[size=4]Hồi nhỏ, hẳn cũng như tớ - trước khi vào giờ học - thể nào bạn cũng sẽ cùng cả lớp đọc to năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng. Tớ còn nhớ điều dạy thứ 5 của Bác: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đức tính “khiêm tốn, thật thà” thì có thể bạn đã có rồi. Nhưng còn “dũng cảm”? Thật sự không phải là ai cũng có đâu nhé, nhất là với teen mình.[/size]
[size=4]1. Từ vài ví dụ (không) điển hình[/size]
Bữa đó, tớ vào thư viện trường và bắt gặp một tình huống khá là hi hữu. Chả là, quyển sách tham khảo mà tớ đang rất cần đang nằm chình ình trên mặt bàn, trước mặt một bạn trai. Mà, bạn ý lại không có vẻ gì là đang đọc quyển sách đó chứ. Thế là, tớ mừng húm, đi ra chỗ bạn trai đó hỏi mượn. Ai dè, dù tớ có hỏi han thống thiết đến thế nào thì bạn trai này cũng kiên quyết không cho mượn với lí do: “ Bạn tớ nhờ tớ giữ hộ. Cho bạn mượn thì tớ biết hỏi ai?” Dù tớ có cam đoan là tớ sẽ trả ngay sau khi tớ phô tô xong những trang cần đọc thì cậu bạn đó vẫn giữ bộ mặt lạnh như tiền, không thèm “đếm xỉa” gì tới nguyện vọng của tớ. Hic hic, biết làm gì với con người ích kỉ tới vô lí này? Cực chẳng đã, tớ phải nhờ tới các cô quản lí thư viện và cuối cùng thì cũng đạt được mong muốn. Cứ tưởng, mình làm thế là đúng, ai dè, có mấy bạn xung quanh thì thào: “Trời, có quyển sách mà cứ làm um xùm lên. Nhỏ này trông thế mà ghê thật.” Tớ bất ngờ quá, sách trong thư viện là sách dùng chung cho tất cả học sinh, ai cũng có quyền đọc sách. Tớ làm thế cũng là hợp lí thôi, sao các bạn ấy lại nghĩ vậy nhỉ? Chẳng nhẽ, cứ im lặng cho cậu bạn kia bảo vệ quan điểm vô lí của mình mới là “hiền”?
Lần khác, tớ vào quán Internet, thấy có một cô bạn đang tranh cãi với bác chủ quán. Thì ra là chuyện màn hình vừa báo giá tiền là 2.300 đ mà khi ra trả tiền thì bác chủ quán đã “hô” 3000 đ rồi. Thấy vô lí nên cô bạn mới phải hỏi lại. Sau một hồi quanh co với những lí do như máy tính tiền nhảy số, do làm tròn (thật buồn cười là sao không làm tròn thành 2.500 mà lại là 3000 đ”) thì bác chủ quán cũng phát mệt lên với cô khách hàng “cứng đầu” và bảo: “Thôi, đưa 2.500 đây và lần sau đừng có lại đây nữa”. Cô bạn này tâm sự với tớ: “Thực ra, mấy trăm đồng không phải là quá quan trọng. Nhưng tớ ghét cái cách ăn chặn của bác chủ quán. Tớ chứng kiến cảnh này nhiều lần rồi, cũng chả thấy ai nói cả. Hôm nay, tớ rơi vào trường hợp này, bất bình nên mới phải nói”.
Đấy chỉ là những câu chuyện mà có thể bạn cho là quá nhỏ bé, và những hành động đó thì chưa hẳn đã là dũng cảm. Nhưng bạn ạ, đôi khi, chính những hành động tưởng là rất đơn giản như thế lại hình thành cho chúng ta quan điểm và thái độ sống của riêng mình. Sống một cách mạnh mẽ, dám nghĩ, dám nói lên những điều mình nghĩ và mình cho là đúng hay im lặng, kể cả là trước những điều vô lí, bất công? Điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn mà thôi.
[size=4]2. Đến một thực tế rộng lớn hơn[/size]
Trong cuộc đời học sinh của chúng mình, có lẽ không ít lần bạn có câu trả lời cho những câu hỏi của thầy cô giáo nhưng vì sợ sai nên không dám giơ tay phát biểu. Để rồi, khi một bạn khác trả lời đúng và câu trả lời này không khác với ý bạn là bao thì mới tiếc hùi tiếc hụi? Hoặc, có một lần khác, bạn có một ý tưởng khác, một cách giải mới cho bài toán nhưng vì sợ mọi người đánh giá nên bạn đã “ém nhẹm” ý tưởng đó cho riêng mình? Hay, như tớ đã từng biết, trong một đợt thi tuyển lấy học bổng tiếng Anh, bên cạnh những người làm bài tốt thì vẫn có những người làm bài kém hơn. Thế là, khi tới hạn lấy kết quả thi tuyển, những người này - do không tự tin với bài làm của mình nên đã không dám “bén bảng” tới lấy kết quả. Họ đâu có biết, hành động này, vô tình đã để lại một ấn tượng rất xấu cho những người tổ chức thi tuyển vì nó chứng tỏ họ là người hèn nhát, không dám đối diện với sự kém cỏi của chính mình.
Thế đấy, “dũng cảm” không phải là một điều gì đó quá đao to, búa lớn, không cao xa ở tận đẩu đâu và phải khó khăn lắm thì bạn mới rèn được cho mình tính dũng cảm. Đức tính này thể hiện ngay trong những việc làm hàng ngày. Bất kì khi nào bạn cũng có thê chứng mình rằng mình không hèn nhát. Còn nếu như bây giờ bạn chưa được dũng cảm cho lắm, thì bạn cũng đừng buồn, mình có thể rèn luyện để trở thành người dũng cảm cơ mà.
[size=4]3 Làm sao để dũng cảm?[/size]
Cũng như những đức tính khác, dũng cảm có thể học được, có thể được bạn tiếp thu trong quá trình sống của mình. Thật đấy, nếu như bạn trang bị cho mình một vốn hiểu biết phong phú, một kho tri thức dồi dào thì bạn sẽ không còn thấy e dè vì những gì mình không biết, không hiểu nữa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu thêm về pháp luật, về những hành vi được phép làm và không được phép làm, hay quyền lợi chính đáng của mình là gì. Có sự am tường về pháp luật thì bạn sẽ thấy tự tin hơn khi bắt tay vào làm một việc nào đó.
Thế nào, bạn có còn thấy dũng cảm là một điều gì đó quá khó nữa không?