Tra tấn kiểu ngồi “trên ghế cọp”
Trong 3 ngày 3 đêm, cánh tay của Qin Yanhong bị cảnh sát trói giật ra phía sau lưng. Đầu gối anh bị kẹp chặt vào một khung kim loại sắc. Bất cứ lúc nào thiếp đi, Qin sẽ bị một cú đá thục mạnh vào bụng. Nỗi đau đớn làm mồ hôi Qin toát ra đầm đìa, rơi xuống đọng thành từng vũng trên sàn nhà.
Sang đến ngày thứ tư, Qin gục hẳn. “Quần lót cô ta màu gì?”, cảnh sát hỏi. “Màu đen”, Qin thở hổn hển đáp. “Bụp”, một cú đấm mạnh giáng vào phía sau đầu Qin. “Màu đỏ”, anh vừa kêu khóc vừa trả lời. “Bốp”, Qin nhận thêm một cú tát nữa. Đến lúc này, Qin liều lĩnh nói bừa: “màu xanh”. Trận tra tấn dừng lại.
Đó là cách mà Qin Yanhong, công nhân nhà máy thép 35 tuổi ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc bị các điều tra viênlấy cung. Họ chỉ dừng lại khi Qin chịu khai đúng ý họ các tình tiết của một vụ hãm hiếp, giết người mà anh không hề thực hiện.
Trước đó, nhóm điều tra đã bắt Qin ngồi vào một chiếc khung ghế đẩu bằng sắt không có lưng tựa. Cánh tay và chân anh bị trói vào chân ghế, thân lọt thỏm xuống chiếc khung. Tư thế này khiến phía sau 2 đầu gối và phần lưng phía dưới của anh phải tì sát vào các cạnh sắc của chiếc khung ghế.
Đây là kiểu tra tấn gọi là ngồi “trên ghế cọp” (tiger stool). Tiếp đó, bàn tay của Qin bị còng ra phía sau lưng, kéo ngược quá đỉnh đầu, đau đớn tới mức anh có cảm giác như cánh tay mình bị tách rời khỏi vai. Đây là dạng tra tấn kiểu giật ngược “cánh máy bay”.
Bị cảnh sát tra tấn, Qin Yanhong buộc phải nhận tội giết người năm 1998 và bị kết án tử hình. Nhưng năm 2002 anh đã được trả tự do
Nỗi đau nhức nhối tận xương tủy. Nhưng Qin nói rằng nhục hìnhkhiến anh phải chịu sự đau đớn tới cực độ là không được ngủ. Mỗi lần kiệt sức quá gục xuống, cảnh sát lại dội nước lạnh lên đầu Qin, đấm đá buộc anh phải tỉnh giấc. Bị giam đến ngày thứ 3, Qin rơi vào cảnh mê sảng.
“Siêu nhân cũng chẳng chịu được những đòn tra tấn như thế”, Qin kể lại trên tờ New York Times sau này.
Nhưng tất cả những lời thú tội, dù là cưỡng bức cũng đủ để Qin bị kết án tử hình. Anh sống được đến ngày hôm nay là nhờ sự may rủi của số phận.
“Mỗi lời thú tội là một trò hề”
Ngày 3/8/1998, xác của Jia Hairong, một phụ nữ nông dân 30 tuổi được tìm thấy ngoài trang trại của gia đình ở làng Donggaoping, cách thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam khoảng một giờ lái xe. Theo tài liệu của tòa án, quần cô đã bị cắt đứt bằng một lưỡi dao cạo. Cô bị hãm hiếp và bóp cổ chết, thi thể được giấu trong cánh đồng ngô.
