Tâm sự - chia sẻ 2011-06-01 10:03:57

Bất tử____________




~~~ Chùm truyện ngắn trong lòng bàn tay ~~~
Bất tử

Một ông già và một thiếu nữ sóng bước bên nhau.

Có một chút kỳ lạ ở họ. Họ nép mình vào nhau như thể là tình nhân, cứ như không cảm thấy khoảng cách sáu mươi năm tuổi đời của họ.

Ông già thì lãng tai. Nào có nghe rõ lời cô gái. Nàng mặc chiếc váy hakama màu hạt dẻ với một manh kimono tím trắng vẽ hoa văn mũi tên rất đẹp. Tay áo dài tha thướt. Còn ông già thì ăn mặc như một thôn nữ đang cắt cỏ trên đồng dù không quấn xà cạp. Tay áo hẹp và quần bó quanh mắt cá chân trông giống xiêm y nữ. Quanh eo lưng gầy thì áo trở nên thùng thình.

Họ băng qua sân cỏ. Một tấm lưới thép cao đứng chắn trước họ. Đôi tình nhân ấy dường như không nhận thấy rằng họ sẽ đi thẳng vào trong lưới nếu như họ cứ bước song hành. Chân họ chẳng dừng, mà đi xuyên qua tấm lưới như một làn gió xuân.

Đã bước qua rồi, cô gái mới để ý đến tấm lưới. Nàng nhìn ông già: “Shintarô, anh cũng đi xuyên lưới được à?”. Ông già không nghe nàng nói gì, chụp lấy tấm lưới thép: “Cái đồ chết tiệt này!”. Ông lay mạnh tấm lưới, đến nỗi lưới lôi ông ngã lăn kềnh. “Coi kìa, Shintarô! Sao thế này?”. Cô gái choàng tay đỡ ông đứng lên. Nàng bảo: “Buông lưới đi… ôi, anh nhẹ quá!”. Ông già cuối cùng cũng đứng dậy được, hổn hển nói: “Cám ơn em”. Ông nắm lấy tấm lưới lần nữa, nhưng bằng một bàn tay nhẹ nhàng. Đoạn, cất cao giọng theo kiểu người điếc: “Anh đã từng nhặt bóng bên tấm lưới hằng ngày. Trong suốt mười bảy năm ròng”. “Mười bảy năm là dài ư?… ngắn thôi mà”. “Người ta vụt bóng tùy thích. Bóng mà đập vào lưới thép thì gây tiếng vang khủng khiếp. Nghe mà rùng mình. Vì tiếng động đó mà anh hóa điếc. Đó là một tấm lưới thép bảo vệ cho các tay chơi bóng ở sân luyện tập. Khung lưới có bánh xe ở đáy để tiện di chuyển tới lui hay kéo sang phải, trái. Sân luyện tập và sân quần gần đó, cách nhau mấy cụm cây. Trước đây, đó là cả một cánh rừng có biết bao nhiêu là loại cây cỏ, nhưng bị đốn hạ cho đến khi chỉ còn một hàng cây lệch lạc”.

Hai người đi tiếp, bỏ xa tấm lưới phía sau. “Nghe tiếng biển reo mà nhớ bao kỷ niệm đẹp”. Muốn ông già nghe được những lời ấy, cô gái áp miệng vào sát tai. “Em nghe tiếng biển reo”. Ông già nhắm mắt lại. “Gì thế? A, Misako. Hơi thở êm dịu của em. Cứ như ngày xưa”. “Anh không nghe biển reo à? Nó không làm anh nhớ những kỷ niệm yếu dấu sao?”. “Biển… em nhắc đến biển? Những kỷ niệm yêu dấu? Biển đã dìm chết em cơ mà, làm sao mang lại những kỷ niệm yêu thương?”. “Được chứ anh. Đây là lần đầu em trở lại quê nhà sau năm mươi lăm năm trời. Và anh cũng trở về đây. Chuyện ấy đã gợi nên bao kỷ niệm”. Ông già không nghe được lời nàng, nhưng nàng cứ nói tiếp: “Em vui là em đã tự trầm mình. Chính vì thế mà em nhớ anh mãi mãi, hệt như đúng lúc em trầm mình. Hơn nữa, những kỷ niệm em có ở tuổi mười tám vẫn nguyên vậy. Anh mãi mãi trẻ trung đối với em. Và em cũng vậy đối với anh. Nếu em đã không chết đuối và rồi anh về làng hôm nay gặp anh, em đã là một bà lão. Chán lắm. Em không muốn anh nhìn thấy em như thế đâu”.

