(Dân trí) - Bé gái chừng 15 tháng tuổi bị bỏ rơi tại Viện tim mạch và đã chuyển về khoa Nhi (BV Bạch Mai) được hơn một tuần nay. Bé được đặt nằm ngay trước khu hành chính của khoa, lặng lẽ tự chơi, tự ngủ, khóc ròng nhưng chẳng có bàn tay bế bồng, chăm bẵm…
>> Quỹ Nhân ái đến với em nhỏ bị bỏ rơi trong bệnh viện
Sáng nay, khi chúng tôi đến khoa Nhi, em cũng đang lặng lẽ nằm một mình. Thỉnh thoảng, các y tá, điều dưỡng mới ghé qua, cưng nựng em vài câu rồi lại tất tả đi làm. Người nhà bệnh nhân ở đó, thấy em thương quá, vì thấy em nằm một mình, thức cũng không có người cùng chơi, khóc cũng chẳng có người dỗ dành, buồn ngủ khóc chán rồi ngủ… nhưng cũng chỉ có thể ngó qua chứ cũng không có thời gian chăm bẵm. Cặp mi dài của bé lúc nào cũng ươn ướt vì nước mắt.
Bé Việt Nhật nằm chơ vơ một mình mong ngóng người thân từng giờ
Chị Lan đang chăm con bị sốt tại khoa Nhi cho biết: “Nhìn con tội lắm, buồn ngủ, khóc, chơi một mình. Các y bác sĩ thì ai cũng bận rộn, họ chỉ cho con ăn khi đến giờ ăn. Ngay cả mình cũng vậy, cũng muốn bế bồng, cưng nựng con, nhưng con gái mình cũng ốm, sốt lúc nào cũng ôm rịt lấy cổ. Ai cũng thương nhưng không thể có nhiều thời gian để bế bồng, cưng nựng bé, thật tội”.
Y tá Vũ Bích Hằng cho biết, em bé được chuyển tới khoa nhi lúc 10h đêm hôm 15/6, trong tình trạng đói, khát, quấy khóc và bẩn thỉu bởi mồ hôi, nước đái… Nhưng vì chuyển đến giữa đêm tối, nên các y tá, điều dưỡng kíp trực cũng chỉ xin được giấy ướt, sữa từ phòng sơ sinh để lau rửa tạm và cho bé ăn. Cũng chẳng biết tên tuổi, năm sinh của con, cả khoa nhất trí gọi con là Việt Nhật. “Cái tên hơi nam tính, nhưng hi vọng, nhờ cái tên nam tính đó mà con có thêm sự cứng cỏi để đối mặt với thực tế”, cô Hằng nói.
Trước đó, hôm 15/6, tại hành lang khoa C4 (Viện tim mạch), người dân đi khám bệnh thấy một em bé được đặt nằm trên ghế ngồi chờ khám bệnh ở hành lang cả mấy tiếng đồng hồ, kêu khóc cũng không thấy người thân tới cưng nựng, dỗ dành. Nghi ngờ, mọi người mới bế bé lên đi báo bảo vệ, tỏa đi hỏi han, tìm xem ai là người thân của bé nhưng cả một ngày trời cũng không có ai nhận bé. Bên cạnh bé lúc đó có một bọc quần áo, 3 hộp sữa tươi và 100 ngàn đồng để trong túi quần áo… mọi người dù không muốn tin nhưng cũng phải chấp nhận thực tế, bé gái đáng thương bị bỏ rơi.
"Đứa bé đâu có tội tình gì mà nỡ bỏ con, chỉ mong, người mẹ ấy quay lại, chắc rằng, chẳng ai trách móc chị ấy. Chị hãy quay lại nhận con, để con không phải là đứa trẻ mồ côi, no đói cũng có mẹ, có con qua ngày”, một người mẹ vừa sinh con xót xa nói khi đút nước cho bé Nhật.
Sau khi được đưa vào khoa Nhi, bé được khám sức khỏe tổng thể nhưng sức khỏe hoàn toàn bình thường, chỉ bị bệnh do di chứng não khiến phản xạ của bé rất chậm, không có phản xạ mút, uống nên buộc phải đặt xông dạ dày để cho bé ăn uống. “Đêm bé được đưa tới, chúng tôi chỉ kịp xin một chút sữa trong phòng sơ sinh. Còn hiện tại mỗi ngày con đều được ăn suất ăn từ thiện của bệnh viện là súp và sữa. Còn những vật dụng sinh hoạt cá nhân của con, từ cái bỉm, chai nước, bình pha sữa…đều do người thân của những bệnh nhi ở đây quyên góp cho bé”, cô Hằng cho biết.
