Nghệ thuật - blog 2011-07-26 04:21:11

Bà cụ hơn nửa thế kỷ bán xôi trên vỉa hè Sài Gòn


[size=2]Cũng góc đường ấy, cũng hương vị ấy, gần 60 năm qua gánh xôi của bà Nguyễn Thị Kiệm luôn đông khách, trở thành chứng nhân cho bao thăng trầm, dâu bể của cuộc sống.[/size]Cô gái trẻ bước xuống xe, tươi cười: “Ngoại ơi, xôi cho con, như mọi ngày nhé, lúc nãy con đi ngang mà đông khách quá, giờ mới ghé lại được”. Bà cụ lặng lẽ lấy túi nilon bỏ vào 6 gói xôi đã được gói sẵn trao cho cô gái, cứ như thể bà đã thuộc lòng sở thích của từng khách hàng.

Chẳng biết tự khi nào, ở một góc ngã tư Pasteur - Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM), gánh xôi của bà cụ gần 80 tuổi đã trở nên quen thuộc đối với nhiều khách qua đường. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm bà chở gánh xôi đến góc phố nhỏ, tầm trưa lại lụi cụi thu dọn quang thúng trở về.

Gánh xôi của bà Kiệm lúc nào cũng tấp nập khách. Ảnh: Lê Phương
Khách mua xôi, có người chỉ ghé qua ăn tạm đĩa xôi của gánh hàng rong hiếm hoi trên con phố đắt đỏ giữa lòng Sài Gòn. Nhưng cũng có người nghiện xôi đến mức hôm nào cũng phải ra tận nơi để mua về làm quà sáng cho gia đình. Nhiều người, sau khi chạy thể dục loanh quanh là vòng qua chỗ bà lấy mấy gói xôi về cho cả nhà ăn sáng rồi mới đi làm. Nhiều gia đình đi chơi xa cũng mua theo vài gói để sẵn trên xe ai đói thì ăn. Và ai cũng phải công nhận, bà cụ chủ gánh xôi này đang giữ một kỷ lục: người bán xôi lâu đời nhất tại Sài Gòn, với gần 60 năm thâm niên trong nghề.

“Chồng chị là người Đức mà còn mê tít xôi này đấy, huống hồ là chị”, chị Hồng Lan, quận 1 vồn vã. Em gái chị Lan từ Đà Nẵng vô Sài Gòn chơi mấy bữa mà cũng đã trở thành khách quen của bà, trước lúc chia tay còn thủ thỉ: “Bà phải khỏe mạnh để lần sau con vào con lại được ăn xôi của bà nữa nhé”.

Khéo léo đơm từng gói xôi vuông vức, bà Kiệm kể, bao năm trôi qua vẫn chỉ bán xôi ở mỗi góc phố này. Từ hồi mở đến nay, gánh xôi quanh đi quẩn lại đôi ba loại: xôi đậu xanh, xôi đậu phộng, xôi ngô. Vậy mà mỗi ngày vẫn khá nhiều người tìm đến đây để thưởng thức hương vị xôi Bắc thơm nồng, ngọt bùi.

Bà tự nhận là mình khá khắt khe trong công việc, như khi thực hiện các công đoạn nấu xôi, từ lựa chọn nguyên liệu đến khi chế biến. Xôi bà luôn được chọn từ loại nếp cái hoa vàng. Đậu xanh sau khi đãi vỏ, đồ chín rồi giã cho thật nhuyễn và kỹ. Ngô cũng do tự tay bà lựa những trái non nhưng chắc hạt, hầm lên cho chín mềm. Mùi vị của xôi đặc biệt hơn còn là do hành phi. Hành của nhà bà tự phi nên ai cũng yên tâm. “Nhiều người đi nước ngoài còn đặt làm mấy ký lô một lúc cơ đấy”.

Đến nay, bà vẫn giữ thói quen chỉ dùng giấy báo và lá chuối để gói xôi. “Có thế xôi nó mới đậm đà và giữ được độ thơm”, bà tiết lộ. Khi mà bịch nilon, hộp xốp nhựa được sử dụng tràn lan như hiện nay, thì một gói xôi lá chuối nền nã, bình dị càng đáng quý hơn bao giờ hết

Bà vẫn giữ thói quen dùng lá chuối gói xôi. Ảnh: Mai Nhật
Khách tìm đến mua xôi giúp bà Kiệm, một phần vì mê mẩn vị bùi ngậy đặc biệt so với các hàng xôi khác, phần vì thương bà già cả vẫn nặng gánh mưu sinh. Kể về hơn nửa thế kỷ làm nghề bán xôi của mình, giọng bà nghe nhẹ bẫng, mất hút giữa tiếng xe cộ ồn ào.

