Nghệ thuật - blog 2013-05-24 05:35:47

Ai cũng đúng, tốt nhất là chúng ta hãy hành động chứ đừng nói suông


[size=6]“Những người diễn thuyết như Nick Vujicic dù có tầm quốc tế hay quốc gia thì những điều họ làm đều tốt đẹp cho người khác. Vậy sao phải lăn tăn khi tất cả đều là việc tốt?”.[/size]

Sự kiện Nick Vujicic - chàng trai người Úc không chân không tay, đã đi khắp thế giới truyền cảm hứng và lòng can đảm cho mọi người - đến Việt Nam đã được giới truyền thông và nhiều người dân chờ đón suốt thời gian qua. Và sự xuất hiện của anh với vai trò một diễn giả trong chương trình “Chào Việt Nam” được tường thuật trực tiếp trên truyền hình tối 22/5 đã đem lại sự xúc động và hứng khởi cho nhiều khán giả theo dõi chương trình.

Một Nick Vujicic bằng xương bằng thịt chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa về nghị lực sống, về ý chí vượt lên hoàn cảnh khó khăn để thực hiện ước mơ của người khuyết tật đã nhận được vô số tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Chàng trai kỳ diệu này bước ra từ những trang sách, những đoạn video để trực tiếp truyền cảm hứng cho mọi người, trong đó có không ít người khuyết tật Việt Nam. Ống kính truyền hình đã nhiều lần ghi lại cảnh nhiều khán giả gật gù tâm đắc, hay ánh mắt rưng rưng khi nghe Nick diễn thuyết.


Nick Vujicic trong buổi giao lưu với khán giả TP HCM tối 22/5.


Thế nhưng, ngay khi Nick Vujicic vừa kết thúc buổi giao lưu đầu tiên với khán giả TP HCM và chuẩn bị bay ra Hà Nội, trên mạng bất ngờ xuất hiện những luồng ý kiến đặt ra những câu hỏi về việc tại sao lại tốn một số tiền lớn để mời một anh chàng ngoại quốc đến từ nước Úc xa xôi đến “rao giảng” về nghị lực sống cho người Việt Nam, lợi ích vụ mời Nick Vujicic đem lại, cùng nhận xét về cách ứng xử của truyền thông…

Những ý kiến này cho rằng, ở Việt Nam còn nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn hơn Nick, nghị lực vượt lên khó khăn của họ cũng không thua gì Nick và từ đó đưa ra sự nghi ngại về việc có cần thiết mời anh sang nước ta hay không. Không ai phủ nhận rằng ngay tại Việt Nam cũng đang có rất nhiều tấm gương người khuyết tật với nghị lực phi thường. Ngay chính Nick Vujicic trong phần mở đầu bài diễn thuyết của mình đã hướng ánh mắt về phía nhiều khán giả là người khuyết tật đang lắng nghe anh và nói rằng: “Tôi không phải là người kém may mắn nhất, cũng không phải là người có nghị lực nhất”. 

Không biết có phải vì mải "chê trách" giới truyền thông quá ưu ái một anh chàng ngoại quốc, mà người ta quên rằng Nick Vujicic được 47 quốc gia (kể cả Việt Nam) mời đến diễn thuyết không đơn giản chỉ vì anh là người khuyết tật hiếm gặp khi sinh ra không có tất cả tay và chân, hay anh là tác giả của những cuốn sách bán chạy, là nhân vật trong những đoạn clip được hàng triệu người theo dõi trên Internet. Thế giới biết đến Nick và yêu quý anh nhờ tài năng diễn thuyết của anh. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Nick cũng đến với tư cách một diễn giả chứ không phải một tác giả giới thiệu sách. Tài năng diễn thuyết của Nick chính là khả năng thuyết phục người nghe bằng ngôn từ , bằng câu chuyện về nghị lực từ chính những thực tế cuộc sống mà anh đã trải qua và vượt qua. Hầu hết những người biết anh đều hiểu rằng, các bài học ý nghĩa được kể ra từ một người đã trực tiếp trải qua, đương nhiên sẽ thú vị và có tính thuyết phục hơn các khái niệm giáo điều.


Rất nhiều người khuyết tật Việt Nam đến buổi giao lưu để trực tiếp gặp gỡ Nick Vujicic.


Điều kỳ diệu mà tất cả mọi người đều nhìn thấy ở Nick, chứ không phải một ai khác, đó là một cơ thể không chân, không tay, chỉ bằng cuộc đời và lời nói của mình đã kiếm được số tiền khổng lồ, cùng những bài học về nghị lực sống lan tỏa rộng rãi và thiết thực mà đâu phải ai cũng có khả năng truyền tải. Chẳng phải đây là lý do chính, và cực kỳ hợp lý để những người tổ chức đã mời Nick Vujicic chứ không phải một ai khác? 

