Chiều 20/4, Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm của bệnh nhân nam, 51 tuổi, tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội là dương tính với phẩy khuẩn tả.
Bốn ngày trước đó, bệnh nhân này vào Bệnh viện E điều trị với các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần, phân lỏng như nước vo gạo. Kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy ông bị dương tính với phẩy khuẩn tả.
Bệnh nhân tả điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia năm 2008.Trước khi nhập viện, người đàn ông này sử dụng những thực phẩm như thịt chó, mắm tôm sống, rau sống… Hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Cục Y tế Dự phòng cho biết, đây là trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên của năm 2009, và đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.
Tuy vậy, Cục nhận định tình hình thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, dễ phát sinh ngập lụt và là điều kiện để mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường. Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận dịch tả. Sự giao lưu qua lại giữa các vùng, các nước ngày càng làm tăng nguy cơ xâm nhập bệnh.
Cục khuyến cáo người dân nên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch. Khi có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Từ năm 2005 đến nay, các ca bệnh tả đã xuất hiện rải rác ở các tỉnh, sau đó lan ra nhiều nơi ở miền Bắc, miền Trung, và cả miền Nam. Năm 2008, Bộ Y tế từng nhận định có khả năng vi khuẩn tả đã lưu hành trong đất, và không thể dập triệt để nguồn lây.
Tả là một tình trạng viêm nhiễm đường ruột cấp tính do dùng thức ăn nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae. Sau 2 giờ đến 5 ngày ủ bệnh, các triệu chứng nôn, tiêu chảy… xuất hiện. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ có 1/4 số người mang vi khuẩn tả có biểu hiện đó. Những người khác mang khuẩn tả, dù không có triệu chứng, vẫn là nguồn lây.