Chuyện shock 2008-09-27 13:19:04

ăn đất thay ăn cơm --- Qoác ~:>


Hơn hai năm trước, trong chương trình "Chuyện lạ Việt Nam", một cụ già lúi húi, củi lửa rồi lôi trong đám khói đặc sánh ra mấy cục đất vàng, bỏ vào miệng ăn. Câu chuyện "ăn đất" ấy đã làm cho không ít người mắt tròn, mắt dẹt. Với ai đã từng một lần đên "làng ăn đất" thì lại càng ngạc nhiên và khó lý giải hơn về tập tục này.

Đầu năm, khi hoa rừng chưa kịp tàn, tôi lại có dịp về vùng đất mà đã hai lần rồi tôi đặt chân đến thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc này, đến với làng “ăn đất”.
Cái may của tôi là được trò chuyện cùng cụ Nguyễn Thị Lạc, người từng lên chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” để biểu diễn tiết mục nướng đất rồi ăn mà cụ và những người dân nơi đây vẫn thường làm khi ở quê mới phần nào thấu được, con người và cuộc sống nơi quê hương của những miếng đất ấy ngày xưa và ngày sau.

Nhìn dáng vẻ khỏe khắn của cụ không mấy ai đoán được năm nay cụ đã ngoại bát tuần. Cụ còn khôi hài cho biết “tớ là minh chứng cho các nhà khoa học thấy rằng ăn đất không hề độc hại như mấy”.


Bà Nguyễn Thị Lạc, đến từ Lập Thạch, Vĩnh Phúc, ăn miếng đất nướng trong buổi trình diễn tại Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội. Ảnh Vnexpess.

Ở cái tuổi 84 nhưng cụ vẫn rất tinh tường. Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt rạng rỡ. Hàm răng đen nhánh. Dường như đã thành thói quen, hễ có người hỏi về tập tục ăn đất là cụ kể say sưa.

Ngày trước, nhìn người ta ăn cụ cũng thấy lạ. Nhưng từ khi có mang cô con gái thứ hai thì cụ đâm ra thèm ăn ngoái. Và thế là cụ ăn, ăn rồi nghiện, nghiện tới mức ăn no cũng được.
“Các ông làm khoa học về đây cứ bảo là chúng tôi thiếu chất gì đó, chẳng biết. Nhưng hầu hết các bà có chửa đều thấy thèm ăn ngói như tôi. Có những người đàn ông không hiểu vì thiếu máu hay sao cũng ăn đấy. Bây giờ vẫn còn người ăn nhưng ít hơn, chắc họ đã đủ chất rồi nên không thấy thèm nữa. Có con bé bán thịt ngoài chợ lúc chửa bảo tôi mang cho một ít ngói để ăn. Bây giờ nó đẻ rồi mà thỉnh thoảng tôi vẫn phải mang cho nó” - cụ nhớ lại.

Bây giờ, hàng ngày cụ vẫn cùng cô cháu gái tên Thúy lên ngọn đồi phía sau khu công an lấy đất về hun. Nhưng ở làng này, những người hun đất để ăn và bán như cụ Lạc không còn nhiều.

Họ cũng không đem ngói ra chợ bán như ngày xưa nữa mà chỉ nhờ những người quen mua giúp. Người ta bảo rằng ngày xưa đói kém, thiếu chất nên mới phải ăn ngói. Còn cụ Lạc thì khẳng định một cách chắc nịch rằng không phải vì đói, bởi nếu vì đói thì tại sao bây giờ no đủ rồi mà nhiều người vẫn còn ăn.

Cả làng sống nhờ… đất nướng

Cụ còn nhớ những ngày cuộc sống khốn khó, nó riết lấy cái vùng heo hút này. Khi đó, cụ cũng đã ngoài năm mươi. “Cuộc sống khó khăn, thiếu đói triền miên. Dân ở đây vẫn còn thưa thớt lắm. Cả cái thị trấn Lập Thạch này (ngày trước là xã Xuân Hòa) chỉ vẻn vẹn hơn hai chục hộ dân” - cụ nói.