Một số bài viết trong luồng ý kiến trên đã đưa ra nhiều thông tin (dựa trên sự phỏng đoán) về những đòi hỏi khắt khe của Nick về chế độ phục vụ và khoản tiền thù lao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đô la Mỹ cho chuyến giao lưu tại Việt Nam. Người viết bài này tự hỏi, liệu điều đó có gì là quá đáng? Với thể trạng không như người bình thường, việc Nick Vujicic có vài người trợ lý cũng như một vài yêu cầu để phù hợp hơn với mình trong chuyến đi nhiều ngày đến một đất nước xa xôi thì có gì không hợp lý?

Chúng ta nên nhớ rằng, Nick là một diễn giả và đó là công việc, là nguồn thu nhập để anh chi trả các chi phí cuộc sống. Vậy thì việc Nick (nếu có) được ban tổ chức, nhà tài trợ trả thù lao hàng chục ngàn USD, có thể hơn nữa, để thực hiện các hoạt động giao lưu, diễn thuyết trước khán giả Việt Nam thì có gì không thỏa đáng? Hơn nữa, hãy nhìn Nick Vujicic  như một người khuyết tật đang vượt qua bao khó khăn để được sống như một người bình thường. Rõ ràng là anh đã quá thành công, thế thì tại sao lại không xứng đáng được nhận những sự phục vụ đặc biệt, liệu có sự phân biệt đối xử đến thiếu hiểu biết nào ở đây chăng?


Dịch giả Nguyễn Bích Lan xúc động khi được gặp mặt Nick Vujicic.



Nhiều người băn khoăn và đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao nhà tài trợ không dùng số tiền (được cho là hàng chục tỷ đồng) chi phí cho sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam để ủng hộ cho những quỹ dành cho người khuyết tật Việt Nam, không dùng số tiền đó để tôn vinh người khuyết tật trong nước, thay vì dành cho một anh chàng từ đến từ nước ngoài? Đây là câu hỏi mà chúng ta nghe nhiều đến mức nhàm tai trong thời gian qua mỗi khi người nào đó phản đối việc người khác dùng số tiền lớn của họ để chi cho những hoạt động mang tính chất cá nhân mà không phải để làm từ thiện.

Thiết nghĩ, những người như trên lấy tư cách gì để yêu cầu người khác sử dụng tiền mà họ sở hữu hợp pháp để làm việc này, việc kia theo ý mình? Có người đã nói rằng, việc lấy danh nghĩa kêu gọi làm từ thiện để phê phán những người giàu có hơn mình thực chất là hành vi của những kẻ ghen ăn tức ở và đạo đức giả. Nhận định này, trong nhiều trường hợp có lẽ thật chính xác.

Một số người đặt câu hỏi vì sao không dành tiền để tôn vinh những người khuyết tật trong nước mà cứ chạy theo một nhân vật đến từ nước ngoài xa xôi và tự lý giải rằng, đó là do “bụt chùa nhà không thiêng”, do “tâm lý sính ngoại” của người Việt Nam. Nói như vậy, phải chăng những tác giả này cũng cho rằng rất nhiều người khuyết tật có mặt trong buổi giao lưu của Nick Vujicic tại TP HCM tối qua, những người đã vỗ tay tán thưởng hay rơi lệ khi nghe Nick nói chuyện, là những người giả tạo.  24 "Hạt giống tâm hồn" Việt được tôn vinh trong tối qua cũng là giả tạo? Và hàng triệu người ở 47 quốc gia Nick đã tới thăm cũng đều là những kẻ sính ngoại?

Trở lại với điệp khúc quen thuộc, không ít người “khuyên” nên dành số tiền 32 tỷ đồng cho những đề án trợ giúp người khuyết tật của Việt Nam. Ý tưởng đó thật tốt đẹp. Nhưng tại sao mỗi người chúng ta không phải là người đầu tiên tự bỏ tiền của mình ra để làm điều đó? Có người đã tự tin nói rằng “với những trường hợp tương tự như Nick Vujicic tại Việt Nam, trong vòng 1 phút tôi có thể kể tên ra 5 gương mặt tiêu biểu”. Vậy thì trong nhiều năm đã qua của cuộc đời, ngoài việc kể tên những người khuyết tật Việt Nam tiêu biểu, người đó đã làm được những gì, đã thực tâm giúp đỡ được bao nhiêu người khuyết tật? Nói bao giờ cũng dễ hơn làm!

Có một thực tế không thể phủ nhận là vì nhiều lý do mà người khuyết tật Việt Nam chưa có được những điều kiện sinh sống và làm việc tốt như nhiều nước khác. Nhưng thay vì ngồi một chỗ chờ đợi sự giúp đỡ của Chính phủ, của những người giàu có, tại sao mỗi người chúng ta không tự giác chung tay làm điều đó?