Sau đó, cảnh sát tìm thấy một chiếc đồng hồ báo thức bằng nhựa và một lưỡi dao cạo tại hiện trường. Họ cho rằng cả 2 tang vật này đã bị đánh cắp từ một nhà nào gần đây ngay trước vụ án mạng. Dựa vào lời khai của ba đứa trẻ nói rằng chúng đã nhìn thấy Qin đi bộ về từ hướng làng Donggaoping chiều hôm 3/8, bốn nhân viên điều tra lập tức đến nhà máy thép nơi Qin đang làm ca và bắt anh đi thẩm vấn ngay trong đêm 4/8.
Cảnh sát không nói cho Qin biết tại sao anh bị giam giữ. Nhưng sáng sớm hôm sau, anh bị bắt kể chi tiết đã ở đâu, làm gì từ ngày 1-3/8, đặc biệt là buổi chiều ngày 3/8. Qin nói hôm ấy anh ở nhà trước khi đi làm ca tối.
Shen Jun, trưởng nhóm điều tra cho biết, ông ta đang điều tra về vụ trộm một chiếc đồng hồ báo thức và nói rằng trên đó có dấu vân tay của Qin.
“Ông ấy nói rằng đó chỉ là một chiếc đồng hồ báo thức rẻ tiền, không việc gì phải nói dối và khuyên tôi cứ nhận tội là sẽ được về nhà”.
Qin tự nhủ việc mình bị giam giữ chắc chỉ xuất phát từ một vụ trộm vặt nhưng bản năng lại mách bảo anh không nhận bừa những gì mình không làm. Thế là cảnh sát bắt đầu tăng sức ép với Qin, từ chỗ bị thẩm vấn chuyển sang bị tra tấn.
Shen đã tổ chức 4 nhóm điều tra, mỗi nhóm 2 cảnh sát tiến hành hỏi cung Qin theo ca, mỗi ca 6 tiếng, liên tục 3 ngày, 3 đêm.
“Chiếc đồng hồ đánh cắp màu gì? “Màu trắng”, Qin phỏng đoán. Một điều tra viên đấm anh vào đầu rồi hỏi tiếp: “Chiếu đồng hồ màu gì? “Màu đỏ”, Qin trả lời nhưng lại nhận được một cú đấm nữa. Cuối cùng khi anh nói, nó “màu xanh” thì cuộc tra tấn mới dừng lại.
Qin Yanhong bị kết tội tử hình mà không có bất cứ bằng chứng nào thuyết phục
8 tháng kể từ lúc bị bắt giam đến lúc đưa ra xét xử, Qin đã viết rất nhiều thư gửi về nhà, thúc giục gia đình giải oan cho anh.
“Mỗi lời thú tội là một trò hề”, Qin viết trong một lá thư gửi cho anh trai đầu năm 1999. “Đến tận lúc này, em đâu có biết nạn nhân hình dạng thế nào, lại càng không thể biết chiếc quần cô ấy mặc màu gì”.
Nhưng cuối cùng, số phận của Qin lại không phụ thuộc vào những lá đơn kháng cáo hay bằng chứng ADN mà do một sự may mắn tình cờ.
Một ngày tháng Giêng năm 2001, hung thủ Yuan Qiufu bước vào đồn cảnh sát ở Linzhou, một thị trấn cách An Dương không xa thú nhận chính hắn đã hãm hiếp, cướp của và bóp cổ chết 18 phụ nữ, trong đó có cả cô Jia và đã đánh cắp chiếc đồng hồ báo thức màu xanh. Thật may cho Qin là anh chưa bị xử tử.
Tháng 5/2002, Qin được trả tự do. Phải nhiều tháng sau anh mới nhận được mức tiền bồi thường trị giá 35.000 USD cho những thiệt hại trong 4 năm ngồi tù oan.
Lần cuối cùng Qin trở lại đồn cảnh sát để lấy nốt tiền bồi thường, anh phát hiện ra rằng, Shen Jun, trưởng nhóm điều tra viên từng tra tấn anh giờ đây không còn giữ chức vụ đó nữa. Ông ta đã là phó giám đốc công an thành phố An Dương.