Và ông già nói. Đó là một độc thoại của người điếc. “Anh đã lên Tokyo nhưng thất bại với đời. Và giờ đây, già yếu mà quay về làng. Có một cô gái đau buồn vì chia cách, đến nỗi trầm mình trong biển. Chính vì thế anh đã xin làm ở một sân luyện tập nhìn ra biển. Van xin nài nỉ người ta nhận vào… dẫu chỉ vì thương xót”. “Mảnh đất mà ta đang đi là khu rừng mà trước đây đã từng thuộc về gia đình anh đấy”. “Anh chẳng biết làm gì ngoài nhặt bóng. Nhặt đến đau nhức cả lưng… Nhưng có một cô gái đã tự tử vì anh. Có vách đá ngay bên mình, vì thế chỉ cần đảo mình là nhảy qua nó. Anh đã từng nghĩ thế”. “Không. Anh phải tiếp tục sống. Anh chết thì còn ai trên đời nhớ đến em. Em sẽ phải chết hoàn toàn”. Cô gái dựa sát ông. Ông già không nghe được lời nàng, song ôm giữ nàng. “Thế đấy. Chúng ta cùng chết với nhau đi. Lần này… em tìm đến anh, phải không?”. “Cùng nhau. Nhưng anh phải sống. Sống vì em, Shintarô”. Nàng hổn hển khi nhìn qua vai ông. “Ôi, những cây lớn kia vẫn còn đó. Đủ cả ba… y như ngày xưa”. Cô gái đưa tay chỉ và ông già quay mắt về cụm cây lớn. “Bọn chơi quần vợt rất sợ đám cây đó. Họ bảo đốn chúng. Khi họ vụt một quả bóng, họ nói rằng nó lượn vèo về bên phải như thể bị ma lực của đám cây đó hút nó”. “Họ chết đúng hạn kỳ - trước đám cây kia. Cây thì đã hàng trăm tuổi rồi. Người chơi quần vợt nói thế mà không hiểu khoảng đời quá ngắn ngủi của con người”. “Đấy là những cây mà tổ tiên anh đã trông nom hàng trăm năm. Vì thế anh đã bắt người mua đất hứa rằng không đốn hạ chúng”. “Đi thôi”. Cô gái kéo bàn tay ông già. Họ chập chờn đi về phía đám cây ấy. Cô gái dễ dàng đi xuyên thân cây. Và ông lão cũng làm như thế. Nàng nhìn ông ngạc nhiên. “Sao? Anh chết rồi à, Shintarô? Anh? Anh chết khi nào?”. Ông không đáp lời. “Anh đã chết… phải không? Vậy sao em không gặp anh trong thế giới người chết kia chứ. Thôi thì xin anh thử đi xuyên qua cây lần nữa xem có chết thật không. Nếu như anh chết rồi thì ta đi vào cây mà ở lại đó”.

Họ biến mất vào trong cây. Ông già lẫn cô gái không trở ra nữa. Màu chiều bắt đầu trôi xuống những cây non đằng sau đám cây lớn. Bầu trời xa kia chuyển sang màu đỏ nhạt nơi trùng dương đang hát.



Sấm mùa thu

Hôn lễ chúng tôi cử hành trong một lữ quán có tiếng sáo trúc kiểu xưa ngân nga. Mùa thu mới bắt đầu, cũng là lúc các cô gái xuân thì từ biển trở về và lượn quanh thành phố như những con ngựa tơ xinh đẹp, lông màu hạt dẻ.

Bất thình lình chớp lóe sáng khung cửa sổ và sấm nổ rền như muốn phá tan hôn lễ. Cô dâu mười bảy tuổi của tôi trắng xanh sắc mặt. Nàng nhắm nghiền mắt lại và thân thể rũ xuống như một lá cờ ướt sũng.

- Đóng cửa sổ, đóng màn lại mau!

Sau khi hôn lễ kết thúc, cha vợ tôi mới bảo: “Con gái tôi sợ sấm có thể là do một lời nguyền xưa. Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện này, về một đứa con trai hiếu thảo của xứ Tamba thuở nào:

“Yoshida Shichizaemon ở thôn Haji, hạt Amada trong xứ Tamba hết lòng phụng dưỡng cha mẹ đến nỗi lãnh chúa cũng phải biểu dương lòng hiếu thảo ấy và miễn cho anh khỏi đóng thuế đất.

