[/justify]
[justify]Vì thế mới nói, trong số các ông vua Việt Nam, chưa có người nào phải hứng chịu khổ nạn, bị hạ nhục và nguyền rủa cay độc mà tới chết được cả vài trăm năm… vẫn không yên thân như Hoàng đế Lê Chiêu Thống.
Lê Chiêu Thống hội kiến Tôn Sỹ Nghị tại thành Thăng Long. Tranh mô tả |
Lê Chiêu Thống (1765 – 1793), tên thật là Lê Duy Khiêm, khi lên ngôi lại đổi tên là Lê Duy Kỳ. Ông thực ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng Giêng năm 1789. Theo sử sách, mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh. Lê Chiêu Thống và đám triều thần đã chạy tới nương náu ở Quế Lâm ( Trung Quốc) và nuôi chí cậy nhờ thiên triều phục thù. Lúc đầu, triều đình Mãn Thanh cũng có ý định sai Phúc Khang An ráo riết chuẩn bị phản đánh Tây Sơn; nhưng triều đình Quang Trung lại rất khôn khéo trong đối sách ngoại giao. Cùng với Phúc Khang An, viên đại thần triều Thanh là Hòa Khôn đã nhận được nhiều vàng bạc đút lót nên khi tiếp tờ biểu cầu hòa dâng lên Càn Long, đã chủ động “bàn lui”, khiến Càn Long đành chấp thuận thông hiếu.
Lại nói Phúc Khang An, dẫu được toại nguyện, nhưng vốn ghét Lê Chiêu Thống, đã tìm cách hạ nhục ông. Sách Lê Quý dật sử chép: "Tháng 5, Phúc Khang An về Quế Lâm, ra lệnh bãi binh, mở yến tiệc hát xướng linh đình. Lê Chiêu Thống thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên, hỏi thì được trả lời: Mùa hè nóng nực, đánh phương Nam lúc này không lợi. Phải đợi đến mùa thu mới có thể điều quân đi".
Cũng theo Lê Quý dật sử, Lê Chiêu Thống đã bị Phúc Khang An lừa một "vố" đau, đã tự nguyện cạo đầu tết tóc và ăn mặc như người Mãn Thanh. "Kẻ mất nước tan nhà, may nhờ được thiên triều cứu giúp thì dù bắt cả nước ăn mặc theo lối phương Bắc cũng xin vâng mệnh, nào có hề chi", Lê Chiêu Thống đáp.
Thế nhưng, sau đó, Phúc Khang An lại mật tấu với Hoàng đế nhà Thanh rằng: Vua Lê tự ý xin ở lại Trung Quốc, an phận làm dân, chứ chả còn ý định xin cầu viện nữa. Nay họ đã cạo đầu tết tóc và thay đổi cả cách ăn mặc rồi.
Trong khi đó, Hòa Khôn cũng lựa dịp xin phong vương cho Quang Trung. Các lời tâu đều được chuẩn y nên năm sau (1790) có chiếu chỉ vời vua cũ và các cựu thần về Yên Kinh. Tại đây, Lê Chiêu Thống được ban cho chức quan hờ và không còn được đoái hoài gì tới, dần dần hiểu ra thân phận và lấy làm hết sức căm giận.
Không chỉ bị chơi khăm một lần, sử sách ghi, khá lâu sau đó, Lê Chiêu Thống lại rước thêm chuyện nhục nhã và thân. Sách Cương mục - Chính sử Nguyễn Triều viết: “ … Nhà vua căm giận vì bị nhà Thanh lừa gạt, bèn cùng bọn bề tôi là Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên (Cẩm), Lê Văn Trương, Lê Tùng và Lê Thức tổng cộng mười người cùng nhau uống máu ăn thề, rồi thảo tờ biểu dâng lên vua Thanh xin viện binh, nếu không thể thì cũng xin đất hai châu Tuyên Quang và Thái Nguyên để có chỗ thờ cúng tổ tiên, hoặc lẽn về Gia Định nương nhờ triều Nguyễn để dần dà kiếm kế khôi phục, chứ nhất quyết không chịu sống thừa ở đất Bắc”.
Thề nguyện với nhau xong, họ kéo đến nhà Kim Giản là viên đại thần nhà Thanh. Theo Lê Quý dật sử, Kim Giản không tiếp, Vua Lê bèn ra ngoài cửa phủ, nằm xuống đất mà gào lên. Giản bất đắc dĩ phải cho mời vào, cho uống trà và an ủi rằng: Hãy về công quán, đợi bàn sau.
Vậy là, nhân lúc Kim Giản đang hầu Càn Long ở vườn Viên Minh, Lê Chiêu Thống cưỡi ngựa vào vườn. Lúc đó, tên hầu ngựa Nguyễn Văn Quyên đã nằm lăn xuống đất mà kêu ầm lên, khiến người coi vườn sợ âm thanh vang đến chỗ Hoàng đế, bèn cướp ngựa, bắt luôn Lê Chiêu Thống giam ở Thận Hình Ti. Còn tên Quyên bị đánh gần một trận nhừ tử, bắt giam và hơn tháng sau thả ra thì chết.
Như vậy, rõ ràng là việc bị lừa, bị bắt giam hay kêu gào triều Mãn Thanh giúp đỡ… chỉ mang đến nỗi nhục khó gột rửa cho Lê Chiêu Thống. Sau này, phê vị vua Lê này, Hoàng đế Tự Đức viết: "Nhà vua bị người ta lừa gạt, bị giám buộc ở quê người đất khách, đến nỗi lo buồn phẫn uất, ôm hận mà chết, thân dẫu chết, nhưng tâm không chết, kể cũng đáng thương. Vậy nên truy đặt tên thụy là Mẫn Đế".
[/justify]