Mười chín người ở thôn 5, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đang chờ đợi tại BV Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: H.Cát |
Ngày 9/1, TS. BS. Trần Tịnh Hiền – Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, cho biết lần đầu tiên, trong một ngày, BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM tiếp nhận hàng chục người bị chó dại cắn trong cùng một thôn..
Cách đây 5 ngày, anh Trần Đức Thảo (sinh năm 1969) lên cơn dại. Người nhà (vợ và 5 con) cùng một số người hàng xóm ôm anh và bị người bệnh cào cấu, phun nước bọt vào mắt. Anh chết ngay sau đó.
“Chó mẹ trong lúc có bầu, đã mắc bệnh dại, sau đó đẻ ra 4 chó con. Chó mẹ đã cắn 1 - 2 người, nhưng không ai biết vì chó mẹ đã bị xe tải cắn chết trước khi phát bệnh dại. Người dân hoàn toàn không hiểu biết. Họ chỉ nghĩ đơn thuần bị chó nhà cắn và giữ im lặng. Do vậy, chính quyền địa phương không biết để có biện pháp ngăn ngừa" - anh Nguyễn Văn Hoàng, một chức sắc của Nhà thờ Hội thánh Tin lành Việt Nam, miền Nam, chi hội sông Dinh kể.
Trước đó 3 tháng, một người dân trong thôn cũng đã tử vong khi chuyển đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, các bác sĩ xác định anh này chết vì bệnh dại, nhưng người nhà không loan báo. Cách đây 5 ngày, sau khi anh Thảo chết, hai người dân ở thôn 5 tử vong có cùng triệu chứng và những con chó con lần lượt chết vì bệnh dại.
Những người bị chó cắn đều là người dân ở thôn 5, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây chủ yếu là những người làm rẫy, làm rừng, chạy gạo từng bữa. Như gia đình anh Thảo không có nhà ở, khi anh chết, đám tang được tổ chức tại nhà của mẹ anh - một ngôi nhà tình thương.
Trong số những người bị chó cắn, nhà thờ địa phương đã kêu gọi lòng hảo tâm của các giáo dân và tín hữu trong TP.HCM để đưa 19 người dân đi lên BV Bệnh Nhiệt đới. Đứa trẻ nhỏ nhất bị nhiễm do nước bọt văng vào mắt mới 10 tháng tuổi, là con của anh Trần Đức Thảo. Nhiều đứa trẻ khác mới sinh năm 2003. Người già nhất bị chó cắn khoảng 70 tuổi.
BS. Mai Xuân Thông, Trưởng khoa Khám bệnh BV Bệnh Nhiệt đới, hy vọng còn nước còn tát. Ảnh: H.Cát |
Còn nước còn tát
Virus dại trong mỗi cơ thể có những đáp ứng khác nhau, thời gian ủ bệnh và phát dại thông thường từ 14 ngày đến 1 tháng, nhưng cũng có những trường hợp kéo dài đến 1 - 2 năm. Theo nguyên tắc, người bị chó cắn phải được chích ngừa dại càng sớm càng tốt.
BS. Mai Xuân Thông, Trưởng khoa Khám BV Nhiệt đới ái ngại, đây là tình huống rất phức tạp, lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận quá nhiều người dân trong cùng một thôn bị chó dại cắn, thời gian chích ngừa quá trễ.
Tất cả trường hợp nhập viện đều đã nhiễm bệnh dại, trong đó, nhiều người lây nhiễm khi bị đối tượng lên cơn dại cào cấu, phun nước bọt vào mắt, còn đa phần là do chó dại cắn.
BS. Thông nhận định: “Những người dân của thôn này sau 4 tháng bị chó dại cắn thì gần đây mới có anh Thảo lên cơn dại mà chết. Do vậy, đối với những bệnh nhân chưa phát cơn dại thì còn nước còn tát. Bệnh viện sẽ chích cùng một lúc huyết thanh và vắc-xin. Huyết thanh sẽ đưa kháng thể vào cơ thể ngay lập tức và vắc-xin sẽ còn thời gian làm nhiệm vụ tạo kháng nguyên của mình”.
Được biết, các bệnh nhân ở Bình Thuận sẽ được chích cùng một lúc huyết thanh Favirab (40ĐV/cân nặng, một lọ thuốc 1000ĐV/ 385.000đồng), và vắc-xin Verorab (1 lọ có giá 135.000 đồng, 1 bệnh nhân cần tiêm 5 lọ).
Theo VietnamNet