“Hôm nay bé có màn mới rồi đó, nhìn con đỡ tội rồi. Chứ như những hôm trước, vì không có màn, các cô hộ lý ở đây đã dùng những mảnh tã sơ sinh khâu lại thành màn cho bé nên che chắn không tốt, bé bị muỗi đốt chi chít trên mặt. Đêm hôm qua, có một chú đưa con vào viện khám, nhìn Việt Nhật nằm lặng lẽ trên chiếc giường sơ sinh bằng sắt, “màn” được khâu vá chùm vá đụp, thấy thương tình nên đã mua cho con chiếc màn mới”, cô Nguyễn Thị Hiên, hộ lý tại khoa cho biết.
Chị Hiên là người trực tiếp tắm rửa cho bé mỗi ngày từ hôm được đưa bé về khoa, chị kể: “Đừng nói là bé bị di chứng não mà không có nhận thức gì nhé, bé biết hết đấy. Khi tắm cho bé, bé biết liếc mắt nhìn người tắm, rồi khi rửa mắt mũi cho bé bằng muối sinh lý, bé có phản xạ giơ hai tay lên như muốn đẩy ra. Đang khóc, được bế bồng, cưng nựng thì cũng im bặt… Giá như bé có bàn tay mẹ chăm lo, bế bồng”.
[justify]Hiện nay, mỗi ngày bé ăn khoảng 6 lần qua đường xông. Mỗi lần con ăn được 150ml. “Chắc ở nhà, Việt Nhật cũng được mẹ cho ăn bằng thìa, vì khi bón nước, con rất thích và cũng nuốt. Nhưng ở đây, mọi người đều bận rộn, chẳng thể có thời gian chăm bón từng thìa súp, giọt sữa nên đành phải cho ăn qua xông. Con ăn đủ cả các loại, từ súp, sữa tươi, sữa hộp… ai cho gì các cô đều cho ăn nấy. Trộm vía con ăn tốt, đủ nhu cầu nhưng tiêu hóa hơi kém, hay bị táo bón. Cũng bởi không có người chăm bẵm, khi thì ngụm nước, lúc thì tí trái cây, rau xanh như ở nhà… vì thế, chúng tôi đang làm thủ tục để gửi bé đến trại mồ côi. Có lẽ, mẹ cháu vì hoàn cảnh nghèo khó, con lại bệnh tật nên mới bỏ con lại. Nhưng con mình đứt ruột đẻ ra, sao dễ dàng bỏ con lại vậy. Dù sau này bé có vào trại mồ côi, cũng được mọi người quan tâm, chăm sóc, nhưng tình cảm đó sao bằng tình mẫu tử mẹ - con. Chỉ mong, người mẹ ấy biết thông tin về con để quay lại nhận nuôi bé. Tôi tin, còn rất nhiều tấm lòng tốt sẵn sàng chia sẻ những khó khăn về vật chất để giúp đỡ người mẹ nuôi đứa con tàn tật. Hơn 10 ngày nằm ở đây, bé đã được mọi người giúp đỡ, ủng hộ rất nhiều, người có sữa cho sữa, người có bỉm cho bỉm, rồi ủng hộ cả tiền…”, cô Hằng nói.[/justify]
[justify]Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, một phụ nữ còn rất trẻ, mới 27 tuổi vừa sinh con nhỏ cũng tranh thủ giờ trưa vội vàng vào thăm bé. “Con mình ở nhà được mẹ bé bồng, chăm bẵm từng li từng tí, vậy mà Việt Nhật thì ngược lại, không nhận được hơi ấm từ bàn tay mẹ. Thương con quá, chỉ vào được chốc lát, bón cho con ngụm nước, thìa sữa lại phải về. Đứa bé đâu có tội tình gì mà nỡ bỏ con, chỉ mong, người mẹ ấy quay lại, chắc rằng, chẳng ai trách móc chị ấy. Chị hãy quay lại nhận con, để con không phải là đứa trẻ mồ côi, no đói cũng có mẹ, có con qua ngày”.[/justify]
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Bé Việt Nhật - hiện đang được chăm sóc tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: [[email protected]][email protected][/email] |