Bóng đá 2011-11-22 02:35:21

Cách Mạng Bóng Đá Đức-Việt Nam nên noi theo mà làm


Kỳ 1: Sự đổi thay lâu dài và gian khó

Một chút lịch sử

Sau chức vô địch thế giới năm 1990, huấn luyện viên Franz Beckenbauer từ chức. Lời tạm biệt của ông là một lời hứa hẹn: Với đội bóng này, Đức còn có thể gặt hái rất nhiều thành công, và rất khó bị đánh bại. Thay thế “Hoàng đế” là một nhân vật quen thuộc: Berti Vogts - đồng đội và trợ lý của ông. Trái với tiên đoán của ông Beckenbauer, bây giờ bóng đá Đức nhớ tới huấn luyện viên Vogts như kẻ mở đầu cho một quá trình thất bại, đi xuống của bóng đá Đức.

Tại World Cup 1994, Đức thua Bungari một cách bẽ bàng với tỷ số 1-3. Sau trận đấu đó, ở nhà ăn của tuyển Đức, người ta chụp lại tấm ảnh Vogts ngồi trơ trọi một mình bên chiếc bàn ăn có tới 8 chiếc ghế. Effenberg đã bị đuổi về nước vì “ngón tay thối”. Còn Thomas Häßler, Bodo Ilgner vẫn chưa hết bực mình vì các cô vợ không được phép vào khách sạn dành cho cầu thủ. Vogts đã nghĩ gì khi đó?









Bộ đôi Jürgen Klinsmann - Joachim Löw là những nhân tố chính đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng thành công cho bóng đá Đức - Ảnh Getty










Chỉ 4 năm sau, ở Pháp, Croatia tiễn Đức rời khỏi World Cup 1998 bằng trận thắng với 3 bàn không gỡ. Thế là đủ cho một cuộc ra đi. Vogts tính toán gì khi đau đớn rời chiếc ghế huấn luyện viên đội tuyển Đức? Nhiều năm về sau, trải qua cương vị huấn luyện viên nhiều đội bóng khác nhau, cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia, Vogts vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai về một kế hoạch cải tổ tuyển Đức, dù không bao giờ ông được giao thực hiện, hoặc giả có được giao, thì cũng chưa chắc đã đủ sức thực hiện. Huấn luyện viên Vogts thuộc về một triết lý bóng đá khác. Nhưng ông hiểu sự bất lực của triết lý ấy.

Với Vogts, đội tuyển Đức còn những kỷ niệm đẹp khác: Vô địch châu Âu năm 1996 và Á quân châu Âu năm 1992. Nhưng ngay cả những thành công vẫn cứ bị che mờ bởi nhiều ám ảnh. Sau trận Đan Mạch thắng Đức 2-0 ở chung kết EURO 1992, Brian Laudrup đã làm ông hết sức đau đớn: “Người Đức coi bóng đá là làm việc. Bạn thử nghĩ xem, liệu có khán giả nào đi xem người khác làm việc không?”. Laudrup (em) khi đó đang chơi ở Bayern, là bạn thân của Effenberg. Nếu Effenberg gợi nhớ đến một hung thần, thì Laudrup đích thực là một nghệ sĩ. Nhưng khi Laudrup bị thiệt thòi, thì chỉ có Effenberg là người đủ dũng cảm đứng ra bênh vực. Còn Effenberg thích đến thăm Laudrup, để nghe bạn chơi piano và cùng thưởng thức rượu vang cho hết mức sành điệu. Giữa đội vô địch và đội Á quân châu Âu năm ấy là một khoảng cách mênh mông, không phải về đẳng cấp, mà là về triết lý bóng đá.

