[justify]
Trong tiềm thức của người dân Á Đông chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa Trung Hoa, Gia Cát Lượng luôn là một hình tượng tuyệt vời của trí tuệ vô song qua ngòi bút tài tình của tác giả La Quán Trung trong bộ tiểu thuyết dã sử “Tam Quốc diễn nghĩa”.
[/justify]
Ruộng Bát Quái ở phía nam núi Ngọc Hoàng ngoại ô Hàng Châu
[justify]
Tài, đức, cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật tầm cỡ nhường ấy, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, “lại sai khiến được cả quỷ thần” theo như nhận xét của Chu Du luôn luôn là đề tài không mới nhưng đầy sức hấp dẫn thêu dệt nên nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện trong dân gian.
[/justify]
“Chung trì” – hồ Chuông hình thái cực âm dương nửa khô nửa trũng là “con mắt” của thôn Bát Quái
[justify]
Bình sinh, sở học của ông được ghi chép lại cả và trao lại cho Khương Duy, hiệu Bá Ước, trong đó có Bát trận đồ - đỉnh cao nghệ thuật quân sự do chính Khổng Minh sáng tạo ra.
Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, bản Bát Trận đồ lưu lạc nơi đâu vẫn còn là một câu hỏi lớn, sự kỳ diệu của “Bát trận đồ” thực hư ra sao vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, vùng đất Lan Khê thuộc địa bàn tỉnh Triết Giang ngày nay có một thôn tên gọi Bát Quái với kiến trúc đặc biệt có một không hai được cho là mô phỏng theo Bát Trận đồ của Khổng Minh.
Thôn Bát Quái tọa lạc tại ngoại ô phía Tây thành phố Lan Khê vốn xưa có tên gọi Cao Long. Đại bộ phận người dân thôn Bát Quái với hơn 3000 nhân khẩu mang họ Gia Cát được coi là hậu duệ của Thừa tướng, Trung Vũ hầu lừng danh nhà Hậu Hán.
[/justify]
Bát Quái thôn còn lưu giữ rất nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc từ thời nhà Minh
[justify]Hậu duệ của ông hiện sinh sống trải khắp đất nước Trung Quốc, nhưng tập trung đông nhất vẫn là thôn Bát Quái. Tương truyền, thôn Bát Quái được thành lập do Gia Cát Đại Sư, hậu duệ đời thứ 20 của Khổng Minh sống vào thời Nam Tống đưa theo gia đình vợ con tới đây lập nên năm 1340.
Để tỏ lòng tưởng nhớ Gia Cát Lượng, cụ tổ 20 đời trước là bậc danh tướng tài ba của mọi thời đại, con cháu ông đã chọn địa điểm xây dựng thôn Bát Quái dựa theo Bát Trận đồ của Khổng Minh. Hồ Chuông là hình ảnh thái cực với hai nửa âm dương rõ rệt, nằm ở trung tâm và là điểm trũng nhất của thôn Bát Quái.
Từ con đường vành khuyên ven hồ có 8 ngả đường chính dẫn ra các hướng thông với vành đai ngoài, tạo thành tám cung Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn. Đường vành đai ngoài bao bọc thôn Bát Quái cao hơn mặt bằng chung của thôn, mỗi một cung lại có một gò đất khá cao, đứng từ trên gò có thể quan sát khá rõ toàn cảnh của thôn và cũng là mô hình biến hóa khôn lường của Bát Quái trận.
[/justify]
Đền thờ Khổng Minh Gia Cát Lượng
[justify]
Được xây dựng từ thời Nam Tống, nhưng kiến trúc các công trình, nhà cửa của thôn Bát Quái còn bảo tồn gần như nguyên vẹn những đặc điểm nổi bật của kiến trúc thời nhà Minh. Giữa những ngôi nhà cổ có rất nhiều ngõ ngách nhỏ, nhà nọ thông sang nhà kia, khúc khuỷu quanh co, chỗ tưởng ngõ thông hóa ra lại là ngõ cụt, biến hóa tài tình dường như không theo quy luật nào.
Ven hồ Chuông, người dân thôn Bát Quái còn xây dựng 2 từ đường thờ phụng Gia Cát Lượng, một là Đại công đường, hai là Thừa tướng từ đường với pho tượng Khổng Minh bằng đồng đang cầm quạt lông ngỗng, tư thế thanh thoát, thần thái trang nghiêm. Hai công trình này là nơi thờ tự Khổng Minh duy nhất từ thời Minh vẫn còn giữ được nguyên hiện trạng.
Tư tưởng âm dương, bát quái là một đặc trưng nổi bật làm nên văn hóa Trung Hoa ăn sâu vào trong tiềm thức mọi người, để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Cùng với Bát Quái thôn, cũng trong địa bàn Triết Giang còn có ruộng Bát Quái tọa lạc tại phía nam núi Ngọc Hoàng ngoại ô Hàng Châu.
[/justify]
Người dân thôn Bát Quái vẫn sinh hoạt, giặt rũ bên hồ Chuông
[justify]
Theo ghi chép trong cuốn “Tây Hồ du lãm chí”, tháng Giêng năm 1143, ông vua Nam Tống là Tống Huy Tông dẫn theo bách quan đến Nam Giao (Hàng Châu ngày nay) làm lễ tịch điền cầu cho mùa màng bội thu. Thửa ruộng nơi Tống Huy Tông cày được thiết kế thành đồ hình Bát quái với ý nghĩa cầu mong cho vua chúa nhà Tống phúc thọ dồi dào, người nông dân mùa màng tươi tốt. Từ đó trở về sau, Bát Quái điền trở thành một danh lam mà nhiều tao nhân mặc khách Trung Quốc thường hay lui tới thưởng ngoạn.
Người dân thôn Ngọc Hoàng vẫn cấy hái, canh tác ngay trên thửa ruộng đặc biệt này. Ngoại trừ vòng tròn âm dương ở giữa được trồng trà Long Tỉnh, một loại trà đặc sản của Hàng Châu và đã nổi tiếng khắp thế giới, trên 8 cung vòng ngoài, theo mùa vụ trong năm người ta cấy lúa, trồng đậu, vừng, ớt, bốn mùa xanh tốt.
[/justify]
Bát quái điền tự nhiên thuộc thôn Vạn Phong, Hưng Nghĩa, Quý Châu
Ngoài ruộng Bát quái do bàn tay con người tạo ra ở Hàng Châu, thôn Vạn Phong, huyện Hưng Nghĩa tỉnh Quý Châu cũng có một thửa ruộng Bát quái nhưng thửa ruộng này được hình thành hoàn toàn tự nhiên theo địa thế trũng dần vào tâm tạo thành đồ hình Bát quái khá độc đáo.
Đặc biệt dưới thửa ruộng ấy có một mạch nước ngầm chảy qua, vượt hơn 20 km đồng ruộng mới xuất hiện thành dòng đổ ra sông Chu Giang. Hàng trăm năm nay người dân địa phương vẫn canh tác bình thường trên thửa ruộng đặc biệt này và nhiều người quan niệm, ai được đặt chân lên thửa ruộng này sẽ thăng quan phát tài.