Xin thầy nói cho bố em hiểu được điều này. Rằng bố em có thể đủ quan hệ và tiền bạc để xin cho em vào trường điểm của thành phố này ngay từ lớp mẫu giáo, nhưng xin thầy nói cho bố em rằng, ngôi trường làng của thầy cũng đủ sức để dạy bảo em nên người. Hãy cho em được khởi đầu việc học một cách bình thường như bao đứa trẻ khác trong thôn xóm có cùng hộ khẩu thường trú với em.
Xin thầy nói cho bố em hiểu rằng, khi bố em dùng khả năng của mình để nhét em vào một chỗ nào không phải của em, thì cũng có nghĩa là một bạn khác như em đã bị gạt ra khỏi vị trí mà lẽ ra nó được hưởng. Xin thầy nói cho bố em hiểu rằng, bố em có quyền mắng mỏ em nếu kết quả học tập của em quá kém, nhưng bố em đừng buồn rầu một cách lặng lẽ trong Hội nghị phát phần thưởng ở cơ quan trong ngày mồng 1 tháng 6 hàng năm. Trong ngày đó, các con em các cán bộ nhân viên trong cơ quan bố em nếu đoạt học sinh giỏi từ cấp trường hay cấp quận trở lên được ghi tên trên tấm bảng tin lớn ở ngoài sảnh, và được mời lên hội trường để phát quà. Trong ngày đó bố mẹ các bạn ấy vô cùng sung sướng, hãnh diện, say mê kể về tài năng con cái họ… Xin thầy nói cho bố em hiểu được rằng, việc học dù sao vẫn là nỗ lực riêng của bản thân em, nếu em có thua kém bạn bè thì cũng không vì thế mà bố em phải cảm thấy bị kém cỏi so các đồng nghiệp khác. Xin thầy cho bố em niềm tin rằng, có những người rất thành đạt trong tương lai nhưng lại có một tuổi niên thiếu hết sức bình thường. Và quãng đời đáng nhớ nhất của mỗi con người, đôi khi lại chính là lúc ẩn mình trong khiêm nhường lặng lẽ, chứ không phải là lúc nổi bật giữa đám đông ồn ào.
Vậy thì xin thầy khuyên bố em đừng bắt em phải luôn dẫn đầu trong những vòng đầu tiên vì cuộc đua còn kéo dài đến mấy chục năm nữa, thậm chí đến hết cả cuộc đời. Xin thầy nói cho bố em rằng, thành công sớm cũng có thể trở thành bi kịch vì nó sẽ trở thành gánh nặng trong suốt các vòng đua còn lại.
Xin thầy khuyên bố em là mỗi khi thấy em đi học về nhà, đừng chăm chăm chỉ nhìn vào cặp sách để kiểm tra xem em vừa đoạt điểm mấy, mà hãy nhìn vào mắt em xem em nhận được bao nhiêu hứng thú say mê sau mỗi ngày ở trường.
Thêm một năm nữa, em không đoạt học sinh giỏi, có thể bố em sẽ nghi ngờ trình độ của thầy, có thể bố em sẽ bắt em phải rời bỏ trường làng sang học trường điểm của thành phố hoặc trường quốc tế. Bố em sẽ không đọc Bức thư gửi thầy Hiệu trưởng được cho là của Tổng thống Mỹ Lincoln đâu, vì bố em cho rằng những triết lý giáo dục đó không thực tế ở ta. Vậy xin thầy hãy đọc cho bố em một bài thơ - bài thơ của một nhà văn lớn của Việt Nam mà bố em yêu thích, viết về ông giáo gõ đầu trẻ trường làng:
“Ơi anh giáo làng/ Anh phải làm việc với bọn ranh con thò lò mũi/ Chúng không biết thế nào là tay phải, tay trái/ Anh sẽ dạy chúng, phải không /anh sẽ dạy chúng/ Tay phải thì vung cao/ Còn tay trái đặt lên trái tim…. / Anh sẽ dạy chúng, phải không, sẽ dạy chúng/ Đây là số không, là số một/ Còn mẹ thì không bao giờ được quên/ Phía trước là chân lý / Rất có thể có nạn hồng thủy / Mà ngoài trái đất là thiên hà” (Nguyễn Huy Thiệp, in trong truyện dài Những bài học nông thôn).
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, em biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… Bố em là một ông bố tuyệt vời, kể cả khi bị cuốn theo xu thế của người đời.
Ký tên: HOÀNG MIÊN