Có thể nói, Vogts đã nghĩ rất nhiều về lối đá của đội tuyển Đức. Cái sức mạnh về tinh thần và ý chí, về thể lực và tình đoàn kết là cái vốn quý đã cô đúc thành truyền thống. Nhưng chỉ như thế thì không đủ, mà những thất bại quan trọng là một minh chứng. Đức có thể kiên cường để không thua, nhưng Đức chưa đủ sức mạnh để có thể thắng. Đức có thể triệt hạ lối chơi của đối phương, nhưng Đức chưa đủ khả năng để kiến tạo lối chơi của chính mình. Bóng đá Đức thiếu sức sáng tạo. Mà nền tảng cuối cùng chính là trình độ kỹ thuật, lòng say mê chơi bóng ở từng cầu thủ. Cầu thủ Đức là một đấu sĩ, nhưng chưa phải là một nghệ sĩ. Vốn là một hậu vệ sắt thép khét tiếng, Vogts thẳng thắng nhìn nhận: “Thủ thành Hà Lan chơi bóng bằng chân còn hay hơn cầu thủ tiền vệ và tiền đạo của chúng ta”. Mà cũng chỉ là những phát biểu thế thôi, chứ chưa hệ thống thành một cương lĩnh.







Giọt nước tràn ly

Đức muốn thay đổi. Nhưng Đức cũng rất ngại một sự đổi thay. Lời cảnh báo luôn luôn vang lên: Không được từ bỏ những truyền thống muôn thuở của bóng đá Đức! Kẻ bảo thủ luôn níu giữ. Và Trời cũng còn cho họ cái cơ hội để níu giữ. Như chuyện Đức tự nhiên đoạt chức Á quân tại World Cup 2002.

Tuy nhiên, trong cả chặng đường dài 1992-2004, hình ảnh bóng đá Đức trên đấu trường quốc tế cứ xấu dần đi. Tại EURO 2000, sau khi hòa Rumani 1-1 và thua Anh 0-1, Đức thua Bồ Đào Nha tới 0-3 vào ngày 20/6/2000 và bị loại ngay ở vòng bảng. Đúng 4 năm sau, và cũng đúng ngày 20/6, Đức hòa Latvia 0-0, hòa Hà Lan 1-1, rồi thua Czech 1-2 trong một trận đấu mà đối thủ chỉ sử dụng đội hình dự bị. Đây quả thật là những giọt nước tràn ly: Đức không còn con đường nào khác ngoài con đường cải cách, và cần một cải cách sâu sắc mang ý nghĩa cách mạng.

Khi Đức thua Bồ Đào Nha năm 2000, có một người đàn ông cao lớn đứng nghẹn ngào rơi nước mắt ở một góc sân. Đau đớn quá, và cũng nhục nhã quá. Đó là Horst Hrubesch, sau này là huấn luyện viên đội tuyển U-19 của Đức. Dẫu chưa nổi tiếng như Vogts, Hrubesch cũng là vô địch châu Âu, Á quân thế giới và đoạt Cup C1 trong đội hình Hamburg khi thắng Juventus trong trận chung kết năm 1983. Khác với Vogts là một hậu vệ, Hrubesch chơi ở vị trí trung phong, và ông biết: Muốn thắng thì phải ghi bàn, thậm chí ông còn biết làm thế nào để có thể ghi bàn. Đã có thời Hamburg làm mưa làm gió ở Bundesliga, và nhiều người còn nhớ câu châm ngôn: “Quả lật cánh hình quả chuối của Kaltz. Cái đầu của Hrubesch. Xong phim”.

Từ năm 2000, Đức bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh về một quá trình thay đổi gốc rễ trong bóng đá, về tư duy, về đào tạo, về nhân sự và về tổ chức.













