Ngày 16 tháng 5 năm 2010 (âm lịch)…
Giỗ năm thứ 9 của ông ngoại!
Lienmerry
Con đã tự hứa với mình một ngày nào đó sẽ viết một bài về ông để gửi lên báoNgôi Sao. Con từng viết nhiều bài về ông, nhưng con đã không gửi. Con suy nghĩ rất ngây ngô rằng người ta sẽ không bao giờ đăng bài viết về một người đã mất - người ấy lại không phải những nhà khoa học hay những bậc vĩ nhân như là Einstein, Picasso hay Newton… Nhưng lần này con sẽ gửi ông ạ. Trong lòng con luôn tin rằng ông thực sự là một người rất quan trọng với con và rất nhiều người… Bởi khi nghĩ về ông, con tin rằng ai cũng nhớ và muốn sống tốt hơn.
Khi còn sống, ông là một người con, người chồng, người cha, người ông mẫu mực… được rất nhiều người yêu mến. Hàng xóm láng giềng ai cũng kính trọng. Hồi sống cùng ông bà, con mới ít tuổi nhưng con đủ hiểu một người tốt là như thế nào…
Con nhớ lắm, đám cưới nào trong làng mà không có ông là mất vui vì ông luôn cười vui và tếu táo. Ông đủ lạc quan để vui với niềm vui của người khác. Ông từng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nên đủ từng trải để cảm thông với nỗi buồn của mọi người… Ông là một giáo viên dạy Lịch sử. Con biết ông còn là một nhân vật quan trọng trong Ban kiến thiết của làng mình.
Đối với con, ông lại càng quan trọng. Bởi vì không có ông thì chẳng ai dạy con học, chẳng ai rèn cho con tính tự giác ngồi vào bàn mỗi buổi tối. Ông không hề cầm roi, hay quát con phải ngồi vào bàn học, ông chỉ nhẹ nhàng động viên, khuyến khích, thích thú nghe con đọc truyện, cười thật to mỗi khi con mang tấm giấy khen học sinh xuất sắc về khoe. Cả những phiếu bé ngoan hồi Mẫu giáo, ông cũng dán chúng thật cẩn thận lên các tờ lịch treo tường.
Ông tự hào kể với các bạn rằng ông có đứa cháu ngoan, chỉ hình dung ra khuôn mặt vui vẻ của ông những lúc ấy thôi là con thấy có hứng học biết nhường nào, con tự nhủ phải cố gắng học tốt để không phụ lòng của ông. Ngày mùng 1/6 năm nào ông cũng có những phần quà nho nhỏ cho tất cả các cháu. Con tự hào vì lần nào con cũng được phần thưởng to nhất. Ngày bé con hay ngủ cùng ông bà và đọc truyện cổ tích cho ông bà nghe. Con đã đọc hết quyển truyện lớp 1 chưa ông nhỉ? Con nhớ nhất là truyện Tích Chu vượt đèo lội suối đi lấy nước Suối Tiên cho bà. Những lúc không đọc truyện, ông lại bày cho con cách tạo ra những con vật bằng hình của bàn tay in trên tường: con công, con chó, con cua, con chim… Chả thế mà bây giờ, trí tưởng tưởng của con thật không tưởng. Có những điều tưởng chừng đơn giản như vậy mà sau này lớn lên con mới thấy chúng thật hữu ích! Tất cả sự dạy dỗ của ông đều xuất phát từ tình thương lớn lao mà ông đã giành cho con. Con thấy mình thật may mắn. Chẳng như nhiều em nhỏ bây giờ, bị bố mẹ bắt học ngày học đêm, mỗi lần đi học phải vác cái cặp to đùng với bao nhiêu sách vở. Rồi đến lúc ngồi vào bàn học mắt díp tịt vì mệt quá.
Ông gầy, móm hết cả hai hàm răng và có một vết thương nhỏ ở chân. Bà kể đó là do ông bị tai nạn sập giàn giáo ở công trường hồi còn trẻ. Hồi bé con rất thích công việc đánh răng giả cho ông mỗi khi ông tháo bộ răng để vệ sinh. Rồi con cứ nhìn ông móm mém đến buồn cười. Trông như ông cụ 80 tuổi ấy!
