Hài cốt trong tháp tưởng niệm Choeung Ek
Campuchia hiện nay là điểm đến quen thuộc với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những bạn trẻ thích du lịch. Thực sự không hề khó để làm một chuyến đi như thế do sang Campuchia không cần visa, không gặp khó khăn về phương tiện đi lại vì ngoài máy bay còn có cả xe buýt từ TP Hồ Chí Minh, phà cao tốc từ Cần Thơ. Đặt được vé giá rẻ của hãng hàng không Air Asia, chúng tôi cũng lên lịch trình làm một chuyến du lịch “bụi” tới thủ đô của Campuchia…
Thông thường, du khách đến Campuchia đều viếng thăm nhà tù Tuol sleng trước rồi mới tới Cánh đồng chết nhưng chúng tôi lại chọn hành trình ngược lại. Từ thủ đô PhnômPênh, đi xe khoảng 30 phút đã tới khu vực Cánh đồng chết. Thực chất, địa danh mà Polpot dùng làm nơi thảm sát tập thể người Campuchia có cái tên phát âm khá trúc trắc: “Choeung Ek” - về sau nó mới được đặt lại là Cánh đồng chết (Killing field).
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ là đã được xem bộ phim “Cánh đồng chết” và liền mấy đêm mất ngủ vì bị hình ảnh cánh đồng đầy đầu lâu và xương người ám ảnh. Tuy nhiên, khi được chứng kiến tận mắt tội ác diệt chủng tại Cánh đồng chết thật sự, tôi còn thấy rùng mình và bị ám ảnh gấp bội. Cánh đồng chết khi xưa thực ra rộng hơn điểm tham quan hiện nay rất nhiều nhưng người Campuchia cũng muốn quên đi quá khứ đau thương nên chỉ khai quật một số hố chôn tập thể rồi khoanh vùng lại để tham quan.
Hài cốt người xấu số được trưng bày lộ thiên
Dù đã được đưa vào làm du lịch nhưng bất cứ ai đi sâu vào Cánh đồng chết đều có cảm giác nghẹt thở, rùng mình khi đập vào mắt mọi người là vô số hố chôn tập thể, có cái vô danh nhưng cũng lắm cái mang tên đầy tử khí như: “Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ”, “Mộ nhiều xác nhất với 450 xác”, “Mộ 166 người không đầu”, “Mộ 87 người mất tay, chân”…
Được tự do đi lại nhưng khi rảo bước qua những bãi xương người và hố chôn tập thể, hầu như tất cả du khách không ai dám đi nhanh, đạp mạnh vì dưới chân là những bãi xương người lộ thiên, nhìn lạnh xương sống. Sau mỗi trận mưa to, xương trắng trồi lên cả mặt đất. Đi đến đây, chúng tôi quyết định không chụp ảnh nữa, chỉ lặng lẽ tham quan và tưởng niệm những nạn nhân xấu số bởi không ít người trong số đó là người Việt Nam.
Những chấm trắng trên mặt đất là xương người lộ thiên
Ở giữa Cánh đồng chết có một đài tưởng niệm chất khoảng 8.000 đầu lâu bên trong, một số chiếc còn ghi dấu tích của những vụ tra tấn bởi nhìn kĩ sẽ thấy những đường nứt, những khe rãnh chạy dọc, chen ngang trên hộp sọ. Đây là chứng tích của những cú bổ bằng rìu, bằng dao, bằng khúc cây vào đầu nạn nhân. Có hành động này vì chỉ thị hồi đó của Polpot là triệt để tiết kiệm đạn trong việc tàn sát nhân dân.