Con người

Sau thất bại tại EURO 2004, Đức chìm sâu trong cuộc khủng hoảng tìm huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia. Những huấn luyện viên đã sử dụng (Rudi Voeller, Erich Ribbeck), và những huấn luyện viên ở dạng tiềm năng (Otto Rehaggel) đều đại diện cho trường phái bóng đá cổ điển. Đấy là lúc Vogts tình cờ gặp Jürgen Klinsmann tại California. Một câu chuyện kéo dài hơn hai giờ đồng hồ trong quán cà phê, để rồi Vogts hoàn toàn bị thuyết phục bởi tư duy bóng đá mới mẻ của Klinsmann. Khi Liên đoàn bóng đá Đức bổ nhiệm Klinsmann, nhìn chung dư luận là đầy nghi hoặc, đôi người còn lộ rõ cả sự hoang mang.




Sau này, Klinsmann từ chức ở đội tuyển, rồi thất bại ở Bayern, có nhiều ý kiến chê trách vị huấn luyện viên đặc biệt này. Riêng Beckenbauer tỏ ra kiên định: “Ngay cả khi Klinsmann thất bại, sự cách tân trong suy nghĩ về bóng đá và tổ chức bóng đá của anh ấy cũng là điểm khởi đầu cho một quá trình tiến bộ của chúng ta”.

Những thay đổi Klinsmann đem lại là gì? Ở đội tuyển, ông cho cầu thủ chơi bóng ném: Luôn luôn tấn công, rất hạn chế những đường chuyền về vô thưởng vô phạt. Trong thành phần: Ông loại bỏ thủ môn Oliver Kahn và huấn luyện viên thủ môn Sepp Maier. Ông lập ra chức danh lãnh đội (manager) cho đội tuyển, và đó là Oliver Bierhoff. Ông tuyên bố: Thể lực đội Đức quá yếu (“Chúng ta khỏe, khi chơi bóng đá chậm và có xu hướng phòng ngự, chứ nếu chơi tấn công nhanh, chúng ta chỉ đủ sức khỏe cho 60 phút thi đấu”). Ông lập ra cả một ban tham mưu hùng hậu, tốn kém, trong đó riêng về truyền thông có tới hai người (một kiểm soát “đầu ra” và một chịu trách nhiện “đầu vào”), và nhất là ông mời sang Đức một tốp chuyên gia lo về thể lực và tâm lý. Các bài tập thể lực khác hẳn, tạo ra một cuộc cách mạng thể lực trong Bundesliga cho tới tận hâm nay. Klinsmann tăng cường giao tiếp với cầu thủ, tạo một môi trường liên kết mới, lấy e-mail làm phương tiện chủ yếu. Và quan trọng hơn, trong đội hình tuyển Đức, Klinsmann đưa vào rất nhiều gương mặt mới. Dù đã có tuổi, nhưng Jens Lehmann thay Kahn vẫn được xem là cách mạng, và đó là khi Bastian Schweisteiger trở thành chủ lực (mặc dù ở CLB Bayern anh vẫn dự bị), Lukas Podolski trở thành một ngôi sao, và hàng phòng ngự dựa vào Per Mertesacker… Klinsmann có tư duy mới, chọn ra con người mới, và tổ chức một bộ máy hành động mới.

Chính Klinsmann đã phải trả giá cho những sự “đụng chạm” của mình. Nhất là sau khi Đức thua Italia 1-4 tan nát trong một trận đấu tập vào đầu tháng 3/2006. Đấy là lúc Bà Angela Merkel đã phải tổ chức một cuộc gặp gỡ với 8 nhân vật chủ chốt của bóng đá Đức tại dinh Thủ tướng, và sau 6 giờ vừa bàn bạc vừa tiệc tùng, lời tuyên bố đưa ra là một khẳng định mang tính trấn an: “Chúng ta muốn có một World Cup thành công trên đất Đức, với Klinsmann ở vị trí huấn luyện viên”. World Cup 2006 quả nhiên thành công trên mong đợi, với không khí cởi mở và những nụ cười thân thiện của người Đức. Phải chăng sự thay đổi tư duy bóng đá cũng gắn với sự đổi thay trong tính cách con người?

