Bụi đời từ năm 11 tuổi
Thời đi học của Nguyễn Chí Thoại bị gián đoạn khi người chị gái lâm bệnh thần kinh. Gia đình đành cho Thoại nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm tiền chạy chữa cho chị gái. Nhìn cảnh bạn bè cắp sách đến trường còn mình phải cặm cụi làm lụng, Thoại đâm ra chán nản, rồi sa vào ăn chơi, phá phách.
Nguyễn Chí Thoại đã có những năm tháng tuổi thơ nhiều sóng gió. |
Với 105.000 đồng có được nhờ bán đi chiếc xe đạp cũ, Thoại đã bỏ nhà ở Bạc Liêu lên Sài Gòn. Cuộc sống xô bồ với vô vàn cạm bẫy chốn thành thị không hề dễ dàng với một cậu bé 11 tuổi.
Suốt 11 năm sống lang thang, Thoại đã làm không dưới 12 nghề để có miếng ăn qua ngày. Từ nhặt bao nilon, ve chai, bán vé số, sửa xe máy… cho đến phục vụ nhà hàng, nhặt bóng quần vợt. Thậm chí, anh thú nhận, có những khi quá túng quẫn Thoại đã phải cướp giật để có cái ăn.
Tự chọn con đường “đi bụi”, cậu bé Thoại cương quyết không quay về với gia đình dù có gặp phải vô vàn khó khăn. Với bản tính “gan lì” của mình Thoại đã một mình chống chọi với đói – khổ – buồn tủi.
“Giờ nghẫm lại, vẫn thấy mình may mắn vì không bị lôi cuốn vào vòng tội lỗi, tệ nạn xã hội” - Thoại nói.
Học tiếng Anh vì những thỏi kẹo
Những ngày lang thang không bán được vé số, Thoại dần nhận thấy mình cần có một nghề nuôi bản thân lâu dài chứ không thể lang lang nữa. Mà muốn có nghề nghiệp ổn định thì không còn con đường nào khác ngoài việc học.
Thoại đã cố tìm cách để được đi học, nhưng với điều kiện của Thoại thì khó có tiền để đến trường. Năm 2003, nhận được sự giúp đỡ của những nhân viên xã hội, Thoại về ở dưới mái ấm Tre Xanh (Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM). Thoại xin học bổ túc ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa quận Tân Bình.
Thế nhưng việc học văn hóa của Thoại cũng gặp nhiều khó khăn, bởi Thoại cũng còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi mình.
Khi công việc bị gián đoạn, việc học của Thoại thường bị ảnh hưởng rất nhiều. Thời gian đi bán hàng dạo quanh chợ Bến Thành, hay các công viên Thoại gặp nhiều khách nước ngoài mà không biết cách chào mời làm sao để khách mua hàng. Từ đó Thoại biết rằng muốn bán được hàng thì phải nói được tiếng Anh.
Chỉ với ý niệm biết tiếng Anh để bán thêm được nhiều hơn một thỏi kẹo hay một cái bản đồ đường, Thoại đã dần coi tiếng Anh như chiếc chìa khóa giúp cuộc sống của cậu dễ dàng hơn.
Cũng từ đó, Thoại “đầu tư” cho việc học tiếng Anh một cách miệt mài. Khoảng thời gian đi làm tiếp tân ở khách sạn, nhà hàng Thoại được dịp tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài, Thoại xem đây là cơ hội để rèn luyện khả năng tiếng Anh của mình.
Nhớ lại quá trình học tiếng Anh của mình – Thoại kể, có một giai đoạn Thoại cứ đi lang thang ở quanh nhà thờ Đức Bà để tự luyện cách phát âm chuẩn. Cố bắt chuyện và làm quen với người nước ngoài, họ cũng thích nói chuyện với Thoại vì khả năng nghe và nói của anh lúc này đã khá tốt. Những người bán hàng ở nhà thờ Đức Bà hay công viên 30/4 (quận 1, TP.HCM) cứ tưởng Thoại là một thằng “khùng” vì thấy Thoại hôm nào cũng vừa đi vừa “lải nhải” một mình. Họ không biết rằng Thoại đang cố gắng luyện phát âm tiếng Anh.
Thời gian đầu Thoại đã rất khó khăn bởi giọng nói chưa chuẩn, từ vựng còn nghèo nàn và vốn ngữ pháp cũng chưa hề có bài bản. Thoại đã học từ vựng bằng cách mua từ điển về nhà, mỗi ngày Thoại ghi lên giấy 5–10 từ dán lên tường nhà. Trước khi đi ngủ Thoại đều cố gắng ôn lại các từ mới xem đã thuộc chưa sau đó mới ngủ, nếu chưa thuộc Thoại cảm thấy “khó chịu” sau đó sẽ bật dậy để ôn lại cho thuộc sau đó mới chịu nằm yên.
Chính vì xem tiếng Anh như là kế sinh nhai cho mình nên Thoại dốc hết sức để học tập. Trời không phụ lòng người, tháng 1/2010 Thoại đã được mời về dạy tiếng Anh cho dự án Tương Lai.
“Tất cả những gì bây giờ mình có cứ như là giấc mơ” - Thoại nói.
Ước mơ của “thầy Thoại”
Cũng chính vì vậy mà Thoại đã nổ lực hết mình cho công việc giảng dạy của mình. Biết trước khó khăn rất nhiều nhưng Thoại vẫn bỡ ngỡ trước những thử thách quá lớn khi dạy học cho những trẻ em đường phố. Trẻ em bình thường đã rất hiếu động, trẻ em đường phố lại càng “cứng đầu” và khó bảo hơn. Chính Thoại đã từng trong hoàn cảnh của các em mà cũng thấy quá sức và mệt mỏi. Có những lúc Thoại đã rất bực mình, nhưng rồi lại tự trách chính bản thân mình không có cách dạy phù hợp.
Vậy là bao đêm Thoại đã trằn trọc nghĩ phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất dành cho các em.
Thoại vẫn say mê với công việc dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo để mong muốn cho các em bớt đi những nhọc nhằn mưu sinh. |
Sinh năm 1988 nhưng năm nay Thoại mới chỉ học lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên. Ngoài giờ học Thoại còn phụ trách 3 lớp dạy thêm tiếng Anh. Học trò của Thoại gồm nhiều thành phần và mức học phí cũng khác nhau. Những người có nhu cầu học tiếng Anh để xuất ngoại thì mức học phí cao hơn sinh viên, học sinh.
Còn những trẻ em nghèo thì mức học phí chỉ ở mức 20.000–30.000 đồng/tháng. Mong muốn của Thoại là thành lập một trung tâm Anh ngữ dạy cho nhiều đối tượng. Ở đó, Thoại sẽ tổ chức những buổi dã ngoại để mọi người ở các địa vị, chức danh và thế hệ khác nhau sẽ có cơ hội được giao lưu, sẻ chia và đồng cảm với nhau.
Ánh mắt Thoại luôn sáng ngời khi kể về những dự định của mình: "Thoại muốn giúp nhiều người nhưng không thể nào đến từng nhà các em, không thể gặp được hết tất cả trẻ đường phố để dạy cho các em nói tiếng Anh. Với Thoại, giúp các em bán thêm được nhiều hàng hơn nhờ biết tiếng Anh là niềm vui".
Những điều ấy mới nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng đâu phải những ước mơ hay triết lý sống hoa mỹ mới làm nên một cuộc đời đặc biệt