Kẻ sát nhân Anders Behring Breivik mang vẻ mặt bình thản trên đường được giải tới toà. Ảnh:Telegraph. |
Tay súng cho rằng những hành động đẫm máu của mình là "kinh khủng nhưng cần thiết" vì anh ta muốn phá hoại cấu trúc của xã hội Na Uy. Các tài liệu và thông tin cho thấy Breivik có mối liên hệ chặt chẽ với các nhóm cực hữu ở châu Âu, mang tư tưởng bài ngoại và chống đạo Hồi.
Giáo sư bệnh học tâm thần Jeremy Coid tại trường Queen Mary thuộc Đại học London cho rằng có sự rối loạn tinh thần sâu sắc đằng sau tư tưởng cực hữu của Breivik. "Ngay bây giờ chúng ta không biết đầy đủ về các động cơ để chẩn đoán tình trạng tinh thần của anh ta. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây nhiều khả năng là do bị một chứng rối loạn tinh thần. Anh ta đã vượt qua giới hạn của tư tưởng cực đoan, nhưng chúng ta cần hiểu thêm về các động cơ".
Các nhà điều tra Na Uy đang tìm hiểu các quan điểm cực hữu của Breivik, kẻ mới cho công bố tài liệu dài 1.500 trang giải thích về tư tưởng của mình ngay trước các vụ tấn công. Nhà tâm lý học pháp y Ian Stephen nói với BBC rằng tài liệu này đã cho thấy những chi tiết về tính cách của thủ phạm.
"Đó là một trong những tài liệu đáng sợ nhất mà tôi từng đọc. Tài liệu được viết bởi một người đã phát triển cực kỳ tỉ mỉ triết lý của mình và nghiên cứu mọi thứ. Điều này cho thấy anh ta đã có một thời gian dài đọc sách, nghiên cứu và cày xới trên Internet để trình bày kế hoạch làm thế nào để chiếm toàn bộ thế giới". tiến sĩ Stephen bình luận.
Giáo sư Anh Jeremy Coid so sánh Breivik với "kẻ đánh bom đinh" David Copeland khét tiếng đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào những cộng đồng đồng tính và da màu tại London năm 1999. Trước toà, tên này nói rằng anh ta là một đảng viên Quốc xã và tin vào khái niệm "dân tộc thượng đẳng".
Tình trạng tinh thân của thủ phạm 23 tuổi David Copeland khi đó được kiểm tra tại Bệnh viện Broadmoor Hospital, nơi anh ta được chẩn đoán bị mắc chứng hoang tưởng. Nhưng sau đó các công tố viên đã không chấp nhận phần bào chữa cho rằng Copeland mắc tội ngộ sát do ảnh hưởng của bệnh tâm thần.
"Vụ tấn công tại Na Uy cũng giống như vậy, nơi kẻ theo quan điểm cực hữu mắc chứng hoang tưởng hay rối loạn ảo giác. Đối với những người mắc chứng bệnh tâm lý, tất cả đều tập trung vào những niềm tin mà họ giữ", giáo sư Coid nhận định.
Các chuyên gia sẽ tìm hiểu những khía cạnh khác nhau trong nhân cách của Breivik và việc người này tự coi mình là ai. Một số bức ảnh cho thấy anh ta đeo biểu trưng của quân đội và hội Tam điểm, trong khi những bức khác cho thấy anh ta khá điển trai và ăn mặc chải chuốt.
"Anh ta nhìn rất phô trương và sự phô trương thường là đặc tính của chứng hoang tưởng", giáo sư Coid phân tích thêm. Ông cũng cho biết các chuyên gia sẽ tìm hiểu anh ta có mắc chứng yêu bản thân quá mức hay không. Một trong những thông tin để có được các chẩn đoán này là việc xác định Breivik có mối quan hệ bạn bè thân thiết nào như bạn gái hay không.
Vụ khủng bố kép ngày 22/7 tại Na Uy do Anders Behring Breivik thực hiện cũng gợi nhớ vụ tấn công ở Oklahoma City năm 1995, khi một mình Timothy McVeigh dùng chiếc xe tải chở bom làm từ phân bón và dầu diesel phá hoại toà nhà liên bang Mỹ, khiến 168 người chết.
Trong đầu thủ phạm McVeigh khi đó luôn coi chính phủ Mỹ là kẻ thù thực sự cần phải tấn công. Hơn một thập kỷ rưỡi sau, bóng ma Oklahoma City tái hiện tại Na Uy với vụ khủng bố kép do một mình Breivik thực hiện khiến 76 người chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định của thảm kịch này cũng là do hận thù về chính trị, khi Breivik âm ỉ tức giận vì sự thay đổi trong xã hội Na Uy.
Theo những mảnh ghép thu thập được, Breivik mang tư tưởng cực hữu, bài ngoại, chống Hồi giáo và không chấp nhận một đất nước đa văn hoá ở Na Uy. Sát thủ này cho rằng một xã hội đa văn hoá đe doạ đến đặc tính sắc tộc của mình và cảm thấy bị xa lánh trong xã hội đó. Đó là lý do Breivik liên lạc với các nhóm cực đoan đang ngày càng coi đạo Hồi là kẻ thù và một mối nguy hiểm.
Từ tư tưởng ban đầu, Breivik đã xây dựng "cương lĩnh hành động" trong suốt 3 năm qua để chuẩn bị thực hiện một vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào chính đất nước và đồng bào của mình. Cũng giống như Timothy McVeigh, Breivik nhìn nhận hệ thống chính trị ở nước mình là kẻ thù. Mục tiêu tấn công dần hình thành trong đầu người này không phải các nhóm nhập cư mà là bản thân chính phủ và những thanh niên có quan hệ chặt chẽ với đảng Lao động cầm quyền ở Na Uy có quan điểm cánh tả.
Luật sư của Breivik cho biết thêm thân chủ của ông đã "hoạt động chính trị năng nổ và tự thấy rằng không thể thành công bằng những công cụ chính trị thông thường, nên đã chuyển sang dùng bạo lực".
Trong khi đó trên khắp châu Âu hiện có mối lo ngại ngày càng tăng về tình hình nhập cư, một phần do tình trạng thất nghiệp với người bản xứ gia tăng. Vấn đề nhập cư khiến các xã hội tại châu Âu thay đổi nhanh chóng và ngày càng có nhiều sự thất vọng về điều này mà giới chức ở tầm châu lục lẫn quốc gia được cho là không lắng nghe quan điểm của cử tri.
Cùng với quá trình toàn cầu hoá thì vấn đề đặc tính dân tộc ngày càng trở nên quan trọng và kết quả là nhiều đảng theo chủ nghĩa dân tộc bắt đầu thắng thế tại một số nơi ở châu Âu. Trong khi đó theo BBC, một số nhà lãnh đạo châu Âu từ Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Thủ tướng Anh David Cameron đều đã đặt câu hỏi về chủ nghĩa đa văn hoá. Những tuyên bố này được cho là nguy hiểm vì có thể khuyến khích chủ nghĩa cực đoan.
Động cơ hành động của sát thủ Na Uy ngày càng nghiêng về hướng chủ nghĩa cực hữu và người mắc bệnh hoang tưởng, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất châu Âu hiện nay. Nếu điều này được chứng minh, nó sẽ làm thay đổi mạnh các cơ quan tình báo và an ninh trên khắp châu Âu, để hướng sự quan tâm tới chủ nghĩa cực hữu chống Hồi giáo, bên cạnh việc họ dành mối quan tâm quá lớn đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan như hiện nay.
………………………………….. 3congratz3 3congratz3 3congratz3