Tuy nhiên, mãi về sau này chúng ta mới nhận ra, quyết định quan trọng nhất của Klinsmann chính là quyết định bổ nhiệm Joachim Löw vào vị trí trợ lý cho mình.

Joachim Löw

Ý tưởng của Klinsmann được Löw thực hiện một cách xuất sắc. Để rồi chính Löw lại là người vừa đề ra ý tưởng, vừa thực thi ý tưởng ấy.

Tư duy mới kéo theo việc sử dụng con người mới. Lúc đầu, thời Klinsmann, đó chỉ là chuyện vài ba nhân vật cụ thể. Nhưng sang tới Löw, đó đã là cả một vấn đề mang tính thế hệ, và có tính sàng lọc cao. Chẳng hạn, Miroslav Klose 33 tuổi vẫn là một con bài chủ lực. Và Mario Götze 19 tuổi đã như là một đảm bảo cho tương lai.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, chính Löw cũng đã trải qua những phút giây sinh tử. Tại EURO 2008, trận thứ hai Đức thua Croatia 1-2 và không phải là không có khả năng bị loại. Löw tỏ ra là một người dũng cảm: Ông yêu cầu hội đồng cầu thủ triệu tập đội bóng họp kín, không có mặt cả huấn luyện viên lẫn lãnh đội Bierhoff. Sau này mới biết, trong cuộc họp này, Michael Ballack đã quá lời khi mạt sát các cầu thủ trẻ, mà con tốt thí chính là David Odonko. Đến mức Odonko đã phát khóc, và Lahm cùng Mertesacker đã đứng ra bảo vệ đồng đội. Cuộc họp này có hai hệ lụy: 1) Đức đã thắng Áo trong trận quyết định 1-0, bằng quả đá phạt sấm sét như điên dại của Ballack, và 2) sự khác biệt giữa hai thế hệ đã hình thành và ngày càng sâu sắc.

Với Löw, những Frings, Ballack hoàn toàn không phù hợp với hình dung của ông trong đội tuyển Đức. Một mặt, về cư xử, họ hay tỏ ra kẻ cả, bề trên, không dựa trên tinh thần “đồng chí”. Mặt khác, trong lối đá, họ quá chậm, không chỉ trong động tác, mà ngay cả trong tư duy. World Cup 2006 đã chỉ rõ, muốn đá thắng phải tăng tốc độ. Mà tốc độ được quyết định ở đâu? Người chạy nhanh, quan trọng, bóng lăn nhanh, càng quan trọng, nhưng suy nghĩ nhanh mới là quyết định. Chính Frings, Ballack đã tạo ra những cuộc phản kháng mạnh mẽ trên công luận khiến cho Löw vô cùng vất vả. Chúng ta thông cảm với tâm trạng của Ballack và Frings, nhưng cũng hiểu nguyên tắc xây dựng đội tuyển của Löw.

May thay, giữa những xung đột đó, World Cup 2010 ở Nam Phi là một sự khẳng định dành cho Löw. Nếu trước đây, đội tuyển Đức đã có những sự thay đổi, thì bây giờ những thay đổi riêng lẻ ấy đã biến thành một cuộc lột xác. Đội tuyển Đức chơi một thứ bóng đá khác hẳn: Nhanh, kỹ thuật, lấy tấn công làm chính, đẹp mắt, hấp dẫn và thành công. Đấy không phải là Đức may mắn năm 2002 hay còn gợn nghi ngờ năm 2006. Đức năm 2010 có đủ sức thuyết phục. Và nếu nhớ lại đội vô địch châu Âu năm 1996 với một tiền vệ nổi tiếng là Dieter Eilts, thì Özil bây giờ khác xa một trời một vực. Mặt khác, thủ quân Lahm bây giờ cũng không giống như Ballack: Anh không đứng trên đội bóng, mà anh đứng giữa đội bóng, vai trò của anh không phải là dậy dỗ hay chỉ bảo, mà là liên kết và gắn bó. Người ta khái quát: Thay cho cấu trúc hình tháp, đội tuyển Đức bây giờ có cấu trúc mạng. Một cái gì đó khá là hiện đại.