Đã thế mẹ của Shichizaemon lại rất sợ sấm, chỉ cần nghe một tiếng trống gõ là bà có thể ngất xỉu. Vì thế cho nên bất kỳ khi nào nghe thấy tiếng sấm rền là Shichizaemon đâm bổ về nhà, cho dù anh đang ở đâu hay đang làm gì. Vào mùa hạ anh không dám đi đâu xa, chỉ đến thôn làng lân cận là cùng.

Thế cũng chưa đủ. Ngay cả sau khi mẹ qua đời, cứ nghe thấy tiếng sấm là anh chạy ngay đến nghĩa trang, vòng tay ôm chặt mộ của bà.

Một đêm kia, trong khi Shichizaemon ôm ghì mộ bia suốt cơn dông, anh bị sét đánh chết. Sáng hôm sau trời trong xanh và tươi đẹp.

Khi một người dân trong làng cố gỡ cánh tay Shichizaemon ra khỏi bia mộ thì nó vỡ ra từng mảnh. Thân thể cháy đen của anh đã trở thành một hình tượng bằng tro, chạm vào là vỡ vụn.

Rõ ràng là kéo chàng Shichizameon hiếu thảo ra khỏi mộ chí kia là một điều lầm lẫn.

Một bà lão nhặt lên một ngón tay của anh vừa rơi xuống đất và cất vào trong tay áo. Bà nghiêng mình mà nói: “Để cho thằng con trai vô tâm, bất trị của già này uống”.

Các thôn dân khác cũng bắt chước nhặt nhạnh từng mảnh hài cốt. Thứ tro linh ấy đã truyền từ đời này sang đời khác như thể gia bảo. Khi ta còn nhỏ mẹ ta đã cho ta uống. Không biết có phải vì thế mà ta-và cả con bé này nữa-sợ sấm hay không”.

- Vậy là cô bé này (tôi ám chỉ người vợ mới) cũng được cha cho uống tro ấy à?

- Không, ta quên. Nhưng nếu bên nhà con thích thì ta sẽ gửi một gói cho nó.

Trong căn nhà mới của chúng tôi ở ngoại ô thành phố, bốn con dế nhảy ra từ phía sau chiếc bàn làm việc mới tinh của vợ tôi. Chiếc khăn phủ trắng muốt cũng chưa thay. Người vợ mới của tôi ánh lên vẻ rạng rỡ của một bó hoa tử đinh hương vào đầu mùa hạ. Thế rồi một lần nữa, tiếng sấm cuồng bạo lại nổ rền như thể mùa hạ đang tự hủy. Khi tôi ôm giữ cô dâu bé nhỏ đang run rẩy của mình, cái mà tôi cảm thấy trước hết qua làn da nàng là một người mẹ trong nàng.

Ai dám bảo tôi sẽ không trở thành một hình hài cháy rụi khi tôi ôm ấp cái bia mộ mềm mại ấm nồng này? Chớp lóe sáng. Sấm như thử biến chiếc giường cưới của chúng tôi thành một chiếc giường chết chóc, vang động rầm rĩ trên mái nhà.

- Màn, đóng màn lại mau!



Cánh rừng trong gương

O-kayo không hiểu tại sao một người có thể tự mình đi tàu, rồi từ nhà ga ngoại ô về tận đây lại phải cần nắm tay đắt đi trên con đường trở ra nhà ga. Nhưng, cho dù nàng không hiểu đi nữa thì chuyện đó cũng đã trở thành bổn phận của nàng rồi. Lần đầu tiên khi Tamura tìm đến nhà, mẹ nàng đã bảo: - O-kayo, đưa ông ấy ra ga đi con.

Khi đi ra khỏi nhà, Tamura chuyển cây gậy dài sang tay trái, rồi mò mẫm tìm bàn tay của O-Kayo. Khi nhìn thấy bàn tay gã quờ quạng mơ hồ trên ngực nàng, O-Kayo đỏ bừng mặt, chỉ còn cách chìa bàn tay của mình ra.

- Cám ơn. Em vẫn còn là một cô bé, - Tamura nói.

