[size=4]Gõ Google, thử tìm blog của lớp 12, là lạc vào một thế giới mênh mông, nhiều đến nỗi một số blog "đụng hàng" vì cái tên 12a3, 12/1/2/3… 12/7… Những trang blog hầu hết đều được chăm chút kỹ lưỡng và đẹp mắt.[/size]
Ngôn ngữ của giới blog?
Ngôn ngữ của giới blog?
Nếu bỏ qua những "biến tấu" quá đà của ngôn ngữ từ mạng như: "Dzui wá", "Đang là j?", "Bít chưa?", "Xí hổ wá!"… thì một số trang blog thật sự là một thế giới kỷ niệm với đầy đủ hình ảnh trường lớp, thầy cô, bạn bè, các buổi dã ngoại. Blog lớp nào cũng có một, hai member cá biệt: chọc ghẹo người này, phá phách người kia, y như một lớp học thực thụ.
Chị Nguyễn Thu Trang - công tác ở Công ty may Sài Gòn 3, cho biết, cô em gái đang học lớp 12 của mình hầu như ngày nào cũng có 1, 2 giờ trực mạng để post tin, hình và cả phương pháp giải các bài tập Lý (môn học nó yêu thích nhất) lên trang web của lớp. Kỷ niệm lớp 12 được "ghi dấu" như vậy vừa vui, hiện đại, vừa thiết thực.
Ngoài những mục thường thấy của tuổi teen, blog của các em học sinh trường Phổ thông Năng Khiếu (ĐH Quốc gia), THPT Gia Đình, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trương Vĩnh Ký… còn có sáng kiến đưa vào blog của lớp góc luyện thi, tin tư vấn tuyển sinh, danh sách các trường ĐH, CĐ, THCN, các bài viết định hướng nghề nghiệp…
[size=4]Đáng lo![/size]
Nhưng liệu các em có tham gia các blog đen? - Nguyễn Nhụy Hoa - nữ sinh một trường THPT ở huyện Bình Chánh khẳng định: "Blog đen của người lớn kinh dị lắm, tụi em đâu có vào làm gì. Blog của tụi em lành mạnh hơn nhiều".
Hoa đưa cho tôi đường link một số blog lành của em: đầy rẫy hình ảnh minh tinh, ngôi sao ca nhạc, các danh ngôn, tục ngữ, lời hay… Nhưng xem kỹ từ các blog này, cái nào cũng có đường link vào… web sex (?). Làm sao có thể ngăn được các cô cậu tuổi teen không "thử một lần cho biết"! Hỏi, Hoa cười bẽn lẽn: "Mấy hình đó để xem chơi thôi mà…".
Mới đây, trang blog Black B., một trang nhật ký lành mạnh làm kinh hoàng nhiều bậc phụ huynh có con tuổi teen, vì những hình ảnh tự hủy hoại (self cut) của chủ nhân blog: em tự lấy dao lam rạch cổ tay, tự quay phim, chụp ảnh việc làm của mình rồi đưa lên mạng… Đáng ngại hơn là trường hợp của B. không phải cá biệt, mà trước em đã có vài cô cậu tuổi teen hành động giống em.
Phổ biến là cảnh các bạn trẻ tuổi teen khoe ảnh chụp bán khỏa thân cho đến khỏa thân, nhiều vô số. Đầu năm 2008, ông M. - một chủ doanh nghiệp gỗ ở Q.12, đã điện thoại đến Báo Phụ Nữ nhờ chỉ giúp chuyên viên tư vấn, để trị chứng thích khoe thân thể trên mạng của cô con gái 16. Ông nói: "Tôi xem hình xong mà phát sợ. Những tấm ảnh này mà rơi vào tay bọn buôn người, con tôi sẽ sớm bị dụ dỗ…".
Đưa ảnh nóng lên blog…
Những bức ảnh ấy, có lẽ bậc cha mẹ nào xem cũng phải sởn da gà với những câu hỏi: "Ai chụp con tôi? Chụp rồi… còn gì nữa không? Làm sao chặn được trang blog này?". Trót đưa ảnh lên blog, Y. - con gái ông cũng khủng hoảng vì bạn bè dè bỉu, trêu ghẹo. Nhưng cô chỉ biết cách tạo blog chứ chẳng biết xóa blog! Đến tháng 4/2008, Y. mới đóng được blog này nhờ sự giúp đỡ của một người bạn có hiểu biết.
Y. nói: "Có lẽ nhiều bạn trẻ không biết tác hại của việc khoe ảnh như em, nên trong lúc em khổ sở tìm cách xóa hết hình của mình trên mạng thì nhiều bạn lại khoe". Y. chỉ chúng tôi đường dẫn vào blog của Tắc Kè để xem hình cô bé tuổi teen này tự chụp khỏa thân trong phòng tắm với đủ các tư thế (!).
[size=4]Nhà trường bó tay?[/size]
Thầy Phạm Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu - Hóc Môn, TP.HCM - cho biết:
"Quả thực thông tin trên mạng rất khó quản lý và với các thầy cô giáo chúng tôi. Không ai dám tuyên bố quản lý nổi học trò trong thế giới ảo này! Trong các tiết tin học ở trường, giáo viên luôn dành thời gian để nói với các em về internet, chủ yếu là chỉ các em cách tìm kiếm, chọn lọc thông tin phục vụ cho việc học.
Theo tôi, việc học sinh lựa chọn những trang web, blog tốt hoặc xấu để truy cập, là do chính ý thức của mỗi em. Ý thức đó hình thành do nhà trường lẫn gia đình cộng đồng có trách nhiệm".
Tuy nhiên, cũng theo thầy Hùng, về phía nhà trường chỉ có thể nhắc các em qua những tiết học, chứ không thể theo các em ở các phòng games, net… Đó là nơi các em dễ dàng tiếp cận với những đường link vào web, blog xấu, nơi các em được hướng dẫn chu đáo hơn ở trường cách tạo blog, cách entry tin, bài, hình ảnh…
Hiện tại, ngành giáp dục cũng chưa có chỉ đạo quản lý học sinh trên mạng (Cụ thể là trường chưa nhận được chỉ đạo nào của Sở GD - ĐT về vấn đề này, các thầy cô ở bộ môn tin học chỉ hướng dẫn học trò, định hướng cho học trò bằng tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ". "Bởi vậy blog, web xấu của học trò là một thách thức và là nỗi lo của các thầy cô giáo chúng tôi" - thầy Hùng nói.
Theo Phụ Nữ