Để khắc phục điểm yếu này, HLV Joachim Loew đã sử dụng một phương án đặc biệt đó là chú trọng vào tấn công để giảm sức ép cho hàng thủ. Đầu tiên, nhà cầm quân này luôn yêu cầu các cầu thủ phải cố gắng kiểm soát bóng thật lâu, đồng nghĩa với việc làm giảm cơ hội tấn công của đối thủ. Ở EURO 2012, tỷ lệ giữ bóng trung bình của “Die Mannschaft” đạt 57%, chỉ thấp hơn Tây Ban Nha, ông vua ở khoản này, 4%. Mỗi khi có bóng, các học trò của ông Loew cũng không chuyền qua lại ở phần sân nhà mà thường tổ chức tấn công thật nhanh, đẩy sức ép sang phần sân đối phương.
Phương pháp phòng ngự của đội tuyển Đức hiện tại là… tấn công - Ảnh: Getty
Trong bốn trận đã qua, Đức đều tìm cách uy hiếp đối phương nhiều nhất có thể. Mỗi trận đội bóng này tung ra ít nhất 12 cú sút, thậm chí lên tới 24 như ở cuộc đối đầu với Hy Lạp. Những đợt tấn công liên tục giúp Đức đang là đội ghi nhiều bàn thắng nhất giải và đồng thời, làm giảm sức ép lên khung thành Manuel Neuer. Các đợt tấn công của họ đều đi kèm với các phương án chống phản công khá hiệu quả. Mỗi khi không duy trì được sức ép lên đối thủ, “Die Mannschaft” đều gặp phải rất nhiều rắc rối. Như đầu hiệp hai trận gặp Hà Lan, khi không còn tấn công dồn dập, Đức đã để “Oranje” vùng lên và hậu quả, phải nhận một bàn thua từ cú sút xa của Robin van Persie.
Do chất lượng nhân sự ở hàng thủ khá hạn chế, phương án HLV Loew đang áp dụng khá hữu hiệu. Tuy vậy, nó có một điểm yếu lớn là nếu hàng công mắc sai lầm, hàng phòng ngự thậm chí sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn gấp bội. Như ở trận gặp Hy Lạp, do Andre Schuerrle chuyền bóng bất cẩn để cầu thủ đối phương cướp được bóng, Đức ngay lập tức đã phải nhận bàn thua sau pha phản công thần tốc của đối thủ. Italia có những phương án phản công xuất sắc hơn hẳn Hy Lạp nên nếu mắc những sai lầm tương tự, người Đức có thể sẽ phải trả giá rất đắt.