Quan tham này có sở thích đặc biệt dành cho những cô gái 18 tuổi.
Trần An Chúng và cô gái được cho là bồ nhí.
Lần xuất hiện cuối cùng
Trên hàng ghế đại biểu của một buổi liên hoan nhạc nhẹ diễn ra ở thành phố Giang Tây, những quan chức cấp cao nhất đều xuất hiện. Trong số này có Trần An Chúng, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Giang Tây. Khi được người dẫn chương trình giới thiệu, ông ta đứng lên, vẫy tay, cười tươi phấn khởi. Đó là lần cuối cùng người ta thấy ông Chúng xuất hiện công khai trước truyền hình. Ba ngày sau, tức ngày 6.12.2013, ông Chúng bị bắt.
Trần An Chúng trong một buổi biểu diễn ca nhạc.
Chỉ trong vòng 6 tháng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung Quốc đã bắt tạm giam 3 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ ở Giang Tây vì nghi ngờ tham nhũng, có biểu hiện thoái hóa, biến chất. An Chúng là cái tên mới nhất trong năm 2013. Tội danh của ông được nêu ra gồm lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi, nhận hối lộ, tham nhũng và có nhiều hành vi không phù hợp với đảng viên.
Quan lộ thênh thang
Trần An Chúng thời còn đương chức.
Trần sinh năm 1954, người Hồ Nam, tốt nghiệp khoa Chủ nghĩa Xã hội khoa học thuộc trường Đảng Trung ương. Trong 30 năm công tác, ông phục vụ tại nhiều vị trí khác nhau. Chức vụ cuối cùng của ông trước khi bị bắt là phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Ở tuổi 24 sau khi vừa tốt nghiệp đại học, ông vào công tác ở đại học Hồ Nam. Sau một thời gian làm việc ở phòng công tác chính trị, ông được điều chuyển sang Ủy ban Chỉ đạo Tây Bắc của Trung ương. Đây là bước ngoặt thật sự với sự nghiệp của Chúng. Nhiều người gọi ủy ban này là “Ủy ban ngón giữa” vì nắm các đầu mối quan trọng ở khu vực Hồ Nam và Giang Tây.
Làm việc vài năm tại đây, Trần An Chúng lại “nhảy vị trí” về công tác ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Nhờ tiếng tăm khi làm việc tại “Ủy ban ngón giữa”, ông nhanh chóng có nhiều cơ hội thăng tiến. Nhiều tờ báo của Hồ Nam lúc đó gọi Chúng là thiên tài vì “ông ấy có tầm nhìn vượt trước thời đại, luôn thấu đáo trong suy nghĩ và rất nhiệt tâm”. Sau đó, Chúng chuyển tới Bằng Tường làm việc.
Trần An Chúng từng được đánh giá là cán bộ có năng lực.
Trang tin 10 Yan cho biết trong thời gian làm việc ở Bằng Tường, Chúng được xem là “đại lý bất động sản” vì chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trong vùng. Ông ta là người được ký quyết định cho phép các công ty được hoạt động hay xây dựng các công trình nên có quyền lực rất cao. Ông công tác ở Bằng Tường trong 10 năm và kiếm được bộn tiền nhờ hoạt động “ký giấy, ăn tiền” này.
Khi bị phanh phui về hoạt động tham nhũng, báo chí cho biết khi còn làm ở Bằng Tường, Trần An Chúng được lưu truyền là có “4 cái 18”, gồm: cao 1m80, nặng 180 cân Trung Quốc (khoảng 90kg), tửu lượng 18 lạng Trung Quốc (khoảng 1 lít), và chỉ thích gái 18 tuổi”. Những tờ báo này cũng cho biết ông Chúng lúc nào cũng có ít nhất là 3 nhân tình trẻ đẹp, và họ là nguyên nhân chính “kéo quan tham xuống bùn”.
Thói uống rượu của Trần An Chúng cũng tồn tại nhiều giai thoại, trong đó ông ta đặc biệt thích rượu Mao Đài. Đây là rượu “quốc hồn quốc túy” của Trung Quốc, giá không bao giờ dưới 8 triệu/lít. Vì rất mê loại rượu cay nồng này mà trong bất kể lần đi nhậu nhẹt nào, Trần An Chúng cũng phải mang rượu Mao Đài để uống. Nhằm tránh bị phát hiện, ông ta đổ rượu Mao Đài vào một chai có mác rượu khác.
Chúng được cho là rất thích uống rượu Mao Đài.
Trần An Chúng có tửu lượng rất khủng khiếp. Phương Đồng, một doanh nhân chuyên làm nghề nổ mìn xây dựng, nhiều lần uống rượu cùng Chúng và quen ông này từ lâu. Một lần, Phương Đồng tới bàn tiệc thì đã thấy Chúng uống xong, trên bàn vẫn còn cốc rượu vang đỏ và ba ly rượu trắng. An Chúng chỉ tay vào mấy cốc rượu, nói: “Tôi xin lỗi anh, tôi vừa uống quá chén. Để tôi nghỉ 10 phút, sau đó tôi uống với anh”. Chúng nằm gục trên bàn đúng 10 phút, sau đó tỉnh dậy, nâng ly, tiếp rượu Phương Đồng như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thói tiêu pha xa xỉ của Trần An Chúng đã tạo ra thành tiếng xấu trên toàn tỉnh. Mỗi bữa ăn của ông ta không bao giờ ít hơn 2.000 USD. Ông ta nói rằng phải tới những khách sạn tốt nhất, ăn những món đắt nhất và mục đích là “kích thích ngành dịch vụ Bằng Tường”.
Đường tình sai lạc
Chúng trước vành móng ngựa.
Với quan tham Lưu Thiết Nam chụp ảnh cùng nhân tình rồi bị tố cáo, các nhà bình luận từng nói rằng đây là trường hợp điển hình của “lâm trận trở giáo”. Ông Nam từng bị tố cáo tham nhũng và quan hệ bất chính với một người phụ nữ họ Từ. Hai người này từng có quan hệ làm ăn và tình cảm, sau đó Từ rút lui thì bị ông Nam dọa giết. Từ được cho là đã tố cáo ông Nam dù chưa có bằng chứng cho hành động này. Cụm “lâm trận trở giáo” cũng được dành để ám chỉ mối quan hệ của Nam và Từ.
Với Trần An Chúng, họ nói rằng người tình trẻ tuổi của ông là dạng “tiêu tiền của quan, kéo quan xuống bùn”. Trang tin Sina của Trung Quốc từng cho biết ông Chúng đã một lần bị bắt gặp mời 78 phụ nữ trẻ đẹp vào một tòa nhà rồi thay phiên “mây mưa”. Họ nói rằng đây chẳng khác gì “cung A Phòng” của Trần An Chúng ở thời hiện đại.
Chúng bắt tay một cô gái trẻ.
Sau khi bị tố giác tham nhũng, ông Trần An Chúng bị kết án 12 năm tù. Cơ quan chức năng thông báo rằng cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Giang Tây là người “đạo đức băng hoại, hủ hóa trụy lạc”.
Ông Chúng thường xuyên chi tiền cho những người tình trẻ tuổi. Tuần san kinh tế Trung Quốc từng đăng bài viết, kể lại chuyện một cán bộ viện kiểm sát Giang Tây kể rằng trong nhà giam, Trần An Chúng đã thừa nhận hết tội lỗi của mình. Ông ta đã kê khai một danh sách dài các nữ nhân tình và còn viết một bản sám hối dài dằng dặc.