Thời gian trở lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều chất phụ gia pha trộn với đồ uống, nước giải khát không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động, đặc biệt đối với người tiêu dùng. Chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại những điểm kinh doanh mặt hàng này và giật mình trước những phụ gia "bẩn".
“Bùng nổ”… nước giải khát vỉa hè
Các quán trà chanh, me đá… vỉa hè tại Hà Nội luôn đông nghẹt khách. |
Khảo sát tại nhiều tuyến phố tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy thời gian qua xuất hiện vô số quán nước giải khát với những cái tên rất “kêu” như: “Trà chanh chém gió”; “Đá me giải khát”, “Hoa quả dầm mát lạnh” v.v… Đầu hè nên số lượng thực khách, chiếm đa phần là giới trẻ lui tới nơi đây không ngừng gia tăng. Ngày thường, đặc biệt là buổi chiều tối và các ngày nghỉ, các quán giải khát này luôn chật kín khách.
Ở Hà Nội, những quán giải khát vỉa hè xuất hiện nhiều nhất là các quán ở khu vực trên phố Cát Linh, Đào Duy Từ, Nhà Thờ, đường ven hồ Tây, khu vực sân vận động Mỹ Đình… Đặc biệt trước cổng các trường học, các quán trà chanh thường xuyên kín khách. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi ngày, hàng ngàn cốc trà chanh, đá me, sirô hoa quả… được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Chỉ với 10.000 đồng là thực khách đã có thể sở hữu một ly trà chanh, sinh tố… vỉa hè thơm phức, mát rượi giải nhiệt mùa hè.
Khảo sát của chúng tôi cho hay, tại các quán kinh doanh nước giải khát - trà chanh, nước cam - dâu… trên một số tuyến Hà Nội như hiện nay đang xuất hiện một số vấn đề tồn tại. Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, một số chủ quán còn kinh doanh đồ uống mập mờ chất lượng đòi hỏi các cơ quan chức năng, người tiêu dùng phải lưu tâm. Chỉ với chục chiếc ghế nhựa đi kèm với cơ số rổ đựng ly, cốc nước giải khát, các chủ kinh doanh dễ dàng “sở hữu” một quán trà chanh, sinh tố, với lượng khách luôn nườm nượp ra vào.
Có lẽ có cung ắt có cầu, “uống trà chanh vỉa hè, chém gió” đã và đang trở thành sở thích, trào lưu không thể thiếu được đối với nhiều bạn trẻ hiện nay. Một câu hỏi được đặt ra, liệu số nước uống, đồ giải khát đang kinh doanh trên thị trường như hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng? Nhất là khi khoản lợi nhuận đem lại mỗi ngày của các quán giải khát vỉa hè dạng này là không hề nhỏ và trên thị trường hiện đang xuất hiện nhiều phụ gia đồ uống mập mờ chất lượng…
Thâm nhập… "chợ" phụ gia đồ uống mà sợ
Không khó để mua được các loại tinh chất trà, chanh, bạc hà… không nguồn gốc, xuất xứ tại phố Hàng Giầy, Hàng Buồm. Ảnh: Nguyễn Hương. |
Để kiểm định những vấn đề có liên quan, theo thông tin của một số độc giả phản ánh, sáng 28/5, chúng tôi có mặt tại phố Hàng Buồm, nơi có gần chục tiệm kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống lớn nhỏ.
Ghé vào một tiệm kinh doanh các mặt hàng đồ uống, nước giải khát nằm trên tuyến phố này, chúng tôi không khỏi “choáng” vì sự đa dạng về “màu sắc” của các chai, lọ đựng dung dịch nước giải khát ở nơi đây. Từ dung dịch màu đỏ, xanh, tím… cho đến vàng đều xuất hiện ở nơi đây. Số dung dịch này được đựng trong các chai nhựa đính địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ khá mập mờ… thậm chí nhiều chai còn không hề in đính kèm bất cứ một thông tin nào có liên quan cả. Và chỉ khi chủ cửa hàng là một phụ nữ tuổi ngoài 40 này giới thiệu sản phẩm, tôi mới hay đó là dung dịch sirô dâu tây(!).
Chị chủ cho biết thêm, giá của 1 lít dung dịch dâu tây, nho đựng trong chai nhựa này là 70 ngàn đồng. Với số dung dịch này, người tiêu dùng có thể pha ra hàng chục lít nước uống có mùi dâu tây, nho… các loại. Khi thấy chúng tôi đề cập đến việc đang muốn kinh doanh quán trà chanh, nước giải khát sinh viên, “vốn bỏ một phần nhưng lãi thu lại mười phần”, chị chủ lôi từ trong chiếc làn bên cạnh một chai nhựa đựng khoảng 200ml dung dịch không màu. Chị cho hay, đây là tinh chất của chanh. Bí quyết của trà chanh chính là việc chỉ cần nhúng đầu que tăm có tinh chất này vào can nước loại một lít thì toàn bộ can nước trên nhanh chóng có hương vị chanh thơm ngào ngạt. Và để thực khách bắt mắt với màu trà, thì chỉ cần đổ ít nước trà đã ngâm trước đó vào can nước này là ok… "Trà chanh đó chứ đâu", chị chủ nói. Để sở hữu dung dịch “khủng” trên, khách hàng phải chi trả 150 ngàn đồng. Còn đối với “tinh chất” mang vị nhài thì giá của nó tăng lên là 180 ngàn đồng/chai 200ml.
Hình ảnh bát nháo dung dịch phụ gia đồ uống, nước giải khát cũng xuất hiện trên tuyến phố Hàng Giầy - đoạn gần phố Hàng Chiếu. Tại nơi đây, giá của tinh chất chanh, dâu, nhài đựng trong chai nhựa không nhãn mác, nơi đăng ký chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng dao động từ 120 ngàn đồng đến 180 ngàn đồng. Điều đáng nói, chủ các sạp kinh doanh phụ gia đồ uống này chỉ bán từ 200ml trở lên chứ không bán kém. Khi thấy khách hàng đề cập đến nguồn gốc xuất xứ số tinh chất phụ gia đồ uống trên, chủ các sạp luôn khẳng định: “Hàng này đảm bảo chất lượng, nếu không chất lượng không lấy tiền”…