O-Kayo tưởng rằng nàng cần phải giúp gã bước lên tàu, nhưng khi đã lấy vé xong và đã ấn một đồng tiền vào lòng bàn tay nàng, Tamura nhanh nhảu đi qua cổng soát vé một mình. Gã lần bước theo con tàu, không ngừng lướt bàn tay trên hàng cửa sổ, tiến về phía cửa lên xuống. Cử động của gã rất thành thục. Dõi theo đó, O-Kayo cảm thấy yên lòng. Khi con tàu xuất phát, nàng không thể không mỉm cười. Nàng thấy dường như có một năng lực kỳ lạ nơi các dấu ngón tay của gã, như thể đó chính là đôi mắt gã vậy.

Còn nhờ một chuyện. Bên cửa sổ thắp sáng nắng chiều, chị nàng là O-Toyo đang ngồi chỉnh lại phấn son.

- Anh có thấy bóng gì trong gương? - Nàng hỏi Tamura. Ngay cả O-Kayo cũng thấu rõ ác ý của chị mình. Chẳng phải là chính O-Toyo, đang điểm phấn to son lại, ánh hình trong gương đó sao?

Nhưng nỗi hiểm ác của O-Toyo chẳng qua là cô tự say mê bóng mình. “Một người đàn bà đẹp như thế này mà lại quá tốt với anh kia đấy”, giọng cô đầy ẩn ý bao vây Tamura.

Từ chỗ ngồi của mình, Tamura lặng lẽ nhích đến bên cô. Gã bắt đầu ve vuốt mặt gương bằng các đầu ngón tay của mình. Rồi với hai bàn tay, gã xoay đài gương.

- Này, anh đang làm gì thế?

- Soi bóng cánh rừng.

- Rừng?

Như thể bị gương thu hút, O-Toyo lê đầu gối đến trước gương.

- Nắng chiều đang chiếu qua cánh rừng.

O-Toyo nhìn Tamura với vẻ ngờ vực khi gã lướt đầu ngón tay trên mặt gương. Cười nhạt, cô xoay đài gương về chỗ cũ. Một lần nữa, cô chăm chú điểm trang.

Nhưng O-Kayo thì ngạc nhiên vì cánh rừng trong gương. Đúng như Tamura đã nói, mặt trời lặn đang chiếu một ánh sáng tím mờ xuyên qua những ngọn cây cao lớn trong rừng. Những chiếc lá mùa thu to rộng, bắt ánh nắng từ phía sau, chiếu ngời lên, trong suốt và ấm áp.

Đó là một buổi chiều vô cùng êm ả vào ngày mùa thu ngát hương. Dù vậy ấn tượng về cánh rừng trong gương rất khác với một cánh rừng thật. Có lẽ vì cái mong manh êm dịu của ánh sáng, như lọc qua tơ lụa, không phản ánh được, nên ở đấy có cái gì đó mát trong sâu thẳm, tựa hồ như đấy là một phong cảnh ở đáy hồ.

Cho dù O-Kayo vẫn nhìn thấy một cánh rừng thật từ cửa sổ nhà nàng mỗi ngày, nàng có bao giờ chăm chú ngắm nhìn đâu. Nghe người đàn ông mù diễn tả, dường như nàng thấy lần đầu tiên trong đời một cánh rừng.

Tamura thật sự nhìn thấy cánh rừng đó thiệt sao, nàng tự hỏi. Nàng muốn hỏi gã xem gã có biết sự khác nhau giữa một cánh rừng thật và một cánh rừng trong gương. Bàn tay gã đang ve vuốt gương, đối với nàng sao mà huyền bí.

Do vậy, khi bàn tay nàng bị Tamura nắm lấy lúc ra ga, nàng bỗng nhiên hoảng sợ. Nhưng vì điều đó cứ lặp lại như một phần hiển nhiên trong phận sự của nàng mỗi khi Tamura đến nhà, rồi nàng cũng quên nỗi sợ ấy.

- Ta đang đi ngang qua hàng trái cây, phải không?

- Đến cửa hàng tang ma rồi à?

- Chưa tới hàng đậu ư?

Mỗi lần đưa đắt gã đi trên đường, Tamura vốn không phải lúc nào cũng đùa cợt, lại càng không phải lúc nào cũng nghiêm trang, thường hay hỏi những điều như thế.

Về phía bên phải, có hàng thuốc lá, trạm kéo xe, hàng giày dép, hàng giỏ mây, quầy bán cháo đậu đỏ với bánh đúc.

Về phía trái là hàng rượu, hàng vớ, quán mì, quán sushi, hàng gia dụng, hàng mỹ phẩm, phòng răng - đúng như O-Kayo đã chỉ dẫn cho gã biết. Tamura nhớ rõ thứ tự các cửa hiệu dọc theo sáu, bảy dãy phố trên đường ra ga.