Để tìm hiểu thêm bối cảnh lịch sử của Campuchia giai đoạn 1975-1979, chúng tôi rời Cánh đồng chết để tới thăm bảo tàng Toul Sleng. Được biết, trước khi trở thành trại tập trung của chế độ chủng Polpot, Tuol Sleng là một ngôi trường trung học. Đến năm 1975, trường được chuyển đổi tên gọi thành: Nhà tù an ninh S21. Trong thời gian ngắn ngủi 4 năm, nơi đây giam giữ khoảng 20.000 người, nhưng thời điểm quân tình nguyện Việt Nam vào giải phóng khu vực này, chỉ còn 14 người còn sống sót. Những người bị giam ở đây là công nhân, nông dân, kỹ sư, thợ cơ khí, dân trí thức, giáo viên, giáo sư, học sinh và thậm chí là nhân viên ngoại giao, công dân nước ngoài (có rất nhiều trong số đó là người Việt Nam). Không những thế, nếu tù nhân là người Campuchia thì toàn bộ thành viên gia đình, kể cả trẻ em mới đẻ cũng bị đưa vào giam giữ trong nhà tù.
Tượng Pol Pot bị đặt trong cũi sắt tại bảo tàng Toul Sleng
Khi xe đưa chúng tôi đến Tuol Sleng, nhìn từ xa thì nhà tù - trường trung học này cũng hoàn toàn bình thường như bao trường học khác trên đất nước Campuchia. Đó là một ngôi trường gồm 3 dãy nhà ba tầng nằm kề nhau, phía trước là sân chơi với những hàng dừa xanh tỏa bóng mát. Tuy nhiên, khi đi vào bên trong, chúng tôi mới thấy rõ đây là một nhà tù đúng nghĩa vì nó đã được cải tạo lại, xây thêm hàng rào điện, hành lang của cả 3 tầng đều chăng dây thép kín mít. Ngay lối ra vào, bảo tàng có treo biển “No Smile” - “Cấm cười”. Có lẽ điều này cũng không cần thiết bởi không ai có thể cười ở nơi này khi đã được nghe về tội ác diệt chủng của Polpot.
Sau khi mua vé vào cửa với giá 10 USD, chúng tôi tham quan tất cả các phòng trưng bày ở tầng một. Tại tầng này, hai phần ba số phòng được xây ngăn lại thành các xà lim. Những dãy buồng giam dài, được xây kín bằng gỗ, gạch san sát nhau, chìm trong bóng tối. Những tù nhân trong buồng giam nhỏ thì bị xích chân bằng một sợi xích to chôn chặt xuống nền nhà, còn những tù nhân trong buồng giam lớn thì bị xích một hoặc cả hai chân vào những thanh cùm ngắn.
Một phần ba số phòng còn lại trưng bày ảnh các tù nhân đủ mọi kích cỡ trong thời gian bị giam cầm và tra tấn. Tất tật đều là ảnh đen trắng và đều rập theo một kiểu chân dung. Tất cả không có một nụ cười trên những khuôn mặt đăm đăm căng thẳng kia và tất cả đều đã bị hành quyết. Những bức ảnh này được nhân viên cai ngục thực hiện.
Học sinh Campuchia tham quan, học tập tại bảo tàng Toul Sleng
Bên cạnh các bức ảnh, trong các gian phòng còn trưng bày những dụng cụ, những bức tranh mô tả cảnh tù nhân bị đánh đập bằng búa, rìu, bị rút móng tay, móng chân; đổ axít vào tai, khoét ngực để thả rết… Thậm chí, những vết máu bắn ra của nạn nhân vẫn còn in đậm trên tường và trần nhà. Không thể tưởng tượng nổi, cuối thế kỷ 20, khi nền văn minh nhân loại đã tiến vượt bậc nhưng trên đất nước Campuchia vẫn còn những cảnh giết chóc như thời trung cổ. Đây được coi là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Campuchia.
Hơn 31 năm qua đi, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi thảm họa diệt chủng Polpot và mở ra một trang sử mới hòa bình, ổn định, tạo đà cho sự phát triển của đất nước Campuchia ngày hôm nay. Đâu đâu trên đất nước Campuchia, chúng tôi đều cảm nhận được điều này.
Box: Sau hơn 3 năm dưới chế độ diệt chủng Polpot, đã có hơn 1,7 triệu người bị giết hại, gần 6.000 trường học, hơn 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ đạo Thiên Chúa và đạo Hồi bị phá hủy hoặc biến thành nhà kho, trại giam.