Con người vốn được coi là loài động vật cao cấp nhất trong tất tần tật các loài động vật. Thế nhưng, lại có rất nhiều khả năng đặc biệt mà chúng ta cũng phải thua xa “chi dưới” của mình.
Cùng theo bước chân của khoa học làm một cuộc hành trình vào thế giới động vật, quan sát cuộc sống phong phú và những khả năng kỳ lạ mà không phải ai cũng biết.
1. Sên ninja
Nếu mỗi chú ốc sên đều có một “căn nhà riêng” để ẩn nấp thì sên ninja lại là một ngoại lệ. Được phát hiện trong khu rừng ở Sanbah (Malaysia), loài sên này sở hữu chiếc đuôi dài gấp ba lần chiều dài cơ thể và hoàn toàn không có vỏ ốc.
Sên ninja còn có một khả năng vô cùng thú vị là bắn “mũi tên tình yêu” chứa canxi cacbonat về phía bạn tình với hormone kích thích - giống như cách phóng vũ khí của ninja vậy. Ngoài ra, mũi tên này còn có thể làm gia tăng tỉ lệ sinh sản thành công.
2. Mồ hôi "máu" - kem chống nắng kỳ diệu của hà mã
Hà mã tuy là động vật trên cạn, nhưng dành phần lớn thời gian ngâm mình dưới nước, chỉ thỉnh thoảng mới lên cạn tìm thức ăn mà thôi.
Có một điều kỳ lạ là đôi khi, trên lớp da nhẵn bóng của hà mã xuất hiện “máu” đỏ, thậm chí có lúc toàn thân trở nên đỏ thẫm.
Thực tế, chất màu đỏ này không phải là máu, để hiểu rõ điều này hơn, nhóm các nhà nghiên cứu đã lấy những mẫu trên da hà mã và phân tích yếu tố đã tạo nên chất quá đặc biệt này.
Họ đã tìm thấy chất này được tạo thành từ hai sắc tố, sắc tố màu đỏ (hipposudoric acid) và sắc tố màu cam (norhipposudoric acid), hai chất này được sản xuất ra từ việc trao đổi amino acids.
Khi hà mã ngâm trong nước, việc thiếu tuyến mồ hôi không gây ảnh hưởng gì với nó. Nhưng khi lên cạn, lớp da thiếu nước bị khô đi, và có nguy cơ nứt ra. Lúc này hà mã phải sử đụng đến biện pháp tự tiết “máu” để làm ướt cơ thể.
Sản xuất ra chất bảo vệ da tự nhiên này không chỉ bảo vệ cho da của hà mã khỏi ánh nắng Mặt trời mà nó còn điều chỉnh nhiệt độ và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, đặc biệt sắc tố màu đỏ là loại thuốc kháng sinh rất tốt.
3. Rắn bay
Đối với các loài bò sát khác, nhảy từ độ cao hàng chục mét chẳng khác nào hành động tự sát, bởi ít nhất chúng cũng bị gãy xương.
Tuy nhiên, Chrysopelea paradisi, tên một họ rắn sống trên cây từ Đông Nam Á tới Nam Á, lại là ngoại lệ. Chúng có thể bay từ cây này sang cây khác với khoảng cách tối thiểu 24m.
Chúng có khả năng phóng thân cực nhanh qua những tán lá rậm hoặc cành cây để bắt mồi. Khi bay, thân rắn ép xuống hết cỡ khiến tiết diện theo bề ngang có thể tăng gấp đôi lúc bình thường.
Nhờ đó mà chúng có thể tận dụng áp suất không khí và những luồng gió để bay những quãng ngắn chỉ trong khoảng 8 - 10 giây.
4. Kiến tự sát
Có một loài kiến kỳ lạ có khả năng tự làm nổ chính mình đã được tìm thấy tại Malaysia và Brunei.
