Khoa học - Lịch sử 2016-05-30 05:09:25

Bí ẩn sau vương triều đàn ông đua nhau "tự thiến" trong lịch sử TQ



Vì nhiều lý do khác nhau, Minh triều đã trở thành "vương triều tự thiến" có một không hai trong lịch sử Trung Quốc.

Khi mới lên ngôi, Minh Nhân Tông Chu Cao Sí từng gặp phải vụ việc khó xử: Một người bình dân ở Trường Sa đã ra tay tự thiến, sau đó xin tiến cung làm nội thị.

Vốn dĩ đây chỉ là một việc nhỏ, nhưng lại khiến cho Hoàng đế vô cùng tức giận. Chu Cao Sí hạ chỉ:

"Kẻ lêu lổng, lười biếng, nhẫn tâm đoạn tuyệt với phụ mẫu như vậy, sao có thể là tùy tùng ở bên cạnh Hoàng đế? Chỉ nên để hắn gia nhập quân đội, điều ra biên cương trấn thủ mà thôi!"

Từ đó, các Hoàng đế Minh triều kịch liệt nghiêm cấm, nghiêm phạt những kẻ tự hoạn để vào cung.

Tuy nhiên, càng bị cấm đoán, dân tình càng được nước thi nhau "tịnh thân" (cách gọi khác của việc tự thiến), khiến cho Đại Minh trở thành "vương triều tự thiến" có một không hai trong lịch sử Trung Quốc.

Khi "tự thiến" trở thành trào lưu

Khi mới thành lập, số lượng hoàng thất của Minh triều nhanh chóng tăng lên, nhu cầu đối với thái giám hầu cận cũng theo đó mà tăng vọt. Bởi vậy, việc tự thiến đã trở thành phương thức đổi đời được ưa chuộng của rất nhiều đàn ông lúc bấy giờ.

Trong mắt họ, việc tự "tịnh thân" cùng lắm chỉ là một lần đau đớn, nhưng lại trở thành ưu thế để tìm được một công việc ổn định, sung sướng, lại có cơ hội thăng quan, phát tài.

Điều đáng nói là, khi đối chiếu với bộ máy quan lại của Minh triều, hậu thế càng thấy rõ mơ ước của những người tự thiến không hề viển vông chút nào.

Năm Hồng Vũ thứ nhất, khi vương triều Đại Minh vừa được thành lập, địa vị của các quan nội giám (người đứng đầu các nhóm thái giám) chỉ xếp vào hàng ngũ phẩm, sau còn bị đánh tụt xuống lục phẩm, chức vị thậm chí không bằng các nữ quan.

Những tới năm Hồng Vũ thứ 28, quan nội giám đã chính thức được nâng lên hàng ngũ phẩm. Thậm chí, đội ngũ thái giám còn hình thành một hệ thống quan lại riêng.

Vì đều hướng tới cái đích thăng quan tiến chức nên tự thiến lúc bấy giờ chẳng khác mấy so với việc đọc sách, thi cử. Thậm chí, đó còn là "lối đi tắt" để dễ bề tiến thân đối với nhiều người.


Sức hấp dẫn của tiền tài, địa vị đã khiến không chỉ con em của tầng lớp bình dân, mà ngay tới con cháu của quân nhân cũng thi nhau làm… thái giám. (Ảnh minh họa).
Sau khi vụ việc tự thiến ở Trường Sa được giải quyết, Chu Cao Sí lại phát hỏa vì nhận được tấu sớ về gia quyến của một quân nhân. Người dâng tấu là Từ Dực, vốn là một quân dư (lính dự bị) ở đồn Tả Truân của châu Hưng (nay thuộc Thiên An, Hà Bắc, Trung Quốc).

Trong tấu sớ, Từ Dực có tâu với Thánh thượng về việc con trai của mình vừa tự thiến và nhập cung làm nội giám, vì vậy thỉnh cầu Hoàng đế xóa bỏ quân tịch. Điều này khiến Chu Cao Sí vô cùng tức giận, phúc đáp lại:

"Từ xưa tới nay, thân làm cha vốn phải dạy con. Con trai ngươi lại tự hại thân thể, quay lưng với phụ thân, cắt đứt nhân đạo, căn nguyên vốn là do ngươi. Nay hạ lệnh cho hắn lập tức xuất cung, đi tòng quân."

