Đây là những loài sinh vật có dáng vẻ kỳ dị mà nhiều người tin là không có thật trên đời. Lịch sử khoa học thế giới đã không ít lần chứng kiến những sinh vật lạ được phát hiện gây xôn xao dư luận thật ra chỉ là một sản phẩm nhân tạo.
Thú mỏ vịt
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều câu chuyện không ai tin và ngỡ như trò đùa lại thực sự là bằng chứng về một loài động vật có thật trên đời.
1. Thú mỏ vịt
Trường hợp bị hiểu nhầm nổi tiếng nhất trong lịch sử có lẽ phải kể đến loài thú mỏ vịt. Trong một thời gian dài, do bị nhiễu loạn bởi những tin đồn thất thiệt về xác ướp Người Cá hay quái vật Hydra (một loài rồng trong truyền thuyết với 7 cái đầu), các nhà khoa học người Anh khi lần đầu tiên thấy thú mỏ vịt đã không tin đó là một loài có thật.
Mãi tận đến thế kỉ XVIII, khi nhà sinh vật học Captain John Hunter gửi một tấm da thú mỏ vịt từ Úc cho giới khoa học Mỹ, một số nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng đó là một trò lừa. Họ cho rằng người nhồi xác thú đã cố tình nhồi xác một chú vịt vào bộ da của một chú hải ly.
Một vị bác sĩ phẫu thuật tên Robert Knox đã cố gắng vạch trần trò "lừa bịp" này bằng cách tiến hành mổ xẻ tấm da và cố tìm kiếm những vết khâu chứng tỏ đó là một tấm da lắp ráp.
Tất nhiên, ông đã không tìm thấy một đường khâu nào. Những tấm da thú mỏ vịt xuất hiện ngày càng nhiều sau đó đã chứng minh cho sự tồn tại của loài vật này.
2. Chim thiên đường vua Saxony
Đôi khi vẻ đẹp quá nổi bật của một loài động vật cũng khiến chúng bị coi là “siêu thực”. Điều đó thực sự đã xảy ra với loài chim thiên đường vua Saxony.
Đây là một giống chim đặc hữu chỉ có ở vùng núi rừng New Guinea. Vào cuối thế kỉ XIX, một giám đốc viện bảo tàng tại Dreschen (Anh) đã lần đầu tiên nhìn thấy giống chim này và miêu tả lại hình dáng của nó cho một nhà nghiên cứu chim tên Richard Sharpe Bowdler.
Chim thiên đường Saxony đực sở hữu “đôi lông mày” rất dài và ấn tượng, dùng để thu hút con cái trong mùa giao phối.
Sharpe ngay sau đó đã khẳng định, một loài chim kỳ lạ như vậy không thể tồn tại trong tự nhiên được. Tuy nhiên bất chấp những nghi ngờ, ông vẫn đi tìm loài chim lạ này và sau đó chính mình xác nhận túm lông trên đầu chim đực là lông thật chứ không phải là một túm lông giả.
Tên gọi "Chim thiên đường vua Saxony" cũng được trao tặng cho loài chim này để ca ngợi tiếng hót âm vang của chim đực.
3. Ngựa lai Okapi
Trong khoảng đầu thế kỉ XX, với các nhà nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ chuyên nghiên cứu động vật hoang dã vùng Trung Phi, Okapi là một sinh vật bí ẩn.
Liên tục có những báo cáo mới từ cuối thế kỉ XIX của vị ký giả Henry Morton Stanley về một loài động vật giống hươu cao cổ nhưng có sọc như ngựa vằn.
Năm 1900 , tiến sĩ P.L. Sclater - thư ký của Hiệp hội Động vật học London đã cho trưng bày một cặp dây đeo súng mà theo ông biết đã được người lính thuộc từ da của một loài vật không rõ nguồn gốc.
Sclater đã nghiên cứu và thấy loại da này rất giống da của hươu cao cổ lai với ngựa vằn nhưng không thể nào làm rõ được sự trùng hợp kỳ lạ đó.
Mẫu vật này sau đó đã bị nhiều người cho rằng chỉ là lừa đảo, rằng người chế tác đã sơn vằn trắng lên lớp da của con hươu cao cổ. Mãi đến nhiều năm sau đó sự tồn tại của loài Okapi mới được chứng thực khi Harry Johnston gửi một phần xác của con vật đến London.
4. Vi sinh vật
Hãy tưởng tượng rằng bạn là một nhà khoa học vào thế kỷ XVII và có ai đó đến và nói với bạn rằng, những sinh vật cực nhỏ đang tồn tại, đeo bám ở khắp mọi nơi, ngay cả trên thân thể hay trong miệng bạn… và không một ai có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Hẳn là bạn sẽ không bao giờ tin điều đó đúng không?
Nhà nghiên cứu Antonie van Leeuwenhoek.
Năm 1676, khi Antonie van Leeuwenhoek báo cáo về những sinh vật cực kì nhỏmà ông đã nhìn thấy dưới kính hiển vi, số đông thành viên trong Hội Khoa học Hoàng gia Anh đã cười nhạo ông và cho rằng đó là một trò đùa.
Ông lẳng lặng thu thập các lời khai của những người được ông cho chứng kiến tận mắt các vi sinh vật rồi gửi cho Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Thuyết phục trước bằng chứng được đưa ra, Hiệp hội đã xác nhận sự tồn tại của các loài vi sinh vật.
5. Thằn lằn đầu rắn (Xà đầu long)
Năm 1823, nhà khảo cổ học Mary Anning đã phát hiện ra bộ xương hoàn chỉnh đầu tiên của thằn lằn đầu rắn ở Lyme Regis, Dorset. Nhưng vào lúc ấy không phải ai cũng tin hóa thạch này là của loài sinh vật có thực.
Xà đầu long là loài bò sát ăn thịt với chiếc cổ dài kinh dị. Những con thuộc họ elasmosaur có cổ dài nhất, gấp đôi chiều dài của mình và đuôi cộng lại.
Nhà giải phẫu học và cổ sinh vật học Georges Cuvier đã suy đoán dựa theo tỷ lệ của toàn thân so với phần cổ và kết luận, hóa thạch này chỉ là một hỗn hợp từ các bộ xương của nhiều loài bò sát khác nhau.
Phải mất một thời gian dài nghiên cứu cùng các nhà khảo cổ khác, cuối cùng, Cuvier mới đưa ra bằng chứng khẳng định thằn lằn đầu rắn là một loài sinh vật có thực trong thời tiền sử.