Tôi đã có đôi lần viết về bài thơ hài hước dí dỏm nổi tiếng “Hôm nay mùng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà một đĩa xôi/ Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà!” (Tặng C.T.H). Bài thơ mà nhiều người tưởng là khuyết danh ấy chính là của “ông đồ Tú Sót”. Thế nhưng, mãi đến gần ngày mồng 8/3 này tôi mới tìm được người phụ nữ may mắn được Tú Sót đề tặng bài thơ trên.
Bà Chu Thị Hường – người được Tú Sót tặng bài thơ “8 tháng 3 muôn năm”
Tôi đã may mắn tìm được tập thơ “Gà trống đẻ” của Tú Sót (NXB Thanh niên, 1989). “Gà trống đẻ” có khoảng 30 bài dài ngắn khác nhau, gồm nhiều thể loại: thơ lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn,… Trang 40 của cuốn sách này có in bài “8 tháng 3 muôn năm” với 4 câu như nhiều người đã thuộc. Ngoài ra, tranh minh họa của Văn Cao được in ở trang 41. Bài thơ này được tác giả ghi bên dưới tựa đề bài thơ là: (Tặng C.T.H).
Mấy chữ viết tắt đó hẳn phải là tên của một người, mà người đó chắc chắn là một người phụ nữ. Câu hỏi ấy sẽ rất dễ trả lời nếu bây giờ Tú Sót còn sống, vẫn “bày mực tàu giấy đỏ” bên góc phố Bà Triệu. Tuy nhiên, Tú Sót (sinh năm 1930) đã mãi mãi chia tay nhân gian ở tuổi 77 vào tháng 3/2006.
Trong căn phòng nhỏ của KTT trên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội), những bức ký hoa chân dung Tú Sót vẫn được treo trên tường. Rồi mấy bức thư pháp do chính ông viết vẫn được vợ con ông trang trọng lồng trong khung kính. Khi tôi đến, gia đình đang chuẩn bị để ngày 28/2 (âm lịch) tới đây sẽ làm giỗ ông.
Ông đồ Tú Sót
Khi được hỏi về dòng chữ “Tặng C.T.H”, anh Chu Hồng Quý – con trai đầu của Tú Sót cười vang: Đó là ông viết tắt tên của mẹ tôi. Tên mẹ tôi là Châu Thị Hường. Kìa bà, sao mải xem tivi thế?
Người đàn bà với mái tóc bạc như cước vẫn ngồi xoay lưng xem bộ phim truyền hình đang phát sóng trên tivi vội vàng bỏ dở bộ phim quay ra nói chuyện.
Chúng tôi bất ngờ về nét đẹp của bà. Năm nay đã bước vào tuổi 73, nhưng bà Hường hàng ngày vẫn giữ thói quen sáng – chiều đi bộ quanh công viên Thống Nhất. Bà là người cũng quê với ông, ông bà cưới nhau năm 1956. Sau đó bà đi làm công nhân nhà máy dệt Nam Định, còn ông thì lên Hà Nội làm. Thương ông cuối tuần lại phải về, rất vất vả, nhân một lần Nhà máy Thuốc lá Thăng Long về xin người, bà Hường quyết định chuyển lên Hà Nội, khi đó bà bắt đầu mang thai anh Quý - ở tháng thứ 8. Bà trở thành công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long và được phân căn nhà 20m2. Và trong căn phòng này, những đứa con của ông bà lần lượt ra đời, lớn lên.
Cuộc sống hồi đó vốn khó khăn, và Tú Sót không phải là người chồng thức thời. Ông chỉ có nhiều bạn bè. Ông lấy thơ để làm niềm vui cuộc sống. Và một lần sắp tới ngày 8/3, Tú Sót không có tiền để mua tặng vợ một món quà. Ông liền lấy giấy bút làm một bài thơ. Đó chính là bài thơ “8 tháng 3 muôn năm”.
Tôi đã hỏi bà Hường rằng bà có nhớ khi đó là năm nào không? Bà lắc đầu: “Chịu thôi”. Rồi bà kể: “Tôi nhớ hôm ấy làm xong, ông ấy vui lắm, bảo với tôi là vừa làm xong bài thơ này, tặng tôi. Rồi ông ấy đọc lên. Tôi nghe và cũng thấy vui vui. Giờ già rồi, mà ông ấy đã bỏ tôi mà đi. Nay đã sắp tròn 3 năm rồi…”
Câu chuyện của chúng tôi chợt chùng lại. Tú Sót đã đi xa, nhưng những vần thơ của ông trong 7 tập thơ vẫn còn ở lại. Và hôm nay, lại một lần nữa, 4 câu thơ trong bài “8 tháng 3 muôn năm” tiếp tục vang lên, sống cùng những người ở lại…
Hương Thy