Ở vậy nuôi em
Khi anh Hảo phát bệnh, phải lên Thái Nguyên chữa bệnh năm 1976, chị Hiền đã viết thư động viên anh. Trong thư, chị bảo: “Nếu không may em không khỏi được bệnh, thì chị sẽ ở vậy nuôi em suốt đời”. Điều ấy không ngờ đã thành sự thật.
Chị Hiền chăm sóc em trai từ những việc nhỏ nhất |
Đã không ít chàng trai trong làng đến ngỏ lời yêu chị, nhưng lúc đó, chị lại ngần ngừ, nghĩ rằng sẽ ở nhà chăm em, đợi một thời gian rồi sang sông cũng chưa muộn để rồi đến tận bây giờ cũng chẳng sang sông, chỉ quanh quẩn bên đứa em trai.
Anh Hảo kể, ngày đó, có chàng trai con nhà khá giả, lại rất tốt bụng, hứa rằng nếu chị về làm dâu, anh ấy sẽ đón em trai chị về để chăm sóc chu đáo. Có người không ngại ngần hứa đến ở rể, nhưng chị đều làm ngơ. Chị bảo: “Em tôi đã bị thiệt thòi như vậy, nhà lại chỉ có hai chị em, nếu tôi đi lấy chồng, thì ai sẽ chăm lo cho em tôi? Tôi là chị, phải có trách nhiệm lo cho em”.
Anh Hảo nghẹn ngào: “Bố mẹ là người sinh ra tôi, ông trời cướp mất đôi chân của tôi, nhưng bù lại đã cho tôi có một người chị tuyệt vời hơn cả trong truyện cổ tích”.
Làm mẹ đơn thân
Khi chị Hiền 40 tuổi, dù được khuyên can thế nào, chị cũng không đi lấy chồng, anh Hảo đã động viên chị sinh một đứa con để có người chăm sóc lúc tuổi già xế bóng.
Lúc đầu, chị phản ứng gay gắt lắm. Nhưng anh Hảo đã khóc mà rằng: “Chẳng ai cười chê chị cả. Hoàn cảnh của gia đình mình, mọi người đều biết, tấm lòng của chị với em, ai cũng biết. Có một đứa con là điều chính đáng, pháp luật cũng cho phép. Bây giờ chị còn khỏe mạnh, chị chăm cho em, nhưng rồi sau này chị tuổi già sức yếu, lấy ai chăm chị đây?”.
Cháu Bùi Thị Hương Dịu đã ra đời. Căn nhà bé nhỏ như vỡ òa trong niềm vui của tiếng khóc trẻ thơ. Nhưng nhà có thêm thành viên mới là thêm miệng ăn, gánh nặng lại dồn lên vai chị Hiền. Mới sinh cháu được mấy ngày, chị đã phải ra đồng đi làm thuê, cuốc mướn cho người ta để có tiền nuôi em, nuôi con.
Chị đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình để chăm lo cho em trai tật nguyền |
Cứ cuối tháng, người của tổ chức mái nhà Việt Nam lại đến để mang tre cho anh Hảo và nhận chuồn chuồn. Được sự bảo trợ của tổ chức này nên những chú chuồn chuồn bằng tre do anh làm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Nhưng anh chia sẻ: “Số tiền tôi làm ra 1 tháng, chắc chưa bằng ngày công của một người bình thường. Nhưng với tôi như thế là hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ tôi có thể tự tay làm ra những đồng tiền để nuôi sống mình, dù còn ít ỏi. Tôi đã có thể giảm được gánh nặng cho chị tôi rồi. Đời tôi thật may mắn khi có chị”.
Viết Tuân