Trong buổi giao lưu tối 22/5, Nick Vujicic cũng cho rằng anh may mắn vì nhận được những sự giúp đỡ và cảm ơn những người “đã không chờ đợi người khác” để lập nên các quỹ tài trợ giúp những người khuyết tật như anh có cơ hội đi học, thay đổi cuộc sống. Nick đã nhắn nhủ rằng: “Tôi cũng muốn người Việt Nam hãy giúp đỡ người Việt Nam”.


Cô bé Linh Chi 8 tuổi "không chân, không tay" đã coi Nick là tấm gương để vươn lên trong cuộc sống. Nhân chuyến thăm của Nick Vujicic sang Việt Nam, Linh Chi đã từ Yên Bái đến Hà Nội với mong muốn gặp trực tiếp thần tượng của mình.


Xuất phát từ những băn khoăn trên, nhiều người nhận định rằng, người khuyết tật Việt Nam cần những hỗ trợ thực tế hơn là những “cú hích về tinh thần” và số tiền lớn bỏ ra để đưa Nick Vujicic sang Việt Nam thật là lãng phí. Và thay vì tôn vinh Nick, tại sao không tôn vinh thầy Nguyễn Ngọc Ký hay "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã bao giờ lãng quên thầy Ký hay anh Hùng đâu? Họ vẫn luôn được ca ngợi như những tấm gương vượt hoàn cảnh tuyệt vời nhất. 
Một FBer nói: "Bác Nguyễn Ngọc Ký hay chị Lan dịch giả cũng đến xem anh Nick mà, và họ rất vui vẻ đấy chứ. Giờ cho chị Lan  hay bác Ký lên chưa chắc họ đã thích. Có những người họ sống khá trầm tính họ không muốn nói trước đám đông. Nghề của anh Nick là nghề diễn thuyết bạn ạ, nên anh ấy phải đi là đúng rồi.Còn có người bảo 30 tỉ đồng sao không đưa cho người nghèo này nọ. Mình nghĩ, đã từng có cái số gấp nhiều lần 30 tỉ rót xuống cho người nghèo rồi mà người nghèo ở VN đã thoát hết nghèo đâu? Cái 30 tỉ đấy cũng chỉ là con cá thôi, mà cái mình cần đưa cho người ta là cần câu cá để nuôi sống họ cả đời chứ không phải là con cá ăn qua ngày. Tiền thì không bao giờ là đủ cả"

Chị mình đã từng đến nhà anh Công Hùng nói chuyện. Và chị ấy bảo rất khâm phục anh Hùng nhưng anh ấy hạn chế nói chuyện trước công chúng, 1 phần vì giọng nói của anh do bệnh bẩm sinh gây ra nên rất khó nghe, 1 phần là tính anh khá trầm. Nên đừng bạn nào so sánh kiểu vậy, mình thấy hài lắm."

 
Và như một điều vẫn luôn đúng, có những giá trị tinh thần không thể nào đo đếm bằng giá trị vật chất. 

Chẳng thế mà khán phòng tối qua có rất nhiều người khuyết tật vượt đường sá xa xôi và nhiều khó khăn khác để đến tận nơi gặp gỡ Nick. Chẳng thế mà nhiều người Việt Nam vốn đã định đầu hàng cuộc sống nhưng nhờ Nick mà họ đã đứng lên vượt qua mọi chông gai để vươn lên như những câu chuyện và nhân vật xuất hiện trong buổi giao lưu. Chẳng thế mà cô bé Linh Chi 8 tuổi “không tay, không chân” như Nick đã nhờ anh mà vui sống và mới chỉ sáng nay thôi, cả gia đình em đã đi xe khách hàng tiếng đồng hồ từ Yên Bái để đến Hà Nội chỉ để mong có thể gặp Nick trong buổi giao lưu ở sân vận động Mỹ Đình tối nay. Những giá trị tinh thần mà Nick Vujicic cũng như chuyến thăm của anh mang đến cho người khuyết tật Việt Nam thật khó để đi đếm bằng giá trị vật chất.

Người viết xin dùng một đoạn trích dẫn đọc được từ một người bạn để làm lời kết cho bài viết này.

“Đừng phân biệt người khuyết tật trong nước hay nước ngoài, và cũng đừng trách người xem sao lại thích và quan tâm người này hơn người nọ. Những người diễn thuyết dù có tầm quốc tế hay quốc gia thì những điều họ làm đều tốt đẹp cho người khác. Với thính giả thì họ lắng nghe quan tâm để nhận được những lời khuyên có ích cho cuộc sống cũng là những điều tích cực.

Vậy sao phải lăn tăn khi tất cả đều là việc tốt?”.

 

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)