[justify]Trong thập niên 60 – 70, dòng nhạc psychedelic cũng dựa trên những ảo giác mơ màng như vậy, từ các loại thuốc gây nghiện “trộn” với âm nhạc. Phim Taking Woodstock của đạo diễn Lý An cũng có một đoạn “LSD trip” phê thuốc lẫn phê nhạc trên chiếc VW với nền là bài The red telephone của nhóm Love.
[/justify]
[justify]Nghe nhạc trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê mang lại những cảm giác rất thú vị. Khoảng 3 giờ sáng thứ 3 đầu tháng 10, chợt thức giấc trong khách sạn ở miền Trung, TV mở kênh Channel V chưa kịp tắt, nghe được một bản nhạc hay mê mẩn trong lúc nửa tỉnh nửa mê: Factory của Band of Horses. Giấc ngủ của tôi trước đó là một giấc ngủ cực kỳ thú vị, không nhớ rõ cụ thể nội dung nhưng chỉ nhớ là tràn ngập âm nhạc và những cảm giác thăng hoa, nhờ tác động ngoại cảnh từ Channel V. Nửa đêm về sáng hôm đó, Channel V có một playlist rất khá, nhưng trạng thái tỉnh chỉ đủ để nhớ duy nhất bài Factory. Ca khúc này, thật ngẫu nhiên, về một anh chàng trong khách sạn, mặt mày thiểu não đến mức một vị khách khác vừa bước vào thang máy nhác thấy đã phóng ra ngoài, thà đi thang bộ. Lý do cho sự buồn bã ủ rủ này không được nói rõ, mơ hồ về một tình yêu, một mối quan hệ đã qua. Đại khái có một người đàn ông cô đơn, tự hỏi hôm nay em làm gì và thế giới của gã đó chỉ xoay quanh một bản nhạc cũ xưa, buồn bã. Giống như các bản nhạc indie khác, toàn bộ bài hát không liên quan gì lắm tới cái tựa! Ca khúc Factory này là bản nhạc đầu tiên trong album Infinite Arms của nhóm Band Of Horses vừa phát hành hồi tháng 5/2010. Ben Bridwell, ca sĩ chính của nhóm và là người sáng tác ca khúc này đã kể lại về cảm hứng của mình: “lúc đó tôi đang nghe Nick Drake rất nhiều và mê mẫn phần đàn dây trong các ca khúc của anh ấy. Tôi cũng muốn ca khúc này nghe có vẻ kịch tính như bài Bittersweet symphony của the Verve.”
[/justify]
[justify]Âm nhạc rõ ràng thuộc về cảm xúc, cảm tính nên ráng như tựa album năm 1990 của George Michael trước đây, Listen Without Prejudice Vol. 1 (Lắng nghe mà không thành kiến) cũng hơi khó. Cảm giác ban đầu tương đối quan trọng, có những nhóm nhạc bạn không có thời gian hoặc điều kiện để nghe nhiều, trọn vẹn tất cả các album nhưng vẫn có thể xếp vào loại “có cảm tình” qua một hai ca khúc. Tôi luôn có cảm tình với dòng indie rock, từ Arcade Fire, My Morning Jacket và vì vậy nên bị Band Of Horses chinh phục ngay từ đầu cũng không có gì khó hiểu, dù rằng vẻ ngoài của các nhóm nhạc kiểu này là “chán không thể tả.” “Factory” có lẽ cũng là ca khúc mà tôi nghe được trong phần cuối của một chương trình “Late Show with David Letterman,” cực kỳ ấn tượng nhưng không có đầu dây mối nhợ nào để tìm lại. Trong lúc tìm kiếm về Band of Horses lại phát hiện ra một nhóm nhạc mới nghe cũng “được được” là Grand Archives, vốn có một thành viên tách ra từ Band of Horses. Ngược lại, có một số nhóm nhạc được đánh giá cao nhưng nghe đi nghe lại vẫn không có được nhiều cảm xúc.[/justify]