Lẩu cá kèo Nước của món lẩu này có vị chua chua ngọt ngọt. Những con cá kèo chắc nịch và tươi sẽ được trụng trực tiếp khi nước sôi. Rau ăn kèm lẩu là những loại phổ biến như rau muống, bắp chuối, giá, nhiều nơi còn ăn thêm rau đắng, rau nhút. Tại Sài Gòn, thực khách ưa thích món này có thể tìm đến quán ăn nổi tiếng trên đường Bà Huyện Thanh Quan hoặc Sư Thiện Chiếu (quận 3). Bên cạnh lẩu, bạn có thể gọi thêm các món như cá kèo nướng hay chiên chấm mắm me, tôm hoặc sò huyết nước, gỏi… Giá bình quân 100.000 - 220.000 đồng. |
Lẩu vịt om sấu Món lẩu này tuy không mấy phổ biến ở Sài Gòn nhưng nếu muốn ăn, bạn vẫn có thể tìm thấy tại quán ăn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) hay Mạc Đĩnh Chi (quận 1). Món ăn là sự kết hợp giữa thịt vịt và sấu, ngoài ra còn có khoai môn, rau muống và mì chũ. Vịt được nấu là những con vịt cỏ, mập thịt và già để cho vị ngọt, thịt dai và không bị hôi. Lẩu vịt om sấu ngon là độ mềm của miếng thịt, vị đậm đà. Giá một nồi lẩu nhỏ vừa 2 - 4 người ăn khoảng 180.000 đồng. Ảnh: Huấn Phan. |
Lẩu mắm Trong các món lẩu miền Tây được người Sài thành ưa thích, lẩu mắm nổi tiếng nhất vì được nấu bằng mắm linh, mắm sặt,… nên nước có vị lạ miệng. Nguyên liệu thường ăn kèm có thịt heo quay, cá lóc, tôm, mực… Nhiều nơi còn cho thêm chả chiên hoặc lươn, đậu hũ để tăng hương vị. Các địa chỉ quen thuộc của người thành phố nằm trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Sư Vạn Hạnh (quận 3), đường số 79 (quận 7), Cao Thắng (quận 3). Giá trung bình cho một nồi lẩu dao động từ 150.000 đồng. Ảnh: Nghĩa Nguyễn. |
Lẩu vịt nấu chao Bên cạnh món lẩu mắm, lẩu vịt nấu chao cũng có xuất xứ từ miền Tây và được nhiều khách ưa chuộng. Như tên gọi, vịt hay nước lèo đều được ướp và nấu bằng chao nên mùi vị rất khác. Người ta thường dùng vịt xiêm hay vịt cỏ để nấu. Những con này có thịt chắc, vị ngọt. Nguyên liệu đi kèm có khoai môn, đậu hũ và các loại rau. Bạn có thể tham khảo địa chỉ chuyên các món vịt trên đường số 7 (phường An Phú, quận 2) hoặc đường Bạch Đằng (quận Tân Bình). Một nồi lẩu có giá khoảng 250.000 đồng. |
Lẩu lươn Tùy mỗi quán mà đầu bếp sẽ dùng me xanh hoặc trái giác để tạo vị chua cho lẩu lươn mà không dùng lá giang. Rau ăn kèm không thể thiếu bắp chuối bào. Lươn và bắp chuối phải tươi thì món ăn mới đủ sức gây ấn tượng. Ngoài ra còn có rau nhút, kèo nèo, rau muống, giá, bạc hà, đậu bắp. Quán ăn trên đường Gò Ô Môi (quận 7) là nơi nổi tiếng với món lẩu này. Ngoài ra, khách cũng có thể tìm đến quán trên đường Dương Tử Giang (quận 5) hay Tùng Thiện Vương (quận 8). Ảnh: Bepcuavo. |
Di Vỹ