Ngay sau đó, Minh Nhân Tông lập tức hạ lệnh với Hình bộ Thượng thư Kim Thuần:

"Sau này, nếu có kẻ dám tự thiến, kiên quyết không thể khoan thứ. Ngươi hãy đến chỗ Đại học sĩ Dương Sĩ Kỳ, chỉ thị ông ta soạn một chiếu thư nghiêm cấm việc tự thiến, tiện thể cấm luôn cung hình (hình phạt cắt bỏ cơ quan sinh dục)."

Vậy nhưng, phong trào tự hoạn này không vì cơn giận của vua Nhân Tông mà biến mất, thậm chí còn trở thành một trào lưu phổ biến.

Đến thời Tuyên Tông tại vị, Đại Minh lại xuất hiện hàng loạt vụ việc dân thường, quân nhân tự thiến. Lúc bấy giờ, Hoàng đế Chu Nghiêm Cơ hạ lệnh:

"Xưa kia, Tiên hoàng có lệnh những kẻ tự thiến đều bị điều đi trấn thủ biên cương. Nay kẻ nào dám lớn gan làm bậy, cứ chiếu theo luật cũ mà xét xử."

Từ đó về sau, các đời Hoàng đế Minh triều đều nghiêm cấm việc tự thiến, người nào vi phạm đều bị đày ra biên cương.

Vào năm thứ 13 thời Minh Anh Tông tại vị, Phàn Khản ở Giang Tây và Lý Hồi hán ở Thiểm Tây phải cắt bỏ cơ quan sinh dục vì bị bệnh, nhưng họ vẫn bị quy vào tội "tự thiến", buộc phải sung quân.

Năm Hoằng Trị thứ 6 thời vua Minh Hiến Tông, La thị (vợ của quân nhân tên Mã Anh) đã tự ra tay thiến con trai mình, chiếu theo luật pháp sẽ bị tội tử hình.

Lúc đó, quan viên Hình bộ là Vương Gia Khánh thấy hình phạt này quá nặng, kiến nghị đổi thành trượng hình (đánh bằng trượng). Minh Hiến Tông liền nổi giận, không chỉ ra lệnh xử trảm La thị mà còn cách chức Vương Gia Khánh.

Năm Chính Đức thứ 2, Minh Võ Tông từng ra lệnh kẻ nào dám tự thiến tại kinh thành sẽ bị xử tử. Lúc đó, có tới 12 người bị bắt vì tội danh này, nhưng vì độ tuổi quá nhỏ nên không thể thi hành án phát, cũng không thể phóng thích, đành phải chịu án tù giam.

Có thể thấy, cấm tự thiến gần như là chính sách được thi hành xuyên suốt các đời Hoàng đế Minh triều. Vậy nhưng, nhà vua cứ cấm, bách tính cứ thi nhau "làm càn".

"Tự thiến" - giấc mộng đổi đời của đàn ông Minh triều

Xét về mặt rủi ro mà nói, việc tự thiến chỉ đổi lại cho người này một chức quan nhỏ và những cơ may thăng tiến hiếm hoi. Như vậy, hà cớ gì dân tình phải chịu đau đớn, mạo hiểm đứng trước nguy cơ sung quân, mất đầu để "tịnh thân"?

Kỳ thực, nguyên nhân kích thích dân chúng thi nhau tự hoạn bắt nguồn từ hàng loạt chính sách của Hoàng đế.

Nhìn lại lịch sử của Minh triều, hậu thế có thể thấy rõ, bên cạnh những Hoàng đế khăng khăng cấm nhân dân tự thiến, đều xuất hiện một thái giám thân cận với địa vị "dưới một người, trên vạn người".