Thi thoảng vào những ngày chủ nhật, ông lại đèo con và em ra thăm Vườn Bách Thú, Lăng Bác và những người bạn của ông ở Hà Nội. Hồi đó được ra thủ đô là một niềm hạnh phúc rất lớn lao với những đứa trẻ con ở quê như chúng con.
Năm học lớp 6, con đỗ trường huyện, trường chưa xây xong phải học nhờ trường khác, cách nhà 4km, vậy mà 6h sáng nào ông cũng đèo con đi học. Ông đi thật chậm khiến con luôn cảm giác thật an toàn. Đến trường, lúc nào con cũng tự hào khoe với các bạn và cô giáo: “Ông ngoại tớ đấy, ông tớ là giáo viên…”. Giờ khi đã tốt nghiệp đại học và đi làm, sau bao nhiêu năm, cô giáo cũ hồi cấp 2 và bạn học cùng cấp 2 vẫn còn nhớ và hỏi thăm ông.
Mỗi lúc nhắc đến ông, con luôn thấy mình như bé lại. Mỗi đứa trẻ đều có niềm tự hào của riêng mình, còn niềm tự hào to lớn của con chính là ông ngoại. Nhiều lúc con tự hỏi, tại sao người tốt như ông mà chỉ sống đến tuổi 61?
Hồi bé con chưa bao giờ nghĩ thuốc lá có thể gây chết người, vậy mà nó đã làm ông bị lao phổi và cướp đi tính mạng ông. Con còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, con đang quét sân thì thằng em họ vào báo là ông mất rồi! Con không tin vào tai mình nữa, chạy một mạch vào nhà ông, con thấy ông nằm trên giường, hai tay bị buộc chặt bởi một chiếc khăn tang trắng. Và con cứ thế chạy ra ngoài hiên ôm cột khóc nức nở. Chiều hôm ấy trời đột ngột mưa rất to như thể ông trời cũng khóc thương ông cùng với con vậy.
Hôm sau trời lại nắng ráo, con chưa bao giờ thấy đám ma nào dài như đám ma của ông, có rất nhiều người đến đưa tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong những bức ảnh chụp lại, con thấy màu vàng rợp cả cánh đồng… Màu vàng và màu trắng của khăn tang không làm con cảm thấy cái không khí u ám của một đám ma bình thường… mà nó lại có một hơi ấm kì lạ, hơi ấm trong sự đau thương, mất mát của những người thân, bà con họ hàng, bạn bè của ông. Nó giống như chính con người ông vậy, cho dù đã rời xa cuộc đời, nhưng ông vẫn để lại những hình ảnh tốt đẹp, ấm áp trong lòng mọi người…
Có phải sống chết là có số? Nếu sau này con bắt buộc phải giã từ cuộc đời sớm như ông thì con sẽ không sợ đâu vì ông con đã ra đi trong sự thanh thản, trong sự nuối tiếc của bao nhiêu người. Có những con người hay làm việc xấu, tâm trạng lúc nào cũng lo sợ, đến lúc lìa trần rồi vẫn có cảm giác không yên.
Và từ ấy, con không còn được nhìn thấy niềm tự hào trong mắt ông, không được nghe tiếng cười vang vang của ông nữa, nhưng hình ảnh ông vẫn mãi trong tâm trí con, con tự dặn mình phải luôn cố gắng để ông vẫn tự hào về cháu mình với các bạn ở thế giới bên kia.
Con cứ ước giá ông sống thêm ít nhất là 20 năm nữa… 61 tuổi đối với những người ở quê thì mới bắt đầu được an nhàn, thế mà ông đã đi rồi. Mỗi lần nhắc về ông, bà ngoại, mẹ con, dì và các cậu ai cũng xúc động. Mọi người luôn có một chuyện gì đó để kể vì cuộc đời ông dường như gắn liền với các câu chuyện. Ước gì con có thể gom tất cả lại để viết thành một cuốn sách.
Con không biết viết văn tế… nhưng con thực sự muốn viết một vài điều về ông ngoại, con ước ông còn sống để đọc được những dòng này. Nhưng con biết ông đã đi rất xa và rất bình yên vì ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn!