Tin tức - pháp luật 2010-06-15 23:15:03

Bi hài chuyện đun than, đốt vàng ở chung cư


“Ông đá gà, bà đá vịt”

Theo bác Minh, một người dân sống trong tòa nhà N5D, khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính, ban quản lý và cư dân trong khu nhà đã “năm lần bảy lượt” họp bàn nhưng cuối cùng… bức xúc vẫn hoàn bức xúc. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc sử dụng lò đun than tổ ong của “bà tầng 4”.




Không những sử dụng mặt tiền tòa nhà làm nơi bán hàng ăn, chủ hộ này còn ngang nhiên sử dụng lò đun than ở ngay cửa lối hành lang thoát hiểm. Do nhiều người dân bức xúc báo lên ban quản lý nhiều lần nhưng không được giải quyết, “ông tầng 7” bèn chống đối bằng cách “vác” lò than nhà mình ra hành lang để đun nấu dù… không có nhu cầu.
“Lò than 6 viên, không kể ngày đêm lúc nào cũng sực mùi, thậm chí ngùn ngụt khói. Nhà tôi luôn phải đóng kín cửa, lấy báo nhét kín các lỗ thoáng, ra ngoài phải bịt khẩu trang… Cứ đi đâu thì thôi, về nhà là cảm giác ngột ngạt không chịu nổi”, bác Minh thở dài.

Không chỉ sử dụng lò than tổ ong, theo anh Nguyễn Văn Yên, một người từng sống trên tầng 5 của tòa nhà, trước đây nhiều hộ dân còn mang cả vàng mã ra hành lang chung cư để đốt. Không giấu vẻ bức xúc, anh kể: “Nhiều hôm rằm, mùng 1, hành lang khói bụi mù mịt. Lối cầu thang thoát hiểm ám khói đen sì. Tôi ở đây mà lúc nào cũng nơm nớp lo, đi đâu cũng không dám để bọn trẻ ở nhà”.

Cũng theo lời anh Yên, cách đây 1 năm, thùng rác chung cư này đã bốc cháy một lần, may mà đám cháy nhỏ và bảo vệ kịp thời dập tắt. Nguyên nhân là do “ông tầng 7” đổ than tổ ong còn cháy dở xuống thùng đựng rác. “Nhưng ban quản lý tòa nhà chỉ nhắc nhở chứ không có hình thức xử phạt gì. “Ông tầng 7” cứ “lý sự cùn” rồi vô tư… tái phạm”. Quá bức xúc, anh Yên và một số hộ dân ở đây đã phải chuyển đi để… lánh nạn vì theo lời anh Yên không biết “tòa nhà phát nổ khi nào”.



Hàng quán bủa vây tòa nhà chung cư. Ảnh Lê Trang




Theo quan sát, lối cầu thang thoát hiểm tòa nhà này đã biến thành kho chứa đồ với trăm thứ “bà giằng”: xô chậu, va li, ghế nhựa, thậm chí cả… thùng đựng than tổ ong. Hàng quán, bãi gửi xe vây quanh tòa nhà, bành trướng lối đi, ngay cả lối thoát hiểm cũng “chình ình” quán ăn lúc nào cũng chật cứng thực khách.

Khi chúng tôi thắc mắc, anh Vân (Tổ quản lý tòa nhà N5D) biện hộ: “Tháng nào chúng tôi cũng họp để nhắc nhở, tuyên truyền người dân có ý thức chung. Trên lối đi của tòa nhà cũng có các quy định về PCCC”. Tuy nhiên, khi được hỏi về trường hợp hai hộ dân “vô tư” đun than tổ ong, bất chấp sự phản ứng gay gắt của các hộ dân khác, anh Vân giãi bày: “Hai nhà ấy hoàn cảnh khó khăn. Là công việc mưu sinh của người ta nên chúng tôi có cấm cũng không được. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở họ cẩn thận và mang than tổ ong vào trong nhà đun cho khỏi ảnh hưởng đến người khác (?!?)”. Anh nhấn mạnh, ý thức người dân mới là yếu tố quyết định chính.

Anh Vân cũng cho biết thêm, tổ dân phố đã góp tiền mua lư hóa vàng phục vụ cư dân chung cư nên tình trạng đốt vàng mã ngoài hành lang không còn. Nhưng theo quan sát của phóng viên, các hộ dân trên tầng thượng của tòa nhà vẫn sử dụng lò đốt vàng mã cá nhân trên hành lang.

“Nhà tôi không cháy tôi chả lo”

Không chỉ một số tòa nhà trong khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính là điểm nóng đáng báo động về sự thiếu ý thức của người dân. Một loạt các tòa nhà chung cư khác như: B11A, 11B, 11C (Nam Trung Yên), nhà CT5-C, CT4-1 (khu Đô Thị Mới, Mễ Trì Hạ, Từ Liêm Hà Nội)… cũng lắm chuyện “dở khóc dở cười”. Chị Nguyễn Phương Lan (Vimeco, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Lần ấy tôi sang nhà cậu em bên khu nhà B11A, Nam Trung Yên mà phát hoảng. Có hẳn hàng ăn sáng ngay lối ra cầu thang máy. Thậm chí cửa hàng tạp hóa với đủ các mặt hàng: than tổ ong, bình ga du lịch … cũng được bày bán ngang nhiên”.



Lối cầu thang thoát hiểm của tòa nhà N5D thành kho chứa rác. Ảnh Lê Trang



Còn chị Lê Thị Vân (CT5-C, Khu Đô Thị Mới, Mễ Trì Hạ) thất thần kể: “Lần ấy đang ngủ thì tôi nghe tiếng còi cứu hỏa rú lên thất thanh. Nhìn ra ban công thì thấy khói bụi mù mịt mới hay tòa nhà CT4-2 ngay bên cạnh vừa bị cháy. May mà dập kịp thời không có thiệt hại nghiêm trọng gì.

Nghe đâu cũng là do một hộ dân đổ than hoa xuống hố đựng rác”. Chị Vân cũng thừa nhận, chính gia đình chị khi đổ rác cũng không chú ý phân loại rác để loại bỏ các chất dễ gây cháy như: bật lửa ga, diêm… “Tôi cũng chả để ý mà ban quản lý cũng không quy định vì thế “tiện tay” nên cứ vứt cả xuống hệ thống rác chung”. Chị kể, tòa nhà bên cạnh có hộ dân “ném” cả chăn bông xuống, khiến ống rác tắc nghẽn mất hàng tuần…
Với các thiết bị PCCC được trang bị sẵn trong các tòa nhà, đa phần người dân khi được hỏi đều lắc đầu nguầy nguậy: “Chưa bao giờ được hướng dẫn cách sử dụng”. Nhiều hộ dân đùa gọi mấy bình PCCC là “để làm cảnh” và có cũng bằng không. Tuy nhiên, nhiều người dân còn tỏ ra khá bàng quan với lý lẽ “nhà tôi không cháy tôi chả lo”.

Với tâm lý “cha chung không ai khóc”, sống trong một tòa nhà cao tầng, đông dân, với những thiết bị khá hiện đại, song người dân vẫn quen nếp sống cá thể, chỉ biết chăm sóc nhà mình, mà không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Thiết nghĩ, PCCC trong các khu cư muốn hiệu quả trước tiên là từ sự tự ý thức của mỗi cư dân.

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)