Khi Minh Anh Tông còn tại vị, hoạn quan Vương Chấn dựa vào sự sủng ái của nhà vua mà lũng đoạn triều chính, gây ra sự biến Thổ Mộc Bảo, khiến Hoàng đế bị bắt, đại quân bị tiêu diệt.

Thân là kẻ gián tiếp hại Hoàng đế, có tội với giang sơn, xã tắc nhưng Vương Chấn sau khi chết vẫn được Anh Tông "ghi công", sửa lại "án oan".

Sau Vương Chấn, lại có thêm một hoạn quan Tào Cát Tường thiếu chút nữa đoạt đi đế vị của Chu Gia.

Tương tự như vậy, Minh Hiến Tông khi chưa rất trọng dụng thái giám Uông Trực; Minh Võ Tông có Lưu Cẩn, Cốc Đại Dụng là hoạn quan thân cận; Minh Thần Tông lại có Phùng Bảo…

Những kẻ ấy thân làm hoạn quan, nhưng lại nắm trong tay khả năng hô phong hoán vũ, không chỉ vơ vét của cải mà còn lũng đoạn chính sự, khống chế đại thần, hậu cung, thậm chí điều khiển của Hoàng đế.


Tuy tránh không được những kết cục thân bại danh liệt, nhưng các hoạn quan ấy đều sống một đời vinh hoa, quyền thế. (Tranh minh họa).
Càng phiền chán khi đối mặt với các đại thần bao nhiêu, các bậc đế vương càng sủng ái, tin cậy những hoạn quan thân cận bấy nhiêu. Chính nguyên nhân này đã khiến dân tình vì ôm giấc mộng đổi đời mà thi nhau… tự thiến!

Về đãi ngộ, đội ngũ thái giám của Minh triều còn được ưu ái hơn các bậc đại thần. Mãng y (áo bào có hình mãng xà) của họ không có nhiều khác biệt so với long bào của Hoàng đế.

Trước kia, hoa văn móng vuốt trên áo chỉ được ban cho các quân chủ chư hầu. Sau này, các Ti Lễ thái giám là đối tượng đầu tiên được Hoàng đế được ban cho hoa văn này trên trang phục, sau đó mới tới lượt các đại thần.

Thậm chí, có một số hoạn quan còn được nhà vua ban tặng cho ấn triện riêng. Năm xưa, Phùng Bảo từng được Minh Thần Tông ban cho một chiếc ấn có khắc bốn chữ "Quang minh chính đại".

Sức hút từ vinh hoa phú quý khiến cho những người tự thiến để nhập cung nhiều vô số kể. Trong những năm Minh Anh Tông còn tại vị, Tổng binh Trần Mậu ở Phúc Kiến từng bắt 180 người phạm tội tự thiến.


Từ cổ chí kim, thái giám luôn là nỗi ám ảnh trong lịch sử Trung Hoa. (Tranh minh họa).
Mặc dù triều đình cấm đàn ông tự hoạn để nhập cung, nhưng người dân vẫn có thể tìm đến nương nhờ những chỗ khác như: vương phủ, phủ Hầu gia…

Những năm Cảnh Thái, Vĩnh Hưng Vương Chu Chí từng nạp 40 người tự thiến vào vương phủ, bị Hoàng đế xuống chiếu khiển trách, 14 người trong số đó bị tịch thu, đưa vào Ti Lễ giam.

Chính sự dung túng cho Hoàng thất của nhà vua đã tạo cơ sở cho sự hình thành một luật ngầm của Minh triều. Theo đó, hoàng thất, quý tộc có thể tự do thu nạp thêm thái giám mà không bị trách tội.

Có thể nối, xuất phát từ ham muốn đổi đời, sự khống chế của luật pháp và nhu cầu nhân lực khổng lồ của hoàng thất, trào lưu tự thiến đã động lực để tiếp tục phát triển, thậm chí "bành trướng" trên lãnh thổ Đại Minh.

Thật tiếc là ngày nay, trào lưu "tự thiến" đã không còn được ưa chuộng tại Trung Quốc.

Theo Soha.vn

 3aha33aha3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)