Những con kiến này sở hữu của một tuyến hàm dưới mở rộng có chứa một loại "keo độc hại” chạy dọc theo chiều dài của cơ thể của chúng.
Loại keo này có thể tác hợp với một số tuyến trong cơ thể và phát nổ ngay lập tức, phun ra các chất tiết dính từ phía trước đầu của nó, làm dính chặt tay chân và làm vô hiệu hóa kẻ thù đối diện.
5. Tôm súng lục
Cạnh tranh với những con cá voi khổng lồ cho danh hiệu “kẻ ồn ào nhất đại dương”, tôm súng lục có cái tên như vậy bởi chúng săn mồi bằng cách dùng càng tạo ra một phát đạn bong bóng có thể giết chết con mồi.
Bằng cách kẹp càng lại, chúng tạo ra một bóng khí nổ với áp lực lên đến 80 kPa ở khoảng cách 4cm từ càng. Khi rời khỏi càng, chúng lao đi với tốc độ 97km/h và tạo ra tiếng nổ lên đến 218 dexibel, áp lực này đủ giết chết những con cá nhỏ.
Tôm súng lục có tới hơn 600 loài, thường sống ở các dải san hô. Chúng là những kẻ ồn ào nhất đại dương do không chỉ dùng “súng lục” để săn mồi, mà còn để “trò chuyện”.
6. Bọ cánh cứng pháo thủ
Để đạt tốc độ phóng hơn 500 xung mỗi giây, các "pháo thủ" bọ cánh cứng đã nhào trộn cực nhanh hai loại hóa chất đặc biệt trong một “buồng đốt” hình trái tim ở ngay trong cơ thể.
Phản ứng mãnh liệt giữa hai thành phần này đã đun sôi và đẩy dịch lỏng ra khỏi “nòng súng” - là một lỗ nằm ở bụng của nó.
Khi bị đe dọa, chúng đồng thời tiết ra hai hóa chất thông qua các ống riêng biệt để tạo thành một loại hỗn hợp cùng sự góp mặt của các enzyme xúc tác.
Nhiệt độ của chất hỗn hợp này khi nhằm trúng mục tiêu có thể gây tử vong cho côn trùng và sinh vật nhỏ.
7. Bạch tuộc bắt chước
Loài bạch tuộc Longarm kỳ lạ sống ở vùng biển Caribe thuộc Đại Tây Dương có thể sao chép diện mạo và hành vi của ít nhất 15 loài khác nhau, cá mao tiên, cá bẹt, sứa, cá đuối gai độc, tôm bọ ngựa, cỏ chân ngỗng biển…
Chúng thường sống tại các bãi cát ở đáy đại dương. Khi gặp kẻ thù như cá mú, cá chình, chúng liền nằm bẹp xuống, xếp những xúc tu về phía sau hệt như vây cá bơn.
Chúng còn biết chuyển động cơ thể một cách mềm mại về phía trước và di chuyển cả hai mắt qua bên trái giống hệt cá bơn. Với cách ngụy trang này, bạch tuộc Longarm có thể khiến cơ thể rắn chắc an toàn hơn, cũng như có thể nhanh chóng lẩn trốn khi bị săn đuổi.
8. Sứa bất tử
Turritopsis nutricula - một loại sứa rất đặc biệt của đại dương. Với thiết kế cơ thể cấu tạo bên trong một "cỗ máy" có khả năng “trẻ hóa”: tự mình “chuyển đổi” từ giai đoạn sứa trưởng thành về giai đoạn sứa đơn bào dạng ống.
Chúng có thể “cải lão hoàn đồng” bằng cách tự mình biến đổi hàng loạt các mô tế bào (trong giai đoạn trưởng thành) cho đến hệ tuần hoàn.
Quá trình này được gọi là "transdifferentiation", nó diễn ra khi các tế bào gốc chuyển hóa thành dạng tế bào khác hoặc diễn ra khi các tế bào đã "già nua" quay trở về quá trình cấu thành tế bào gốc ban đầu.