi thượng đế cũng mắc một số “lỗi” đấy!
1. Răng khôn
Răng khôn (răng số tám hay răng hàm lớn thứ ba) là răng mọc cuối cùng, thông thường ở độ tuổi từ 17 đến 25. Hầu hết chúng ta khi gặp phải vấn đề về răng khôn đều không biết răng khôn dùng để làm gì nhưng làm cho chúng ta cảm thấy rất đau. Lý do thật đơn giản vì hàm răng của chúng ta không đủ chỗ cho chúng. Phần lớn hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới.
Nhưng thực tế là ta có tới 32 răng vì thêm 4 răng khôn, 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới và mọc sau cùng. Phiền toái xảy ra khi chúng không đủ chỗ để mọc theo hướng bình thường mà tự tìm đường khác, ví dụ như mọc ngược về phía xương hàm hoặc đâm thẳng về phía răng hàm lớn thứ hai ở bên cạnh. Chúng có thể mọc bình thường, nhú lên khỏi lợi được một phần thì bị tắc và ngừng lại vĩnh viễn.
Răng khôn chỉ có tác dụng trong thời cổ đại khi nó giúp tổ tiên chúng ta nhai tất cả các thức ăn sống chưa qua chế biến. Nhưng hiện nay, tác dụng chính của nó không còn nữa, không những thế nó còn gây ra những cơn đau cho con người.
2. Ruột thừa
Mặc dù theo nghiên cứu mới đây ruột thừa cũng có một số tác dụng như tăng khả năng đối phó với các chứng bệnh liên quan đến đường ruột như bệnh tả, bệnh lỵ (do khi chúng ta bị tiêu chảy ruột thừa sẽ cung cấp các vi khuẩn giúp khôi phục lại chức năng của đường ruột).
Tuy nhiên, đó chỉ là một tác dụng nhỏ của ruột thừa mà tới nay người ta mới phát hiện được còn trên thực tế hiện nay ngay cả khi đã tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rõ ràng chức năng chính của ruột thừa là gì. Còn điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là tác hại mà nó gây ra với cơ thể khi bị viêm nhiễm là rất nghiêm trọng, nếu không phẫu thuật kịp thời ruột thừa có thể vỡ, gây bệnh và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Khoảng 5-10% người trên thế giới đã từng bị viêm ruột thừa cấp tính trong đời. Trong trường hợp này, ruột thừa sẽ được phẫu thuật loại bỏ. Một điều thú vị khác là hầu hết các động vật có vú dường như có cấu trúc ruột thừa tương tự như con người, nhưng nó lại được sử dụng cho các loại tiêu hóa. Điều này có thể cho thấy rằng ruột thừa được thừa hưởng từ tổ tiên xa xôi của chúng ta
Ngoài ra theo nghiên cứu mới đây cho biết loại bỏ ruột thừa có thể làm giảm nguy cơ bị viêm loét đại tràng. Và một thực tế là không có tác dụng phụ gây ra khi phẫu thuật cắt ruột thừa.
3. Điểm mù trên võng mạc
Đôi mắt của chúng ta không phải là tốt nhất trong giới động vật nhưng “thiết kế” đặc biệt làm cho đôi mắt của chúng ta trở nên dễ quan sát hơn. Tuy nhiên vẫn có một lỗi nhỏ của đôi mắt mà chúng ta gặp phải
Võng mạc là nơi ánh sáng tác động lên nhiều đầu dây thần kinh hình nón và hình gậy. Những dây thần kinh tụ lại một điểm ra phía sau cầu mắt theo dây thần kinh thị giác và não. Vì điểm này của võng mạc không có dây thần kinh đón nhận ánh sáng nên gọi là điểm mù và do đó thường sinh ra ảo giác. Liên kết giữa võng mạc và dây thần kinh thị giác rất mỏng manh, khiến cho võng mạc dễ bị bong ra.
4. “Dùng chung” ống dẫn khí và ống dẫn thức ăn
Một vấn đề nữa trong "thiết kế" cơ thể con người là không khí và thức ăn cùng chia sẻ một ống dẫn. Và đó cũng là lý do tại sao chúng ta có thể bị nghẹt thở khi ăn.
Các nhà khoa học cho rằng, có thể có một “thiết kế” hoàn hảo hơn, nếu như không khí và thức ăn được đi qua 2 ống tách biệt. Một van nhỏ, hay nắp được gọi là nắp thanh quản, giúp đóng khí quản khi nuốt thực phẩm. Nhưng van này không giải quyết được triệt để các rắc rối, đặc biệt là ở trẻ em. Do nắp thanh quản có thể trở thành “thủ phạm” gây ra các viêm nhiễm. Mặc dù dễ điều trị nhưng nó có thể gây nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời.
5. Tĩnh mạch gần hậu môn
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tĩnh mạch gần hậu môn không có tác dụng nhiều mà nó còn chứa nguy cơ tiềm ẩn của bệnh trĩ.
Trĩ đề cập đến tình trạng tĩnh mạch trong và xung quanh hậu môn bị viêm. Nó có thể gây ngứa và đau đớn, thường có dấu hiệu nghi ngờ khi đi ngoài ra máu. Nguyên nhân có thể bao gồm yếu tố di truyền, áp lực gia tăng trong trực tràng trong khi mang thai và táo bón kéo dài.