Ngọn đồi nơi cụ Lạc đang sống bấy giờ chỉ là “đồi cây, đồi trọc”, có đúng ba nhà ở ba phía của quả đồi. Mãi sau này đổi mới, rồi khoán 10, được chia ruộng, cán bộ về, thị trấn được thành lập, dân cư mới đông đúc hơn. Cuộc sống thay đổi chóng mặt, phố xá tấp nập, nhà cửa san sát. Riêng ngọn đồi ấy bây giờ đã ngót năm chục nóc nhà.

Chỉ thị khoán sản phẩm trong nông nghiệp hay mọi người vẫn gọi nôm na là khoán 10 (năm 1988) được coi là cuộc cách mạng “cởi trói” cho nông nghiệp, làm thay đổi cơ bản nền nông nghiệp và nông thôn nước ta. Từ chỗ thiếu đói triền miên, gạo không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa để xuất khẩu. Tác động của “cái khoán 10” ấy được thể hiện rõ nét trên vùng đất Lập Thạch này.

“Không có chính sách khoán 10 thì chết cháu ạ” - cụ Lạc bảo. Cụ ngậm ngùi nhớ lại ngày xưa. Thời đó người dân nơi đây nghèo lắm, cái ăn chẳng đủ, sản xuất vẫn theo phương thức hợp tác xã. Lao động tập thể có vai trò cực kỳ quan trọng trong khắc phục thiên tai nhưng phương thức sản xuất tập thể theo kiểu “mặt trời lên quá ngọn tre mới sắp hàng ra đồng lao động” thì rõ ràng là hiệu quả không cao nếu như không muốn nói là rất thấp. “Cha chung không ai khóc”, ruộng của hợp tác xã chứ có phải của mình đâu mà hùng hục làm.

Chính sự phân công không hợp lý trong lao động cũng như trong hưởng thụ thành quả lao động đã dẫn đến tình trạng lười nhác của người dân. Và hệ quả tất yếu chính là cái đói, cái nghèo. Có phải vì thế mà người dân nơi đây phải ăn đất? - “Không phải đâu, từ ngày xưa, ông bà ông vải của cụ đã ăn rồi. Đến thời các cụ, các cụ cũng ăn như một truyền thống thôi chứ có phải vì đói đâu”.

Lao động trong hợp tác xã không đủ ăn (mỗi ngày đi làm là một công, mỗi công chỉ được có 6 lạng thóc), nhiều người đã bỏ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai vì ở lại quê hương cũng chẳng biết làm nghề gì. Những người ở lại thời đó cũng không còn mặn mà gì với hợp tác xã. Gần như toàn bộ người dân đều làm một công việc chính là đào đất bán. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng những cụ già tôi được gặp ở đây đều khẳng định rằng thời đó người người đào đất, nhà nhà bán đất.
Cụ Nguyễn Thị Lạc vẫn rất khoẻ khoắn ở tuổi 84



Người ta bỏ ruộng hợp tác, đi đào đất bán. Có nhà 9-10 người con vẫn sống sót được chỉ nhờ vào việc hun đất bán. Nhưng mà bán cho ai khi mà cả cái thị trấn này chỉ có hơn hai chục gia đình? - “Các huyện khác họ cũng ăn nhiều lắm. Người ta kéo đến đây cả đoàn để mua buôn về bán vì chỗ họ không có loại đất có thể ăn được như ở đây”.
Các hàng bán đất nướng la liệt khắp chợ, hay nói đúng hơn là chợ thời đó chủ yếu là để bán đất nướng.

Người ta đào đất ở bất kỳ nơi nào có loại đất sét trắng ăn được, hết nơi này đến nơi khác, hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác. “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu”, người ta phải khoét sâu vào trong lòng đất đến cả 20 mét để lấy đất, không khác gì người thợ khai thác than ở Quảng Ninh. Họ đào hố sâu, dọc rồi ngang, ngang rồi lại dọc chằng chịt khắp các quả đồi.
Cả khu biến thành một mỏ đất “lộ thiên” để cho người ta đào đào, bới bới tìm đất ăn. Các đường hầm chỉ được chống đỡ bằng những cây tre, cây xoan mỏng manh. Một người bám vào dây thừng chui xuống cái hầm tối thui ấy đào đất, một người ở trên buộc dây vào cái thúng, cái gầu kéo lên. Cứ thể mà cuộc sống của họ và của con cái họ được duy trì qua cái thời kỳ đói kém.

