[size=6]Lãnh đạo và y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên bức xúc khi bị Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên yêu cầu gắn kim vào tĩnh mạch tử tù để thi hành án tử.[/size]
Ngày 9/12, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên đưa phạm nhân Nguyễn Thành Khâu (33 tuổi, ở thôn Trung Lương 2, xã An Nghiệp, huyện Tuy An) phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản từ Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên đến Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk để thi hành án tử hình.
Ngày 11/12, khi thi hành án, Hội đồng thi hành án yêu cầu bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên theo đoàn xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người phạm nhân để thi hành án. Sau đó, năm người của Đội thi hành án Công an tỉnh nhấn nút máy tiêm thuốc độc.
Mặc dù đã bốn ngày sau khi thực hiện hành động đưa kim tiêm vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình bằng thuốc độc, bác sĩ L.C.T và điều dưỡng N.N.T của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vẫn còn bàng hoàng.
Bác sĩ T bức xúc nói: “Nhiệm vụ của bác sĩ được giao là để cứu người chứ đâu ai quy định để xử tử tù”.
Chưa có tiền lệ
Tại cuộc họp toàn cơ quan mới đây, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã không đồng tình việc Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên yêu cầu bác sĩ tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình bằng thuốc độc.
Theo họ, luật chưa nói rõ nhiệm vụ của bác sĩ trong việc thi hành án tử hình nên việc một bác sĩ của bệnh viện bị buộc phải làm việc này là không đúng với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc.
Theo tường thuật của bác sĩ L.C.T, chiều 9/12, anh và điều dưỡng N.N.T được Phòng Tổ chức Bệnh viện cử đi Đắk Lắk để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác thi hành án. Bệnh viện chuẩn bị sẵn dụng cụ cấp cứu, thuốc men để họ thực hiện nhiệm vụ.
Đến Đắk Lắk, một số cán bộ trong Hội đồng thi hành án cho biết nhiệm vụ của bác sĩ là xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người tử tù. Trong khi đó, trong giấy công tác cũng như suốt quá trình đi trên đường, không ai nói nhiệm vụ của họ là gì nên họ chỉ nghĩ mình làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Khi nghe phân công nhiệm vụ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù, bác sĩ T. đã sốc và từ chối thẳng thừng.
Sáng 11/12, khi tiến hành thi hành án tử hình đối với phạm nhân, bác sĩ T. tiếp tục từ chối việc xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào. Sau đó Hội đồng thi hành án yêu cầu bác sĩ T hỗ trợ cho điều dưỡng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù. Được biết, bác sĩ T vừa chỉ mới nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên 4 tháng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nói: “Chúng tôi chỉ nhận công văn yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cử một bác sĩ, một điều dưỡng (nam giới) làm nhiệm vụ tham gia đoàn thi hành án của TAND tỉnh.
Công văn không nói rõ họ đi theo làm nhiệm gì nên chúng tôi nghĩ cử bác sĩ đi để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác hay cấp cứu thông thường. “Nếu biết trước việc buộc đưa tiêm kim vào tĩnh mạch tử tù, lãnh đạo bệnh viện đã báo cáo ngay cho Sở đề nghị xin ý kiến chỉ đạo, vì việc này chưa từng có tiền lệ”, ông Trúc khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Y tế bác sĩ Phan Vũ Nhân, cho biết: "Trong công văn gửi Sở Y tế đề nghị cử bác sĩ tham gia đoàn công tác đi Đắk Lắk thi hành án tử hình phạm nhân, TAND tỉnh không nói để làm nhiệm vụ gì. “Họ chỉ nói cử bác sĩ theo quy định chứ không nói để làm gì nên chúng tôi cũng không biết. Tôi đã đề nghị cử bác sĩ pháp y tham gia với đoàn nhưng TAND tỉnh không đồng ý”.
Sở Y tế phải biết nhiệm vụ mới bổ sung
Đại diện Hội đồng thi hành án tử hình TAND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Phi Đô cho rằng: “Đây là vụ thi hành án tử hình bằng thuốc độc đầu tiên của tỉnh, được thực hiện tại Nhà Thi hành án số 5 (tỉnh Đắk Lắk).
Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đi cùng để xác định tĩnh mạch, tiêm kim vào tĩnh mạch rồi "để đó". Việc nối ống thuốc độc vào kim tiêm cũng như bấm nút để bơm thuốc độc vào phạm nhân do đội thi hành án thực hiện.
Ông Đô, nói thêm: “Việc bác sĩ bệnh viện tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 05-2013 giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng thuốc độc.
Tuy nhiên, tại điều 9 của thông tư này nêu rõ, bác sĩ do sở y tế cử tham gia đoàn thi hành án chỉ để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết, không yêu cầu tự tay tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để hội đồng tiến hành thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Vì thế khi Hội đồng thi hành án tử hình yêu cầu nhân sự ngành y vào đoàn công tác thì họ phải tự biết (!?)
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết, bệnh viện đang chỉ đạo các bộ phận chức năng của bệnh viện rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định việc y, bác sĩ của bệnh viện tham gia Hội đồng Thi hành án tử hình để báo cáo lên Sở Y tế Phú Yên vào tuần tới, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ quy định nào buộc bác sĩ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù bị thi hành án.