Gọi lên từng tên cửa hiệu ở hai bên đường khi đi ngang đã trở thành một trò chơi quen thuộc của gã. Do vậy, có gì mới ở hai bên đường, như một cửa hàng mỹ thuật Nhật hay một khách sạn kiểu Tây phương, O-Kayo đều báo cho Tamura hay. Nghĩ rằng Tamura bám vào trò chơi u buồn này để làm nàng ngạc nhiên, O-Kayo vẫn lấy làm lạ rằng gã biết mọi ngôi nhà bên đường cứ như người sáng mắt. Nhưng, dù nàng không nhớ từ bao giờ, trò chơi đã trở thành một tập quán.

Có lần, khi mẹ nàng nằm bệnh, Tamura hỏi: - Hôm nay có hoa giả ở cửa hàng tang ma không?

Như thể bị dội nước lên mình, O-Kayo hoảng hốt nhìn Tamura.

Lần khác, bỗng nhiên gã hỏi: - Đôi mắt của chị em đẹp lắm nhỉ?

- Vâng, rất đẹp.

- Đẹp hơn mọi người khác?

O-Kayo im lặng.

- Đẹp hơn đôi mắt em chứ, Kayo?

- Nhưng làm sao mà anh biết chứ?

- Thế nào à? Người chồng của chị em bị mù. Kể từ khi chồng chết, cô ấy cũng chỉ biết có người mù. Và mẹ của em nữa, là mù. Thì tự nhiên chị của em sẽ nghĩ là mắt mình tuyệt đẹp.

Không hiểu sao những lời này chìm sâu vào trái tim O-Kayo.

“Lời nguyền mù kéo dài ba thế hệ”. O-Toyo thường thở dài mà nói vậy cho mẹ nàng nghe thấy. O-Toyo sợ sinh con với một người đàn ông mù. Cho dù đứa bé không mù đi nữa, nàng vẫn có cảm giác rằng nếu nó là gái, biết đâu lại trở thành vợ của người mù.

Chính nàng đã lấy một người mù bởi vì mẹ nàng mù. Mẹ nàng, chỉ quen biết các tay xoa bóp mù, sợ viễn cảnh phải có một chàng rể sáng mắt.

Sau khi chồng O-Toyo qua đời, nhiều người đàn ông khác nhau đã ngủ lại qua đêm trong nhà nhưng ai nấy đều là người mù. Họ nhắn nhe nhau. Gia đình e ngại rằng nếu họ bán thân cho ai đó không mù, họ sẽ bị bắt giữ mất thôi. Cứ như thể là tiền trợ cấp cho người mẹ mù phải đến từ chính những người mù.

Một ngày kia, một tay xoa bóp mù đã đưa Tamura đến.

Tamura không phải là đồng nghiệp của các tay xoa bóp mà là một thanh niên giàu có. Đồn rằng gã cho một trường học của người mù và người điếc hàng ngàn đồng yên.

Sau đó, O-Toyo đã biến Tamura thành người duy nhất bao cô. Nhưng cô đối xử với gã như với một tên khờ. Tamura, lúc nào cũng có vẻ cô đơn, thường trò chuyện với người mẹ mù lòa. Những lúc như thế, O-Kayo lặng lẽ và chăm chú nhìn gã.

Mẹ nàng chết vì bệnh.

- Giờ thì, Kayo, chúng ta đã thoát khỏi cảnh bất hạnh mù tối. Chúng ta sống cảnh đời sáng, - O-Toyo bảo nàng.

Không bao lâu, một đầu bếp từ khách sạn kiểu Tây phương lui tới nhà nàng. O-Kayo thu mình lại sợ hãi trước sự thô bạo của người sáng mắt như hắn.

Thế rồi cũng đến lúc O-Toyo chia tay cùng Tamura. Lần cuối cùng, O-Kayo đưa dẫn gã ra ga. Khi con tàu đã xa, nàng cảm thấy cô đơn như thể đời nàng đã tận. Lên chuyến tàu kế tiếp, nàng đuổi theo Tamura.

Nàng không biết gã sống nơi nào, nhưng nàng có cảm giác rằng nàng sẽ nhận ra con đường của người đàn ông mà bàn tay gã nàng đã nắm nhiều lần đi đến đâu.

Nhật Chiêu dịch từ tiếng Nhật
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)