Kể đến đây chợt cụ Lạc thở dài, khuôn mặt cụ thoáng buồn. Gặng hỏi thì được biết đã có một người làng (cụ không nhớ tên hoặc cụ không muốn nhắc lại) chết vì sập hầm khi đang đào đất. Anh ta đã chết trong nỗ lực mưu sinh, trong sự cố gắng bám trụ lại mảnh đất này.


Liệu còn có đất để ăn?

Sở dĩ tôi hỏi cụ Lạc câu này bởi một lẽ rất đơn giản như ông cha ta thường nói: “Miệng ăn núi lở”. Hai chứ có mấy quả đồi đi chăng nữa thì ăn mãi cũng phải hết. Vả lại, nhìn vào thực tế mới thấy “sức tàn phá” khủng khiếp của cái dạ dày. Nó đã trực tiếp làm mòn dần, thậm chí làm biến mất những quả đồi.
Ngọn đồi phía sau khu công an khi nãy tôi bảo cứ tạm gọi như vậy vì bây giờ trông nó không ai bảo đó là đồi cả. Tháng 6/2005, thời điểm cụ Lạc lên chương trình “Chuyện lạ Việt Nam”, khi mà báo đài đưa tin, phóng viên lũ lượt kéo về, ngọn đồi “to uỵch” xưa kia đã chỉ còn là một đống đất rộng chừng 3 mét, cao quá hai đầu người. Đến cuối năm 2006, tôi chỉ thấy một đụn đất lún phún không quá thắt lưng. Và lần này trở lại, đụn đất chẳng còn, có những chỗ còn bị khoét xuống một chút.

“Có ai sợ ăn hết đất đâu, mà ăn hết thì thôi, không ăn nữa” - cụ Lạc trả lời một cách vô tư, kèm chút bất cần, không lo xa ít thấy ở các cụ già. “Ngày trước người ta ăn nhiều, già trẻ đều ăn, cả nền ông nữa. Nhưng bây giờ còn ít người ăn lắm. Có mấy đứa chửa, thèm thì mới ăn thôi chứ không nghiện được như các cụ ngày xưa”.
Tôi cho cụ hay, các nhà khoa học nói rằng đây là một hiện tượng văn hóa, cần được lưu giữ, bảo tồn. Cụ nhìn tôi, ánh mắt đậm vẻ suy tư: “Biết thế nào được hả cháu. Cụ năm nay đã ngoài 80 rồi. Những người còn ăn ngói trong làng cũng ít và đều đã già cả. Bọn trẻ bây giờ có đứa nào ăn đâu (cụ chỉ sang bé Thúy đang ngồi giường bên)”.

Rõ ràng đây là một tập tục văn hóa cần được giữ gìn nhưng giữ bằng cách nào để cho nó không bị mai một đi theo thời gian mới là chuyện các nhà khoa học cần phải bàn, hơn là cứ đâm đầu vào nghiên cứu thành phần của đất, xem ăn đất như thế có hại không… “Sau này con cháu chúng nó chẳng cần ăn đâu” - giọng cụ chậm lại. Người ta bảo đây là một tập tục văn hóa cũng đúng, mà họ nói cần giữ gìn cũng được, nhưng sau này thế nào cụ không quyết định được.


Rời Lập Thạch, tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh ngọn đồi phía sau khu công an. Có thể là ngày này năm sau trở lại, tôi sẽ được nghe người dân nơi đây gọi nó bằng một cái tên khác chứ không phải là “đồi” như bây giờ. 5 năm, 10 năm hay 20 năm, những ngọn đồi ở đây có thể bị khoét đi phần nào nhưng những người dân Lập Thạch, liệu họ có còn giữ được cái truyền thống này của cha ông?
Và liệu rằng ngọn đồi kia có phải là dấu hiệu của sự suy tàn, biến mất của một tập tục văn hóa khi mà đất đang cạn dần và người ăn cũng ngày một ít đi? In sâu trong tâm trí tôi là ánh mắt nhìn xa xăm, khắc khoải đượm chút bi quan của bà cụ năm nay đã ngoại bát tuần.

Tiến Nguyên
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)