“Mình muốn kiện thằng bệnh viện”
“Thưa tòa, mình muốn kiện thằng bệnh viện. Nó làm mình mất 15 cân thóc” - người đàn ông 52 tuổi đến TAND huyện nhờ phân xử vì ông cho rằng đã bị trung tâm y tế huyện lừa.
Tay cầm tờ đơn vừa nhờ cửa hàng đánh máy đánh cho, ông tha thiết mong tòa chấp nhận. “Tòa không nhận đơn thì mình không về” - ông nói cứng.
Đơn ông ghi: “Tòa phân xử cho mình việc này. Mình đã có một bầy con, nuôi chúng lớn khổ cực trăm bề. Mình muốn dừng lại. Làng cũng không cho mình đẻ nữa và sẽ phạt nếu mình vi phạm. Vậy mà thằng bệnh viện đến, chỉ dẫn này nọ. Mình tin theo. Giờ mình phải vay mượn 15 cân thóc nộp phạt cho làng vì vợ mình đang ở cữ”.
Rồi ông trình bày cớ sự. Cuối năm ngoái, bệnh viện huyện tổ chức một cuộc họp. Xã đến từng nhà hết lời động viên bà con tham dự. Ông bỏ một buổi lên nương đến ngồi nghe họ chỉ dẫn cách… không sinh con lần nữa.
“Họ đưa mình một cái bao, bảo cầm về nhà sử dụng sẽ không bị làng phạt thóc. Mình bảo mình chưa thấy cái bao này bao giờ, không biết cách dùng. Họ làm mẫu, lấy một quả dưa chuột bỏ vào, rồi để lên bàn cho mọi người xem. Hôm ấy đông bà con mình lắm. Ai cũng thấy và làm theo rồi được cán bộ cho mấy cái mang về nữa. Mình tin cán bộ lắm, trước khi đi ngủ, mình bỏ quả dưa chuột vào, để lên bàn. Ấy thế mà vợ mình vẫn sinh thằng cu nữa. Làng phạt mình 15 cân thóc. Mình đến xã, xã chỉ mình qua tòa. Tòa phân xử vụ này cho mình. Mình không có thóc đóng phạt đâu” - người đàn ông trình bày, giọng đầy bức xúc.
Không thể kiện
Thư ký tòa tiếp ông thực sự bối rối. Sau khi nói ông bình tĩnh, anh thư ký chạy vào “thỉnh giáo” một đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm giải quyết và hòa giải những tranh chấp dân sự. Nghe cố vấn xong, thư ký quay ra, bảo yêu cầu của ông tòa không giải quyết được bởi vụ việc không thuộc thẩm quyền của tòa. Thiệt hại của ông không phải do cán bộ y tế gây ra. Họ hướng dẫn sử dụng rất rõ ràng, đúng khoa học. Bằng chứng là chỉ mình ông gặp “sự cố” mà thôi. Ông chỉ còn cách xin với làng cho chậm nộp phạt. Rồi thư ký tòa động viên ông về gắng làm nương rẫy kiếm tiền nuôi con mới đẻ. Có gì không hiểu về cách sử dụng thì đến cơ sở y tế gặp cán bộ để được… hướng dẫn tiếp.
Bất đắc dĩ người đàn ông phải cầm lại tờ đơn, buồn hiu hắt. Dường như ông ta vẫn băn khoăn về nguyên nhân gây ra “sự cố” của mình…
[justify]Tòa không thụ lý là có cơ sở[/justify] [justify]Nguyên tắc chung của việc bồi thường thiệt hại là phải có thiệt hại thực tế (vật chất hay tinh thần), phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Trong trường hợp cụ thể này, chưa có căn cứ để xác định cán bộ y tế có hành vi trái pháp luật. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi chỉ dẫn cách tránh thai và việc áp dụng chỉ dẫn là rất mơ hồ và khó xác định. Vì thực tế có rất đông người trong bản được hướng dẫn cùng một cách nhưng chỉ có một mình ông ta “vỡ kế hoạch”.[/justify] [justify]Việc hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thai, vì thuần phong mỹ tục nên đòi hỏi phải sáng tạo để tuyên truyền. Do vậy, rất khó nói hành vi “bỏ quả dưa chuột vào bao cao su” của cán bộ y tế, được người đàn ông “sao y bản chính” dẫn đến bể kế hoạch là lỗi (cố ý hay vô ý) của cán bộ y tế.[/justify] [justify]Thiệt hại thực tế của người đàn ông này là do ông thực hành sai hướng dẫn.[/justify] [justify]Luật sư TRẦN QUỐC KHÁNH, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương[/justify] [justify]Tòa phải thụ lý[/justify] [justify]Theo tôi, tòa phải thụ lý đơn kiện của đương sự. Vì thực tế đã có thiệt hại về mặt vật chất, người đàn ông vì sinh thêm con nên bị phạt 15 cân thóc. Cán bộ y tế đã hướng dẫn việc sử dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su một cách “quá hình ảnh nhưng lại không thực tế”. Hậu quả là dù đã thực hiện đúng như hướng dẫn nhưng thằng cu vẫn ra đời![/justify] [justify]Khi giải quyết vụ kiện, nếu có căn cứ để xác định cán bộ y tế có lỗi trong khi thi hành công vụ thì sẽ áp dụng Điều 619 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra (cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ, sau đó có quyền yêu cầu đương sự có lỗi phải hoàn trả cho cơ quan) để buộc cơ quan quản lý người cán bộ y tế này phải bồi thường cho người đàn ông theo yêu cầu.[/justify] [justify]Luật sư bùi VIẾT NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM[/justify] |