Đầu tháng, khai bút tí.
Nếu là trước đây, thế nào tôi cũng hí hoáy viết về tháng Ngâu, về sự tích ông Ngâu, bà Ngâu, về câu chuyện đất trời gần nhau nhất trong năm vào ngày 7/7 âm lịch hay về mùa Vu Lan như model bây giờ, nói về lòng hiếu thảo kính quý của con cái đối với bậc sinh thành.
Nhưng đó là trước đây. Bởi trước đây đã viết rồi, viết lại nó không có hứng, tôi lại có cái tính khỉ, chỉ viết theo hứng, không theo trào lưu hay đơn đặt hàng.
Hôm nay, tự nhiên tôi muốn viết về cái máng lợn vỡ. Một ngày đầu tháng mà viết về cái máng lợn…thật cũng chả hay ho gì. Thế nhưng, tôi vẫn cứ viết, vì nó đang có hứng.
Thực ra chuyện về cái máng lợn vỡ mà tôi muốn nói đến cũng không có gì mới lạ. Nó chính là cái máng lợn của ông lão đánh cá trong chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng.
Tôi cứ nhìn, ngẫm cuộc đời và đúc rút lại thấy câu chuyện về cái máng lợn vỡ ấy hay thật. Quá là hay.
Một hôm ông lão đánh cá chỉ bắt được một con cá vàng nhỏ. Cá vàng nói tiếng người, bảo ông thả nó xuống biển, ông muốn gì nó sẽ giúp. Ông lão thả cá xuống biển và không nhờ cá vàng giúp gì. Về nhà vợ mắng, sao không bảo nó cho cái máng lợn, cái máng của nhà đã cũ và vỡ không còn dùng được nữa. Ông lão nghe lời vợ, chạy vội ra bờ biển gọi cá vàng lên nhờ giúp. Khi trở về, vợ ông đã có cái máng lợn. … Cứ như thế mỗi lần ông trở về vợ ông lại đưa ra một yêu sách và ông lại khẩn nài cá vàng giúp đỡ. Đến yêu sách cuối cùng: Vợ ông là nữ hoàng trên biển có cá vàng hầu cận để bà tiện bề sai khiến thì biển đông nổi sóng dữ, bõa tố mù mịt, ông lão gào thét khản cổ không thấy cá vàng đâu. Khi trở về chỉ có mụ vợ già xấu xí ngồi bên cái máng lợn vỡ hoác.
Lòng ham muốn của con người thật là vô độ. Nó không tỉ lệ cùng với cái sự năng lực hay đức độ hay kiến thức… Nó chỉ đơn giản là sự ham muốn không hạn chế, không độ dừng, không kiểm soát, không biết mình là ai.
Lòng ham muốn ấy đôi khi đã giết chết chính con người.
Tóm lại, nó kết thúc bằng cái máng vỡ. Trở lại sự bắt đầu.
Người ta sẽ đau đớn bởi những thứ vừa mới mất khi ngồi bên máng cũ. Người ta oán hờn. Người ta không đủ tỉnh táo, khôn ngoan để hiểu rằng cái máng vỡ mới chính là của mình. Những thứ không phải của mình, không đúng nghĩa, tự nó sẽ mất.
Vợ ông lão đánh cá khi được làm quý bà (qua từng tông bậc) nhanh chóng không còn nhớ mình là vợ lão đánh cá, không còn nhớ nhờ có cá vàng của lão đánh cá mà mình trở thành quý bà. Việc trở nên phú quý của vợ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tư tưởng của lão đánh cá. Lão chỉ mừng vui vì thấy vợ lão toại nguyện; thâm chí lão còn bị vợ sai người đánh cho thừa sống thiếu chết vì dám nhận vợ mình là …vợ.
Một ngày đầu tháng, nghĩ về cái máng lợn vỡ.