Đỉnh cao Đức hiện ra sau hai trận thắng: Brazil 3-2 và Áo 6-2. Đó là kết quả của hàng chục năm, trên mọi bình diện của một nền bóng đá, cả về lối chơi, cả về cầu thủ, về huấn luyện viên, và nhất là về sức sống bóng đá trên một đất nước mà môn thể thao vua này luôn là một truyền thống. Nhưng cột mốc này cũng đặt ra những thách thức mới.

Mảnh ghép cuối cùng

Khi lập ra và bổ nhiệm chức Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), có mâu thuẫn lớn giữa ban lãnh đạo và Klinsmann. Ông Klinsman khăng khăng đòi lựa chọn huấn luyện viên đội tuyển khúc côn cầu Bernhard Peters. Nhưng cuối cùng, DFB tin cậy Matthias Sammer.

Đẳng cấp của Sammer chúng ta đều đã biết: Quả bóng vàng châu Âu 1996, động lực của đội tuyển Đức thời gian ấy, người sáng tạo ra vai trò “libero” trước hàng phòng ngự, cầu thủ đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Đức khoác áo đội tuyển Đức thống nhất. Từ đầu những năm 1980, khi Sammer được chọn là cầu thủ cuất sắc nhất một giải U-17 thế giới tổ chức ở Nam Mỹ, Bertie Vogts đã rất quan tâm tới anh và buông lời nhắn nhủ, đại loại là : Nếu sang thi đấu cho Bundesliga, tương lai của cậu sẽ vô cùng sáng sáng sủa. Nói cụ thể hơn, Sammer là sản phẩm lò đào tạo trẻ của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, nơi hệ thống săn tìm và nuôi dưỡng tài năng làm việc khá hiệu quả. Và Sammer đã dành trọn mọi nỗ lực của mình cho công tác đào tạo trẻ ở bóng đá Đức, cho dù đôi khi anh có mâu thuẫn với Löw, với Giám đốc kỹ thuật ở các CLB hay với chính quan chức DFB.

Sammer quan tâm đến tất cả trẻ em trên mọi vùng lãnh thổ của nước Đức, từ 3 đến 18 tuổi, lúc đầu là chơi bóng đá, một ít chuyển sang học bóng đá, và lại một số trong đó chọn nghề bóng đá. Cả một quá trình lâu dài và liên tục đó, các em được chăm sóc bởi các huấn luyện viên và thầy giáo, được dậy dỗ để hiểu biết và đủ sức đưa ra một lựa chọn cho chính mình. Với các em, mọi cánh cửa vào cuộc đời đều rộng mở. Cuộc sống được đảm bảo, dù sau này có bị chấn thương, có mất phong độ và phải đổi nghề.

Thống kê năm 2010 cho thấy: DFB có 366 cơ sở đào tạo trẻ, và hiện 1.000 huấn luyện viên đang dạy dỗ cho 14.000 tài năng trong lứa tuổi 11-14, là lứa tuổi bắt đầu định hướng chuyên nghiệp, lấy kỹ thuật cơ bản, cơ sở chiến thuật và sự sáng tạo trong lối chơi là nội dung học tập chủ yếu. Từ sau năm 2000, năm thảm họa thua Bồ Đào Nha 0-3, DFB đã dầu tư hơn 100 triệu euro cho công tác đào tạo trẻ. Tất cả 19 cầu thủ đội U-23 đề là học sinh các trường chuyên bóng đá, và 8 cầu thủ đã có mặt ở World Cup 2010 (Müller, Özil, Khedira…).

Còn bây giờ, lại phải kể thêm Götze, Schürrle, Reus… Đường vẫn mở và các thế hệ tiếp tục nối nhau tiến bước.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)