Quê bà là một làng nghèo ở Hải Phòng, 14 tuổi, bố mẹ mất, để lại cho đàn con côi cút. Đến năm 1954, bà một thân một mình khăn gói vào Nam. Không đồng xu giắt lưng, vốn liếng của bà khi ấy chỉ là bí quyết nấu xôi Bắc truyền thống học được hồi còn quê nhà. Vậy là ngày ngày bà quẩy đôi quang gánh đến ở một góc phố nhỏ trước Tòa đô chính Sài Gòn (nay là UBND TP HCM), và ngồi bán đến mãi tận bây giờ.

Giờ bà đã có nhà ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, tuổi lại đã cao, bán ở gần nhà sẽ khỏe hơn rất nhiều, song sáng sáng bà vẫn đưa hàng đến góc phố nhỏ Pasteur như một thói quen không thể bỏ. “Toàn khách quen cả, gắn bó lâu rồi giờ chuyển chỗ không đành”.

Từ lúc một gói xôi chỉ có giá 2 hào, đến nay là 10.000 đồng, bà đã chứng kiến nhiều biến động của thời cuộc. Bao nhiêu con người đã đi qua, bao nhiêu lần thời cuộc thay đổi, bà không nhớ hết. Chỉ biết, lúc ấy trên vỉa hè Lê Thánh Tôn vẫn còn hai hàng me xanh rì, đến nay đã được thay bằng những gốc phượng già cỗi. Hỏi, ngày xưa sao bà không chọn chỗ khuất trong hẻm mà bán, bà thủng thẳng đáp: “Mình chỉ là phận buôn gánh bán bưng thôi nên cũng không ai nỡ làm khó dễ, may mà bán xôi lành tính hay sao nên được trời thương, đến giờ vẫn chẳng sứt sẹo gì sất”.

Phố bao năm rồi, dù mưa hay nắng vẫn không vắng bóng bà. “Ăn Tết xong khoảng mồng Mười là tôi bán lại rồi à”. Từ 27 đến 30 tháng Chạp bà còn kết hợp bán thêm bánh chưng, rượu nếp, làm ấm lòng những người con đất Bắc xa quê.

"Xôi bà Kiệm" đã trở thành một "thương hiệu" trên đất Sài Gòn. Ảnh: Lê Phương
Gần 60 năm, cái nghề đã thành cái nghiệp, gánh xôi trở thành phương tiện mưu sinh cho cả gia đình bà. Gần ngót một đời bà vẫn đều đặn thức dậy từ lúc 2h sáng, vo nếp rồi bắc nồi đồ xôi, đến 5h rưỡi lại sửa soạn quang thúng lặn lội ra đến chỗ bán. Sau này tuổi già sức yếu, được con cái phụ giúp buôn bán, bà vẫn giữ thói quen thức khuya dậy sớm. Gương mặt khắc khổ, lấm tấm những đốm đồi mồi nhìn ra xa xăm: “Một đời cái khổ nó vận vào người nên giờ quen rồi, có sướng thêm một tí cũng thấy không an lòng. Mình còn được ngày nào thì lo nốt cho con cho cháu ngày ấy!”

Nhắc đến chuyện con cháu, đôi mắt nhăn nheo của bà ánh lên vẻ hạnh phúc lạ thường. Bà có 10 người con, con lớn giờ đã ngoài 50, có người dạy học, có người làm ở phường, người làm nông, ai cũng đều đủ ăn đủ mặc, không phải lang bạt kỳ hồ như bà thuở trước.

Ngày con còn nhỏ, bà phải long đong gánh xôi đi về một mình. Giờ bên bà đã có thêm người con gái thứ, trước làm nghề thợ may, không chồng không con ở vậy sớm hôm đỡ đần bà cho bớt lẻ loi. Bà bảo, vậy cũng coi như nhỡ sau này bà không thể bước tiếp, hàng xôi này không đến nỗi gãy gánh giữa đường. Và nhiều người Sài Gòn cũng sẽ không mất đi một địa chỉ điểm tâm đã gắn bó cùng mình hơn nửa thế kỷ.

3crisp3 3crisp3 3crisp3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)