[size=2]Mỗi khi nước sang năm mới, người ta hay hỏi năm nay là hợp hay xung đối với mình. Và đầu năm, ai xông đất cho mình là thích hợp? Bài viết này cung cấp một số thông tin để các bạn ra quyết định.[/size][indent]
Sự xung hợp của 12 con giáp
Chúng ta thường nói đến sự xung hợp của 12 con giáp. Vậy xung hợp đó là gì? Cũng như người phương Tây và Ai Cập cổ đại đưa lên trời 12 cung của vòng Hoàng đạo với những con vật cách điệu từ các chòm sao ứng với mỗi cung như: sư tử, song ngư, hổ cáp, nhân mã…, người Trung Hoa xưa cũng đưa lên trời 12 cung của vòng Hoàng đạo với các tên gọi: Tí, Sửu, Dần, Mão…
Khi vẽ 12 cung đó trên một vòng tròn (như mặt đồng hồ), ta sẽ thấy chúng làm thành 6 cặp đối xứng nhau qua tâm:
Tí - Ngọ
Sửu - Mùi
Dần - Thân
Mão - Dậu
Thìn - Tuất
Tị - Hợi
Những đối xứng này người ta gọi là chính xung.
Các cặp chính xung này cũng lập thành góc vuông với 2 cặp chính xung khác tạo thành 2 cặp xung nữa, thành một tổ hợp gọi là tứ xung. Như thế sẽ có 3 tổ hợp tứ xung là:
Tí Ngọ - Mão Dậu
Thìn Tuất - Sửu Mùi
Dần Thân - Tị Hợi
trong đó các cặp Mão, Dậu gọi là bàng xung đối với Tí, Ngọ; Sửu, Mùi là bàng xung đối với Thìn, Tuất; Tị, Hợi là bàng xung đối với Dần, Thân.
Người ta cho rằng bàng xung cũng là xung nhưng hiệu ứng không mạnh mẽ như chính xung.
Như vậy, các sự xung đối ở đây mang tính hình học đối với 12 cung của vòng Hoàng đạo.
Cũng vậy, người ta thấy trên vòng này có 3 cung là 3 đỉnh của một tam giác đều. Đó là các tổ hợp:
Dần - Ngọ - Tuất
Thân - Tí - Thìn
Tị - Dậu - Sửu
Hợi - Mão - Mùi
Những tổ hợp này gọi là tam hợp (hợp nhau thành hình tam giác).
Về hình học thì là như thế còn trong thực tế sự xung hợp này đối với các tuổi có sơ sở nào không? Đó là điều mà khoa học chính thống chưa giải đáp được. Người ta chỉ dựa vào kinh nghiệm mà thấy rằng những người có tuổi như Thìn - Tuất là chính xung, kết đôi với nhau khó bền vững?
Chữ "Xung" kia cũng có ba bảy đường!
Thế nhưng tuổi của một người tính theo âm lịch không chỉ có 12 con giáp (thập nhi chi) mà còn kết hợp với 10 can làm thành các tổ hợp 60 hoa giáp. Đáng lẽ 12 chi kết hợp với 10 can phải thành 120 tổ hợp. Thế nhưng người ta lại chia 12 chi và 10 can thành những can dương, can âm và chi dương, chi âm. 12 chi âm dương được biểu diễn bởi số ngón lẻ và chẵn (cơ, ngẫu) của các con vật:
Tí (dương): con chuột - 5 ngón (lẻ)
Sửu (âm): con trâu - 2 ngón (chẵn)
Dần (dương): con hổ - 5 ngón (lẻ)
Mão (âm): con thỏ - 4 ngón (chẵn)
Thìn (dương): con rồng - 5 móng (lẻ)
Tị (âm): con rắn - lưỡi chẻ 2 (chẵn)
Ngọ (dương): con ngựa - 1 ngón (lẻ)
Mùi (âm): con dê - 2 ngón (chẵn)
Thân (dương): con khỉ - 5 ngón (lẻ)
Dậu (âm): con gà - 4 ngón (chẵn)
Tuất (dương): con chó - 5 ngón (lẻ)
Hợi (âm): con lợn - 2 ngón (chẵn)
Các can dương chỉ được kết hợp với chi dương, can âm kết hợp với chi âm. Do đó,c hỉ có 60 tổ hợp hoa giáp: Giáp Tí, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão… (chứ không có chuyện Giáp Sửu, Ất Tí…)
Cùng với việc xếp sự xung hợp của 12 chi (kiểu hình học) như đã nói, người ta lại chia 10 can cũng có sự xung hợp theo các cặp:
Giáp hợp Kỷ
Ất hợp Canh
Bính hợp Tân
Đinh hợp Nhâm
Mậu hợp Quý
Thành ra 2 tuổi Giáp Tuất và Giáp Thìn (chẳng hạn), có thể là xung nhau về chi nhưng lại hợp nhau về can (vì cùng một can là giáp).
Lại còn Ngũ hành!
Người ta không những gán Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) cho 10 can, còn gán cả cho 10 chi. Sau đó lại còn gán Ngũ hành cho 60 hoa giáp với các mức độ "non, già" của các hành:
Giáp Tuất: Sơn Đầu Hỏa
Giáp Dần: Đại Khê Thủy
Giáp Ngọ: Sa Trung Kim
Như vậy, 3 tuổi này hợp nhau về hàng can, hợp nhau về hàng chi (tam hợp Dần, Ngọ, Tuất) nhưng lại khắc nhau về Hành: Hỏa khắc Kim, Thủy khắc Hỏa!!!
Vậy, bạn có đủ khả năng để chọn người xông đất theo tuổi không?
Ai sẽ nên xông đất cho ta?
Trước đây, đêm giao thừa không ai ra đường. Sáng mồng một Tết, người ta quan niệm người xông đất sẽ mang "vía" tốt vào nhà mình. Người ta tìm một người tính nết tốt lành, trong năm làm ăn thịnh vượng, không có tang tóc… để mang lại may mắn cho nhà mình.
Nhưng ngày nay đêm giao thừa người ta đi đến các tụ điểm. Ở Hà Nội là Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, và các tụ điểm bắn pháo hoa. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong bài hát Gửi người em gái miền Nam từng viết: "Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê/Chuông reo ngân. Ngọc Sơn sao uy nghi/Ngàn phía đến lễ đền…" Nếu đã "ngàn phía" đến lễ đền thì sau phút giao thừa ấy, mọi người cũng từ các tụ điểm, ngày nay là các điểm bắn pháo hoa, để trở về nhà mình. Như vậy, chính các bạn đã tự xông nhà cho mình còn gì!
Như vậy, sau phút giao thừa đón xuân đầy hân hoan đó, sau khi ngắm những bông hoa pháo muôn tía ngàn hồng trên bầu trời đêm giao thừa, đó chẳng phải là những "cành lộc" xuân mà bạn đã mang về nhà mình đó sao?!
Còn nếu bạn không đi giao thừa mà muốn chọn một người xông đất cho mình thì người đó nên là người mà bạn cảm thấy sung sướng khi đón họ, bất kể tuổi nào!
[/indent]